Bệnh sởi đang gia tăng: Người dân cần chủ động phòng tránh

Cập nhật: 02-10-2018 | 08:52:01

Từ khoảng giữa tháng 8 đến nay, bệnh sởi liên tục gia tăng ở khu vực phía Nam. Để triển khai các giải pháp phòng chống, dập dịch, mới đây, Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp khẩn trực tuyến với 20 tỉnh, thành phía Nam. Trước tình hình số ca nhập viện liên quan đến sởi đang tăng trong những ngày qua, ngành y tế Bình Dương cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống và khuyến cáo người dân không nên chủ quan mà cần đưa trẻ nhỏ đi tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ...

Bệnh sởi đang tăng

Theo thông tin từ Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh trong cuộc họp với 20 tỉnh, thành phía Nam vừa qua, Đồng Nai là tỉnh có số ca bệnh sởi cao nhất, kế đến là Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều trẻ mắc sởi từ các tỉnh lân cận được chuyển về TP.Hồ Chí Minh điều trị khiến các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Tại cuộc họp này, Phó giáo sư - Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, khẳng định vắc xin phòng bệnh sởi không thiếu và yêu cầu các tỉnh lên kế hoạch chi tiết, tập trung dập dịch.

Tiêm phòng là cách tốt nhất để phòng bệnh sởi cho con trẻ và cả người lớn

Bình Dương là một trong những tỉnh, thành ở khu vực phía Nam có ghi nhận ca bệnh sởi khá cao. Tuy nhiên, nhờ tích cực tuyên truyền, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống ngay từ đầu của ngành y tế, nên bệnh sởi trên địa bàn tỉnh vẫn đang trong vòng kiểm soát. Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến ngày 28-9, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 58 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, không có ca tử vong; trong đó có 14 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi. Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, cho biết so với cùng kỳ năm trước, năm nay, bệnh sởi trên địa bàn tỉnh có tăng hơn, rải đều trong các tháng. Từ tháng 8 đến nay, bệnh sởi có xu hướng tăng cao hơn. Trong 58 ca sốt phát ban nghi sởi trên địa bàn tỉnh, TX.Bến Cát là địa phương nhiều nhất với 21 ca, TX.Thuận An có 12 ca, TX.Dĩ An 9 ca, TX.Tân Uyên 8 ca… “Những ca bệnh có liên quan đến sởi trong thời gian qua chủ yếu tập trung ở địa bàn có sự phát triển về công nghiệp, những địa phương tập trung đông công nhân lao động. Đây cũng là tình trạng chung của các tỉnh, thành phía Nam có ghi nhận ca bệnh sởi trong thời gian qua. Do bệnh tập trung ở đối tượng người lao động ngoài tỉnh nên rất khó kiểm soát, vì có khi hôm nay họ ở chỗ này nhưng ngày mai họ đã chuyển đi nơi khác. Qua điều tra của chúng tôi, đa số những ca mắc bệnh sởi đều có tiền sử là chưa được tiêm phòng vắc xin phòng sởi…”, bác sĩ Mỹ nói.

Chủ động phòng bệnh

Mặc dù bệnh sởi trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát chặt chẽ, nhưng trước tình hình bệnh sởi đang gia tăng như hiện nay, ngành y tế dự báo tình hình bệnh sởi trong thời gian tới vẫn còn diễn biến khá phức tạp. Sởi là một trong những bệnh lây truyền, có thể bùng phát thành dịch nếu không chủ động phòng chống.

Nhằm tăng cường công tác phát hiện sớm và phòng chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh, từ đầu tháng 9, khi ca bệnh sởi có dấu hiệu tăng lên trên địa bàn, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai thực hiện tinh thần Công văn 2080/2018/BYT-DP ngày 17-4-2018 của Bộ Y tế về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh sởi; cũng như thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Sở Y tế về phòng, chống dịch bệnh sởi và thực hiện an toàn tiêm chủng trong thời gian qua. Theo chỉ đạo của Sở Y tế, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh cần nghiêm túc thực hiện Thông tư số 54 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Thông tin về các trường hợp mắc bệnh sởi (bao gồm các trường hợp có chẩn đoán lâm sàng, các trường hợp có xác định của phòng xét nghiệm, các trường hợp điều trị nội trú và ngoại trú) phải được nhập trực tuyến trên hệ thống quản lý thông tin của ngành y tế trong vòng 24 giờ.

Trước tình hình bệnh sởi gia tăng, ngành y tế Bình Dương đề nghị tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn không được chủ quan, lơ là trong hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn. Cần triển khai việc khám sàng lọc, phân luồng cách ly ngay các trường hợp nghi ngờ nhiễm sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo cho các trường hợp khác đến khám bệnh. Ngoài ra, ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn cũng cần tiếp tục rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ, tổ chức tiêm vét vắc xin sởi, bảo đảm đạt tỷ lệ ít nhất 95% ở quy mô xã, phường; đặc biệt là tại khu vực tập trung đông dân cư; tình hình di dân, di cư lớn và thực hiện nhập liệu đầy đủ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.

Hiện nay, ngành y tế Bình Dương đang tổ chức điều tra tình hình tiêm phòng sởi ở đối tượng trẻ từ 1 - 5 tuổi. Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ cho biết qua điều tra sơ khởi trên địa bàn phường Hiệp Thành, TP.Thủ Dầu Một ở 62 trẻ, cho thấy có trên 75% trẻ tiêm ngừa ở trạm y tế, khoảng 10% tiêm dịch vụ và khoảng 10% trẻ mới theo cha mẹ từ các nơi khác đến đây sinh sống, chưa được tiêm ngừa. “Đối với những trẻ chưa được tiêm ngừa, chúng tôi sẽ vận động, hướng dẫn cha mẹ đưa con em họ đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, bảo vệ sức khỏe cho các em...”, bác sĩ Mỹ nói.

Điều đáng lưu ý là trong những bệnh đã được ghi nhận trên địa bàn tỉnh, cho thấy đa số đều chưa được tiêm phòng vắc xin phòng sởi. Bệnh sởi chủ yếu lây qua đường hô hấp và những người chưa có kháng thể đều có thể mắc phải, kể cả người lớn. Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh tốt nhất, hiệu quả nhất. Do đó, ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động đưa con em trong độ tuổi từ 9 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin sởi đến các cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng sởi và tiêm mũi 2 vắc xin phòng bệnh sởi khi trẻ đủ 18 tháng trở lên. Việc tiêm phòng cho trẻ cần đủ liều, đúng lịch. Người lớn cũng nên đến các cơ sở y tế tiêm vắc xin phòng sởi nếu có điều kiện để tránh nhiễm bệnh và lây cho người khác. Bác sĩ Mỹ lưu ý: “Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu như sốt cao, ho, chảy nước mũi, phát ban ghi ngờ mắc sởi - rubella cần sớm đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời đề phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh sởi có thể xảy ra, gây nguy hiểm cho trẻ”.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế: Hiện nay, bệnh sởi đang bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có Bình Dương. Theo nội dung hội nghị trực tuyến ngày 26-9 vừa qua về tình hình bệnh sởi và hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi tại khu vực phía Nam và ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng Viện Pasteur TP.Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường công tác phát hiện sớm và phòng, chống bệnh sởi tại Bình Dương, Sở Y tế đề nghị các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ mắc bệnh sởi; tuyên truyền vận động người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đúng lịch, đủ mũi và thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Song song đó, chúng tôi cũng đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố thực hiện công tác báo cáo, giám sát, theo dõi các trường hợp sốt phát ban nghi sởi hàng ngày, điều tra, xử lý theo quy định. Đối với các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh sởi thấp, có ca mắc bệnh sởi cao cần thực hiện rà soát đối tượng trẻ chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc tiêm chủng không đầy đủ để tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét vắc xin phòng bệnh sởi cho các cháu, bảo đảm tất cả trẻ em trong độ tuổi được tiêm vắc xin sởi đầy đủ. Đối với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, kể cả y tế tư nhân cần tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị, cấp cứu, phân luồng khám bệnh, phân tuyến điều trị bệnh nhân, cách ly điều trị, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám chữa bệnh.

CẨM LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên