Bệnh nghề nghiệp: Doanh nghiệp và người lao động còn thờ ơ?

Cập nhật: 10-05-2017 | 09:38:30

Trong quá trình lao động sản xuất, người lao động (NLĐ) có thể mắc các bệnh nghề nghiệp (BNN) làm ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng. Thế nhưng việc phòng, tránh BNN cho NLĐ hiện vẫn còn một số doanh nghiệp (DN) chưa quan tâm đúng mức.

Khám sức khỏe định kỳ nhằm kiểm tra sức khỏe, phát hiện BNN để điều trị sớm. Trong ảnh: Khám sức khỏe định kỳ cho công nhân tại Công ty TNHH Cổ phần May mặc Bình Dương

Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định Danh mục BNN được hưởng bảo hiểm xã hội và hướng dẫn chẩn đoán, giám định BNN, bao gồm 34 BNN. Trên thực tế xu thế hội nhập với nhiều ngành nghề mới, sử dụng nhiều hóa chất đang làm tăng số ca mắc BNN cả cấp tính và mãn tính tại Việt Nam. Ở Bình Dương đã có rất nhiều DN rất quan tâm đến vấn đề khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ nhằm kịp thời phát hiện các BNN. Ông Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH Cổ phần May mặc Bình Dương cho biết, khám sức khỏe định kỳ cho công nhân trực tiếp sản xuất, tiếp xúc với môi trường độc hại là hoạt động thường niên của công ty nhằm chăm lo bảo vệ sức khỏe, dự phòng, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời, nhất là những BNN. Mỗi năm, công nhân sản xuất trong môi trường độc hại sẽ được công ty cho đi khám định kỳ 2 lần, đối với công nhân bình thường là 1 lần. Trung bình công ty trích khoảng 1 tỷ đồng để dành cho công tác khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Dù lao động ở trong môi trường độc hại, nhưng việc tạo điều kiện cho công nhân khám sức khỏe định kỳ sẽ làm cho NLĐ yên tâm hơn trong lao động sản xuất. Chị Nguyễn Thị Niềm, công nhân Công ty Cổ phần may mặc Bình Dương chia sẻ: “Chúng tôi là công nhân may, nên ít nhiều làm việc trong môi trường độc hại, trực tiếp tiếp xúc với bụi từ vải, bông; dễ bị các chứng bệnh về xương khớp do ngồi quá lâu. Vì vậy, được khám sức khỏe định kỳ đối với chúng tôi là rất quan trọng, để kiểm tra sức khỏe, phát hiện bệnh, nhất là BNN để điều trị sớm. Chúng tôi cũng được trang bị đầy đủ bảo hộ, găng tay, phòng BNN nên rất yên tâm”.

“Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh cũng đã thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền cho các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động quan tâm đến công tác bảo đảm sức khỏe cho NLĐ như khám sức khỏe định kỳ, bữa ăn ca của NLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị chưa thực sự quan tâm và thực hiện nghiêm túc quy định này”.

(Ông Huỳnh Văn Lương, Trưởng Ban chính sách pháp luật Liên đoàn Lao động tỉnh)

Tuy nhiên, việc khám sức khoẻ cho NLĐ chỉ được quan tâm thực hiện ở một số DN có quy mô lớn, còn một số DN vừa và nhỏ chưa thực sự quan tâm đúng mức, nhiều lao động vẫn còn thờ ơ với chính sức khỏe của mình. Theo Bác sĩ Hồ Hoàng Vân, Giám đốc Trung tâm sức khỏe lao động - môi trường tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có một số lượng NLĐ đến khám và phát hiện mắc BNN. Tuy nhiên, số lượng này chưa phản ánh đúng thực tế BNN cũng như những tổn thất về sức khỏe, tính mạng, tài sản, vật chất mà NLĐ, các DN và xã hội phải gánh chịu. Bởi số lượng NLĐ bị BNN trên thực tế cao hơn rất nhiều do các DN liên kết với các phòng khám tư nhân để khám bệnh định kỳ cho NLĐ, nên việc kiểm soát BNN trên địa bàn là rất khó. Tại Trung tâm, số người đến khám về BNN ở trung tâm phần lớn là bệnh điếc nghề nghiệp bị điếc tổn thương do tiếng ồn. Bệnh có thể không nặng hơn nếu NLĐ được phát hiện bệnh sớm, ngưng làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn, được bố trí công tác ở vị trí phù hợp. Trong trường hợp không được phát hiện sớm, bệnh sẽ ngày càng tiến triển nặng dẫn tới điếc, điếc không phục hồi ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của NLĐ. Để phòng tránh bệnh điếc nghề nghiệp, NLĐ cần có thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; khám sức khỏe định kỳ, đo thính lực để phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời. NLĐ khi tiếp xúc tiếng ồn cần sử dụng các dụng cụ bảo vệ như nút che tai.

Bác sĩ Hồ Hoàng Vân còn khuyến cáo, BNN thường diễn tiến âm thầm khiến NLĐ chủ quan không chữa trị kịp thời dẫn đến mất khả năng lao động do hạn chế trong vận động. BNN là một nguy cơ thường trực đối với NLĐ. Vì vậy, trước hết bản thân NLĐ phải có trách nhiệm với sức khỏe của mình. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cần quan tâm trong công tác bảo vệ quyền lợi cho NLĐ bằng việc thanh tra vệ sinh lao động thường xuyên, tích cực và cương quyết để phòng ngừa BNN. Các DN cần phải thiết kế, mua sắm các loại thiết bị hiện đại tiên tiến, tự động hóa cao; thay thế nguyên liệu ít độc hại hơn; lắp đặt hệ thống hút gió, hút bụi và hơi khí độc có hiệu quả, trang bị bảo hộ lao động, quan trắc môi trường và kiểm tra nghiêm ngặt quy trình an toàn và tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho NLĐ. Tạo lập một môi trường lao động an toàn, và tạo dựng tinh thần làm việc vì sức khoẻ, tính mạng của NLĐ.

HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên