Bàu Bàng đã đổi thay

Cập nhật: 01-04-2015 | 08:16:36

Sau khi thành lập, huyện Bàu Bàng nhanh chóng trở thành một trong những địa phương phát triển kinh tế ổn định...

Sau một năm thành lập, kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở của huyện Bàu Bàng đã có bước phát triển đột phá

Kinh tế tăng trưởng khá

Với diện tích tự nhiên 33.915 ha, dân số 85.000 người và 7 đơn vị hành chính cấp xã, năm 2014 ước tổng giá trị sản xuất của huyện đạt 11.854 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng bền vững với tỷ trọng công nghiệp chiếm khá cao trong cơ cấu kinh tế công nghiệp 54,4% - dịch vụ 26,1% - nông nghiệp 19,5%. Năm qua, ước tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện là 484 tỷ 191 triệu đồng, đạt 100,02% so với kế hoạch tỉnh giao; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 6.447 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2013.

Trong năm 2014, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào Bàu Bàng. Đến nay, Bàu Bàng đã thu hút 259 dự án đầu tư (trong đó 221 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 1.475 tỷ đồng và 38 dự án nước ngoài với tổng vốn đăng ký 225 triệu 902 ngàn đô la Mỹ).

Bên cạnh việc phát triển công nghiệp, từ khi thành lập huyện đến nay, các hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng phát triển đa dạng các loại hình. Giá trị dịch vụ năm 2014 của huyện đạt 3.092 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2013. Đặc biệt, trong năm 2014, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Bình Dương đã đến đăng ký mở trụ sở chi nhánh trên địa bàn huyện. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2014 đạt 2.315 tỷ đồng, tăng 4,2% so năm 2013. Tình hình sản xuất chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển ổn định đã góp phần mang lại cho người dân thu nhập khá, ổn định cuộc sống.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết, khởi điểm là huyện mới, chưa có quy hoạch tổng thể về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; kinh tế còn nhiều khó khăn, mặc dù xác định là huyện công nghiệp nhưng 75% diện tích đất công nghiệp chưa có nhà đầu tư; thương mại - dịch vụ hầu như chưa có gì. Tuy nhiên, huyện đã đoàn kết một lòng, tập trung phát triển kinh tế và đã đạt được nhiều kết quả tốt.

Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng

Sau một năm thành lập, cơ sở hạ tầng của huyện Bàu Bàng đã phát triển tương đối đồng bộ. Các tuyến giao thông liên huyện, liên vùng đã được đầu tư đồng bộ. Năm qua, các tuyến đường liên xã cũng được đầu tư trên 150 tỷ đồng. Hiện nay, khu đô thị Bàu Bàng đang được đầu tư. Đặc biệt, Trung tâm hành chính huyện có tổng diện tích gần 90 ha đã có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500; hiện đã bố trí đất cho các cơ quan, ban ngành để triển khai xây dựng. Riêng tòa nhà Trung tâm hành chính với quy mô 9 tầng đã có thiết kế, chờ ý kiến của UBND tỉnh, sau đó sẽ tiến hành triển khai thi công.

Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng có ý nghĩa hết sức quan trọng đến sự phát triển kinh tế của của địa phương. Cụ thể, giao thông được đầu tư đồng bộ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng từ huyện này đến huyện khác mà còn góp phần thúc đầy phát triển các loại hình dịch vụ, tăng thu nhập cho người dân.

Năm 2014, Bàu Bàng đã xây dựng được 4 trường học với số vốn trên 200 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu trường lớp cho học sinh, trong đó có 3 trường tiểu học và 1 trường THCS. Bình quân mỗi trường đáp ứng nhu cầu về lớp học và trang thiết bị dạy và học cho 1.500 học sinh. Ngoài ra, hệ thống điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở nông thôn cũng được quan tâm đầu tư. Năm 2014, Bàu Bàng đã xóa điện kế tổng cho người dân, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa với tổng số vốn 50 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt cho bà con.

Năm 2015, Bàu Bàng sẽ tiếp tục xây dựng thêm 2 trường tiểu học và 1 trường mầm non phục vụ nhu cầu về trường lớp cho con em công nhân về đây làm việc; đồng thời đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành và đưa vào sử dụng tuyến đường bê tông nhựa nóng có chiều dài 9km với vốn đầu tư 120 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục đầu tư sửa chữa trường học, trang thiết bị y tế, xây dựng nhà văn hóa và các tuyến đường giao thông các xã.

Trong giai đoạn 2015-2020, Bàu Bàng phấn đấu sẽ trở thành huyện công nghiệp. Thực hiện định hướng này, Bàu Bàng đang ra sức phấn đấu để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - đô thị. Ông Nguyễn Văn Minh cho biết thêm, để phát triển thương mại - dịch vụ, huyện sẽ khuyến khích phát triển mạng lưới đại lý phân phối hàng hóa và hệ thống bán lẻ trên địa bàn. Ngoài ra, huyện sẽ phát triển hệ thống giao thông vận tải hàng hóa, hành khách; đẩy mạnh phát triển dịch vụ cho thuê nhà ở, nhà trọ, dịch vụ ăn uống…

Có thể nói, những kết quả trong năm 2014 mà Bàu Bàng đạt được là tiền đề quan trọng để tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.

  - Ông Võ Đạt Thành, Chủ tịch UBND xã Lai Uyên: “Từ khi thành lập huyện Bàu Bàng, trên địa bàn huyện đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất, phát triển các loại hình dịch vụ tiện ích; qua đó đã làm thay đổi diện mạo của một huyện thuần nông trước đây. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng ổn định và phát triển, không gian đô thị mới ở đây đang được hình thành”.  

- Ông Nguyễn Văn Tàng, xã Lai Uyên: “Tôi nguyên là một chiến sĩ Công an nhân dân của Công an huyện Bến Cát trong thời chiến tranh chống Mỹ. Tôi thật không ngờ lại được chứng kiến cảnh thay da, đổi thịt của vùng đất anh hùng Bàu Bàng hôm nay. Ngay từ khi biết có chủ trương thành lập huyện Bàu Bàng, tôi đã hiểu đây là một quyết định đúng đắn của Đảng bộ tỉnh. Kể từ khi thành lập huyện, tôi thấy các tuyến đường giao thương của địa phương có nhiều xe cộ qua lại hơn. Riêng ở Lai Uyên, việc hình thành Trung tâm hành chính Bàu Bàng đã mang lại một diện mạo đô thị rõ nét cho trung tâm của huyện. Tôi nghĩ, cùng với tốc độ công nghiệp hóa rất nhanh của huyện, trong tương lai không xa, Bàu Bàng có nhiều tiềm năng, lợi thế để trở thành một quận của thành phố Bình Dương trong tương lai”.

- Chị Phan Thu Thủy, ấp Bàu Lốt, xã Lai Uyên: “Từ khi thành lập huyện Bàu Bàng, các loại hình dịch vụ như ăn uống, cho thuê nhà trọ, bán tạp hóa… đã đua nhau mọc lên vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân, vừa tăng thu nhập kinh tế hộ, góp phẩn ổn định đời sống người dân”.

Anh Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, ấp Long Hưng, xã Long Nguyên: “Có thể nói, chủ trương thành lập huyện Bàu Bàng là rất đúng đắn và hợp với suy nghĩ, mong muốn của người dân. Từ khi thành lập huyện, bà con rất phấn khởi thi đua xây dựng kinh tế gia đình, kinh tế huyện nhà. Nhờ nhiều chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính nên khi làm việc với chính quyền địa phương để xin cấp các loại giấy tờ làm ăn đều rất thuận lợi. Điều này đã tiếp thêm nguồn động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân”.

 

• PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Bàu Bàng

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên