Bệnh đái tháo đường: Kiểm tra sức khỏe để phòng tránh biến chứng

Cập nhật: 28-10-2014 | 09:07:30

Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người trên toàn thế giới. Người bệnh ĐTĐ cần chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ và khi có những dấu hiệu khác thường để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra…

 Người bệnh ĐTĐ cần theo dõi sức khỏe thường xuyên. Trong ảnh: Các BS Bệnh viện Điều dưỡng - Phục hồi chức năng tỉnh khám bệnh cho người già trên địa bàn phường Phú Mỹ, TP.TDM Ảnh: H.THUẬN

Bệnh có xu hướng tăng

ĐTĐ còn gọi là bệnh tiểu đường hay bệnh dư đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao. Trong giai đoạn mới phát, bệnh ĐTĐ thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước. Theo các bác sĩ (BS), bệnh ĐTĐ là một trong những nguyên nhân chính của nhiều bệnh hiểm nghèo, điển hình là bệnh tim mạch vành, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận, liệt dương…

Theo số liệu thống kê, bệnh nhân ĐTĐ đang tăng lên từng ngày trên toàn cầu. Tần suất bệnh ĐTĐ trên thế giới chiếm khoảng 60 - 70% các bệnh nội tiết. Bệnh có xu hướng tăng cao ở các nước đang phát triển. Nguyên nhân được đưa ra là do tốc độ đô thị hóa đã làm ảnh hưởng và thay đổi lối sống của con người. Các hoạt động thể lực của con người giảm và tình trạng dư thừa năng lượng tăng lên. Ước tính của Liên đoàn ĐTĐ quốc tế cho thấy, mỗi năm bệnh ĐTĐ cướp đi sinh mạng của gần 4,6 triệu lượt người và tiêu tốn gần 465 tỷ đô la cho công tác điều trị.

ĐTĐ được coi là một trong những mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người trên toàn cầu. Thế nên, người bình thường khi phát hiện có các triệu chứng như ăn nhiều nhưng vẫn gầy, uống nhiều nước nhưng vẫn thấy khát nước, tiểu nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân… thì nên đi khám BS và làm xét nghiệm máu để phát hiện bệnh ĐTĐ sớm, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Xét nghiệm máu là cách chẩn đoán chính xác một người có bị ĐTĐ hay không, ngoài ra nó còn giúp theo dõi hiệu quả điều trị khi bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc.

Cần khám sức khỏe định kỳ

BS Nguyễn Văn Bông, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Phước cho hay, bệnh ĐTĐ làbệnh lý lành tính. Những biến chứng cấp tính của bệnh ĐTĐ thường rầm rộvàdễnhận thấy. Ngược lại, những biến chứng mạn tính thường diễn biến âm thầm vàthường không được chẩn đoán sớm. Theo thống kê, có từ 30 - 50% bệnh nhân mắc ĐTĐ type 2 không được chẩn đoán. Đây chính là mối lo ngại vì những biến chứng mạn tính của bệnh ĐTĐ thường gây nên nhiều di chứng vàchi phíđiều trịrất tốn kém.

Theo BS Bông, người bị ĐTĐ có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm về mạch máu và tim mạch. Trong đó, bệnh mạch vành tim gây nên nhồi máu cơ tim, cơn cao huyết áp; bệnh mạch máu não có thể dẫn đến đột quỵ; bệnh mạch máu ngoại vi chi dưới phối hợp với biến chứng thần kinh gây hoại tử dẫn đến cắt cụt chi. Lời khuyên mà BS Bông đưa ra là để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm trên là, người bệnh ĐTĐ nên đến BS chuyên khoa tim mạch để khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần hoặc khi có một trong các biểu hiện: đau thắt ngực, đau đầu, các vết tím, vết loét, hoại tử, nhiễm trùng… ở chân. Đặc biệt, cần chú ývà đo huyết áp theo chỉ định BS để phát hiện cơn tăng huyết áp.

Một trong những biến chứng thường gặp do ĐTĐ có liên quan đến mắt. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ hạn chế được tác hại của bệnh. Bệnh lývõng mạc do ĐTĐ có nguy cơ dẫn đến mù lòa. Vì thế, người bệnh cần khám mắt định kỳ 6 tháng một lần và đến khám BS ngay khi có các biểu hiện mờ, đau nhức mắt. Cùng với các bệnh lývề mắt, bệnh thận do ĐTĐ là nguyên nhân thường gặp nhất và gây suy thận giai đoạn cuối. Do đó, người bệnh cần xét nghiệm nước tiểu và mỡ máu theo chỉ định của BS và khám chuyên khoa thận - tiết niệu 6 tháng một lần.

Cùng với việc theo dõi sức khỏe thường xuyên, người bệnh ĐTĐ cũng cần chú ýgiảm cân nếu bị thừa cân, tích cực vận động, tập luyện các môn thể dục phù hợp. Mỗi ngày nên đi bộ từ 30 - 45 phút để cải thiện sức khỏe. Điều cần chú ýnữa là thực hành chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của BS. Bệnh nhân ĐTĐ cần hạn chế ăn cơm, mì xào, hủ tiếu, bánh canh, bánh mì, khoai lang, khoai mì, bánh qui, trái cây ngọt, trứng; không ăn mặn; hạn chế uống rượu, hút thuốc. Nên ăn các loại trái cây tươi ít đường như táo, bưởi, cam quýt; ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, các loại đậu, cá biển có nhiều axit béo…

 

 HỒNG THUẬN

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên