Bệnh sởi vào mùa: Cần chủ động phòng, chống

Cập nhật: 29-01-2019 | 09:45:44

Những tháng cuối năm và đầu năm mới là thời điểm mà bệnh sởi có xu hướng phát triển, lây lan, bùng phát trong cộng đồng. Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2019, nhu cầu đi lại, giao lưu của người dân tăng cao nên nguy cơ lây lan bệnh càng lớn. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện cách phòng bệnh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, nhất là đối tượng trẻ nhỏ...


Đang trong mùa bệnh sởi, vì vậy các bậc phụ huynh cần chú ý cho trẻ tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ.
Trong ảnh: Nhiều trẻ em đang được theo dõi sức khỏe tại Khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Tăng cường phòng, chống

Tại Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh những ngày cuối năm 2018, đầu năm 2019 ghi nhận rất nhiều những trường hợp sốt phát ban nghi sởi và bệnh sởi xác định Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, cho biết năm 2018 bệnh sởi đã quay trở lại sau 4 năm vắng bóng (đúng theo chu kỳ 4 năm một lần). Tuy nhiên, hiện nay đã bước sang năm 2019 nhưng bệnh sởi vẫn đang tiếp tục xuất hiện ở trẻ em và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo Viện Pasteur TP.HCM, từ tháng 8-2018 đến nay, viện liên tục nhận được báo cáo trường hợp sốt phát ban và sởi của các tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam. Thời tiết mùa đông - xuân cùng với sự gia tăng giao lưu đi lại của người dân trong dịp tết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lây lan, bùng phát bệnh sởi. Nhằm chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân trong dịp đầu năm 2019, viện đã đề nghị các sở y tế các tỉnh, thành khu vực phía Nam quan tâm chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh sởi trong dịp lễ, tết năm 2019.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của Viện Pasteur TP.HCM, Sở Y tế đã nhanh chóng chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các cơ sở KCB trên địa bàn về việc tăng cường phòng, chống bệnh sởi. “Sở đã chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở KCB trên địa bàn nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 746/CT-BYT ngày 25-7-2018 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác điều trị, phòng chống lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm và sởi tại các cơ sở KCB. Theo đó, các bệnh viện, cơ sở KCB phải tổ chức tốt công tác thu dung, điều trị bệnh nhân, tổ chức nghiêm túc trực cấp cứu 24/24. Với bệnh sởi, các cơ sở phải chú ý thực hiện tốt việc phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực khám riêng, cách ly điều trị để tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Riêng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cần chú ý chỉ đạo các địa phương theo dõi các trường hợp sốt phát ban nghi sởi hàng ngày để thực hiện điều tra, xác minh ca bệnh, ổ dịch, dịch sởi kịp thời. Khi ghi nhận ca bệnh, ổ dịch, dịch sởi phải triển khai ngay các biện pháp xử lý đúng theo Quyết định số 4845/2012/QĐ-BYT ngày 5-12-2012 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn giám sát và phòng chống bệnh sởi, rubella...”. Cũng theo bác sĩ Hà, không phải vào dịp cuối năm cũ, đầu năm mới khi bệnh sởi vào mùa ngành y tế mới chỉ đạo các đơn vị y tế liên quan tăng cường công tác phòng chống, mà đây là một trong những nhiệm vụ được thực hiện thường xuyên của ngành y tế trong cả năm. Cuối năm 2018 và những ngày đầu năm 2019, ngành y tế đã tổ chức chiến dịch tiêm sởi -rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi. Trong đợt I vừa qua, toàn tỉnh đã tiêm được tổng cộng 95.903 trẻ (đạt 78,8% kế hoạch).

Cẩn thận vẫn hơn

Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, cho biết bệnh lây lan qua đường hô hấp, khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi, nhảy mũi làm văng ra không khí những giọt nước miếng li ti chứa đầy siêu vi gây bệnh sởi và lây cho người lành. Thời gian lây bệnh sởi bắt đầu từ khoảng 1 tuần sau khi người bệnh bị nhiễm siêu vi sởi và kéo dài đến 5 ngày sau khi phát ban sởi. Tuổi dễ mắc bệnh là từ 6 tháng đến 10 tuổi. Trẻ dưới 6 tháng ít khi mắc bệnh sởi do có kháng thể từ mẹ truyền qua nhau thai khi trẻ còn là bào thai nằm trong bụng. Sau 6 tháng, nồng độ kháng thể thụ động từ mẹ truyền cho trẻ giảm dần nên trẻ có khả năng mắc bệnh sởi cao. Khoảng 90% trẻ trên 10 tuổi đã có kháng thể đặc hiệu với bệnh sởi. Người lớn ít bị bệnh sởi vì đã có miễn dịch.

Bệnh lây lan nhanh qua đường hô hấp và có nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. “Do đó, để phòng bệnh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chủ động phòng tránh cho con em mình bằng cách cho trẻ tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch. Tiêm vắc xin ngừa bệnh là biện pháp phòng sởi an toàn và hiệu quả nhất. Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ 18 tháng. Trường hợp đã tiếp xúc với các nguồn lây có thể dùng globulin miễn dịch để phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh...”, bác sĩ Minh Nguyệt nói.

Sởi là bệnh truyền nhiễm do nhiễm siêu vi trùng cấp tính. Tác nhân gây bệnh là virus thuộc họ Paramyxoviridae chủng Morbillivirus. Những biểu hiện lâm sàng của bệnh: Viêm long kết mạc mắt, viêm niêm mạc đường hô hấp, đường tiêu hóa và phát ban ngoài da đặc trưng.

 

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên