Bệnh Glôcôm: Điều trị sớm sẽ tránh được mù lòa

Cập nhật: 02-04-2013 | 00:00:00
Bệnh Glôcôm (còn gọi là bệnh cườm nước, bệnh tăng nhãn áp) là nguyên nhân đứng thứ hai (sau bệnh đục thủy tinh thể) gây mù lòa ở người. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm, người mắc bệnh glôcôm sẽ tránh được tình trạng mù lòa…   Khám mắt tại Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một

Bệnh Glôcôm là tình trạng tăng nhãn áp trong nhãn cầu cao hơn mức bình thường (do lượng thủy dịch được thải ra ngoài ít hơn lượng thủy dịch được tiết ra), gây tổn thương thần kinh thị giác dẫn đến mù lòa. Theo bác sĩ Đinh Thị Hồng Huệ, Phó Trưởng khoa mắt, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh, bệnh Glôcôm sẽ gây giảm thị lực dần, mất thị trường, teo thần kinh thị giác và dẫn đến mù lòa không hồi phục. Người mắc bệnh Glôcôm thường có những biểu hiện, như: đau nhức mắt, kèm theo đau nhức nửa đầu cùng bên; mắt nhìn mờ như nhìn qua màng sương, nhìn đèn thấy quầng xanh, quầng đỏ; buồn nôn, nôn ói; đồng tử giãn, mất phản xạ với ánh sáng; mắt đỏ, chảy nước mắt; nhãn cầu căng cứng…

Tất cả mọi người đều có thể bị bệnh Glôcôm. Tuy nhiên, theo bác sĩ Huệ, bệnh Glôcôm thường gặp nhất ở những người trên 40 tuổi (thường gặp ở nữ nhiều hơn nam). Ngoài ra, những đối tượng sau đây cũng có nguy cơ dễ mắc bệnh Glôcôm, như: trong gia đình có người thân bị Glôcôm; người có mắt nhỏ, viễn thị, giác mạc nhỏ; người có tâm trạng hay lo lắng; những người bị cận thị nặng hoặc viễn thị, huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường, sử dụng thuốc corticoid kéo dài; người có tiền sử bị chấn thương vào mắt hoặc đã có lần mổ mắt. Theo các bác sĩ, khi cha mẹ hoặc người thân trong gia đình, họ hàng có người bị Glôcôm, thì nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ cao hơn.

Theo bác sĩ Huệ, với những người bình thường, tự nhiên thấy đau nhức mắt, nhức đầu cùng bên, giảm thị lực đột ngột thì nên nghi ngờ bị bệnh Glôcôm. Khi bị Glôcôm nên đưa ngay người bệnh đến cơ sở chuyên khoa càng sớm càng tốt. Cùng cần lưu ý rằng, bệnh Glôcôm nếu không được chữa sớm rất dễ bị mù lòa. Khác với bệnh đục thủy tinh thể (cườm khô), người bệnh có thể được phẫu thuật để thay thủy tinh thể nhân tạo. Nhưng Glôcôm là bệnh làm tổn thương thần kinh thị giác không hồi phục, vì vậy bệnh nhân phải kết hợp với bác sĩ để có kế hoạch điều trị suốt đời.

Người mắc bệnh Glôcôm nên tránh uống rượu, tránh hút thuốc lá, thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao và khám mắt định kỳ. Tất cả các phương pháp tập luyện làm tăng lượng oxy vào cơ thể (như đi bộ, chạy bộ, leo núi, bơi lội...) đều tốt cho mắt và làm giảm nhãn áp. Vì vậy, những người mắc bệnh tăng nhãn áp nên tập thể dục đều đặn.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=414
Quay lên trên