Bầu cử QH Hà Lan: Châu Âu thở phào!

Cập nhật: 22-03-2017 | 16:04:28

Mặc dù chưa có kết quả chính thức, song với 95% số phiếu được kiểm với chiến thắng nghiêng hẳn về đảng trung hữu “Nhân dân vì tự do và dân chủ” (VVD) của thủ tướng Mark Rutte, bầu quốc hội Hà Lan đã khiến nhiều chính phủ tại châu Âu thở phào nhẹ nhõm. Kết quả này cũng chứng tỏ người Hà Lan chưa muốn đặt dấu chấm hết cho nhiều thập kỷ của chủ nghĩa tự do và chọn con đường chủ nghĩa dân tộc chống lại người nhập cư.

VVD đã vượt qua đảng “Vì tự do” (PVV) của nhân vật cực hữu, dân túy và theo chủ nghĩa bản địa bài ngoại Geert Wilders, vốn dẫn sít sao trong các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử. Sau khi có kết quả sơ bộ, ông Rutte tuyên bố chiến thắng, gọi đó là "một đêm mà những người Hà Lan, sau Brexit, sau bầu cử Tổng thống Mỹ, đã nói 'không” trước chủ nghĩa dân túy sai lầm". Ngay lập tức ông Rutte cũng nhận được thông điệp chúc mừng từ các lãnh đạo khác của châu Âu.

Ông Peter Altmaier, Chánh văn phòng của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã không thể kiềm chế được niềm vui khi viết trên Twitter: "Những người Hà Lan, ôi những người Hà Lan, các bạn là nhà vô địch!... Xin chúc mừng kết quả tuyệt vời này".

Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault viết trên Twitter: "Xin chúc mừng Hà Lan vì đã ngăn chặn được sự trỗi dậy của phe cực hữu Hà Lan Mark Rutte giành được “chiến thắng cách biệt” và đánh giá đây là một “cuộc bầu cử cho châu Âu, chống lại các thành phần cực đoan”. Còn Thủ tướng Angela Merkel gọi cử tri Hà Lan là “những nhà vô địch”.

Cũng trên Twitter cá nhân, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker chúc mừng Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte giành được “chiến thắng cách biệt” và đánh giá đây là một “cuộc bầu cử cho châu Âu, chống lại các thành phần cực đoan”.

Giới phân tích cho rằng mặc dù Hà Lan chỉ có dân số 17 triệu, tương đương 1/4 dân số Pháp và 1/5 dân số Đức; cuộc bầu cử ở Hà Lan cũng chỉ là 1 trong 3 cuộc bầu cử quan trọng diễn ra trong năm nay ở châu Âu, nhưng nó thu hút sự quan tâm đặc biệt, bởi đây được coi là thước đo mức độ ủng hộ các chính đảng và các nhân vật có quan điểm cực hữu ở cả châu Âu.

Và kết quả tại Hà Lan đã giúp xoa dịu mối lo ngại, nhất lại tại các nước cũng chuẩn bị bầu cử như Pháp và Đức, về xu hướng trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ sau khi Anh lựa chọn rời Liên minh châu Âu (EU) và ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ.

Mặc dù kết quả chính thức đến ngày 21/3 mới được Ủy ban Bầu cử Hà Lan công bố, song kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đảng VVD của Thủ tướng Mark Rutte dự kiến giành được 32 ghế trong Hạ viện 150 ghế. Về thứ hai là đảng “Lời kêu gọi dân chủ Cơ đốc giáo” (CDA), được 20 ghế. Đảng cực hữu PVV và đảng “Những người dân chủ 66” (D66) cùng đứng thứ 3 với 19 ghế. Tiếp theo là đảng Cánh tả xanh, 16 ghế, và đảng Xã hội chủ nghĩa (SP) 14 ghế.

Theo giới phân tích, một trong những lý do giúp đem lại chiến thắng cho ông Rutte, đó là tỷ lệ cử tri Hà Lan tham gia bỏ phiếu khá cao, tới 81%, mức cao kỷ lục trong hơn 3 thập kỷ qua. Trong đó, tỷ lệ cử tri trẻ, vốn phản đối chính sách chống nhập cư và ủng hộ liên kết EU, chiếm tỷ lệ rất cao, nên đã gây bất lợi cho ông Wilder.


Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vui mừng khi nhận kết quả thăm dò.

Với kết quả nói trên, đảng VVD sẽ giành quyền đứng ra thành lập liên minh cầm quyền mới, và Thủ tướng Rutte gần như chắc chắn sẽ tiếp tục giữ chức nhiệm kỳ thứ ba. Các đối tác mà đảng VVD có thể lựa chọn liên minh là đảng CDA và D66, cùng với một đảng khác thuộc phe cánh tả.

Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy thách thức không nhỏ đối với chính quyền mới của Hà Lan khi mà sự chia rẽ đang ngày một lớn. Giới phân tích cho rằng quá trình thương lượng thành lập chính phủ mới có thể kéo dài hàng tháng. Và mặc dù dẫn đầu, song đảng VVD bị mất tới 9 ghế so với 41 ghế trong quốc hội đương nhiệm. Trong khi đó, nếu so với 12 ghế trong quốc hội hiện nay, việc giành được 19 ghế trong cuộc bầu cử năm nay đã là chiến thắng bước đầu của đảng cực hữu PVV.

Nó cũng cho thấy trật tự chính trị ở châu Âu bắt đầu có những thay đổi. Chính vì vậy, cũng trong phát biểu đầu tiên khi có kết quả sơ bộ, Thủ tướng Rutte đã nhấn mạnh mục tiêu quan trọng nhất vào thời điểm hiện tại là củng cố sự đoàn kết và thành lập một chính phủ ổn định.

Trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy ở châu Âu đang tìm mọi cách tấn công toàn diện vào các nguyên tắc cơ bản của sự hội nhập châu Âu, kết quả cuộc bầu cử ở Hà Lan đã phần nào đã giải tỏa được mối lo về sự "lên ngôi" của tâm lý hoài nghi chán ghét châu Âu.

Kết quả này được cho là sẽ có tác động không nhỏ đến hai cuộc bầu cử quan trọng khác ở châu Âu trong năm nay, đó là cuộc bầu cử Tổng thống Pháp (vào cuối tháng 4, đầu tháng 5) và cuộc tổng tuyển cử ở Đức (vào tháng 9 tới).

Tuy nhiên, trong bối cảnh châu Âu vẫn phải đương đầu với những thách thức khi tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, bất bình đẳng xã hội chưa thể giải quyết, làn sóng nhập cư ồ ạt kéo theo những vấn đề về an ninh và xã hội... đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để tâm lý bất mãn đối với các chính phủ gia tăng. Bởi vậy, nguy cơ của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu vẫn chưa thể loại trừ. 

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên