Bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp

Cập nhật: 18-07-2017 | 10:01:44

Sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Điều đáng quan tâm lúc này là số ca người lớn nhập viện trong tình trạng nặng, khó điều trị hơn so với năm trước. Trước tình hình này, ngành y tế đã có những biện pháp để phòng chống dịch.

Bệnh sốt xuất huyết gia tăng

Theo Cục Y tế dự phòng, dịch bệnh SXH năm nay đang có những diễn biến phức tạp. Tính đến thời điểm này, cả nước đã ghi nhận gần 50.000 trường hợp mắc SXH, trong đó có 14 trường hợp tử vong. 60/63 tỉnh, thành phố ghi nhận có bệnh nhân SXH. Một số tỉnh có số ca SXH cao tính từ đầu năm đến nay, trong đó có tỉnh Bình Dương với trên 3.000 ca.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời gian tới, ngành y tế chủ động giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý triệt để ổ dịch; kiện toàn, tăng cường các hoạt động của đội chống dịch cơ động; kịp thời thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân bảo đảm không lây nhiễm chéo và giảm tải cho các cơ sở điều trị.

SXH đang diễn biến phức tạp, khó lường. Trong ảnh: Rất nhiều bệnh nhân SXH nhập viện và điều trị tại khoa Nhiễm, BVĐK tỉnh Ảnh: H.THỦY

Đang nằm điều trị SXH tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, ông Nguyễn Hoàng Thanh (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, gia đình ông có đến 2 người mắc SXH. “Mấy ngày trước, tôi bị sốt nặng, trên da nổi mẩn đỏ li ti, người nhà đưa vào bệnh viện xét nghiệm thì dương tính với SXH. Mấy bữa sau thì cháu gái cũng phải nhập viện điều trị SXH”, ông Thanh nói.

Đề cập vấn đề phòng, chống dịch, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho rằng, nhiều người dân chưa có ý thức phòng, chống dịch. Khi ngành chức năng cử lực lượng giúp người dân vệ sinh chung quanh nhà cửa, loại bỏ ổ lăng quăng thì không nhận được sự hợp tác. Thậm chí, nhiều người còn không đồng ý cho cán bộ y tế đến phun thuốc phòng dịch. Mặt khác, địa bàn rộng, người dân nhập cư đa số là công nhân nên khó tiếp cận; kinh phí hỗ trợ các hoạt động thấp… Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dịch bệnh gia tăng và diễn biến phức tạp, khó lường trên địa bàn tỉnh. Ngoài ý thức phòng bệnh của một bộ phận người dân còn kém, thì sự biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường khiến cho muỗi vằn (trung gian truyền bệnh SXH) có sức đề kháng để sinh tồn và phát triển.  

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, bác sĩ (BS) chuyên khoa I Nguyễn Thanh Trúc, Phó khoa Nhiễm, BVĐK tỉnh khuyến cáo ngành chức năng, cần tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh SXH tại các cơ sở khám, chữa bệnh và tại cộng đồng; điều tra, xử lý dịch theo quy định; tổ chức các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy để huy động cộng đồng tham gia phòng, chống dịch, vệ sinh nơi ở và thân thể là cách phòng chống bệnh tốt nhất…

Bệnh nhân là người lớn tăng mạnh

Tại khoa Nhiễm, BVĐK tỉnh, số bệnh nhân là người lớn mắc bệnh SXH tăng đột biến, chỉ tính riêng tháng 6-2017 đã có tới 239 bệnh nhân mắc phải căn bệnh này. Trong khi đó, tại khoa Nhi, BVĐK tỉnh, số ca mắc bệnh SXH cũng không có dấu hiệu giảm. Chỉ riêng trong tháng 6, khoa Nhi đã tiếp nhận 137 ca nhập viện, trung bình mỗi ngày có tới 40 ca phải điều trị, không phân biệt độ tuổi.

BS Nguyễn Thanh Trúc cho biết thêm, trong những ngày đầu tháng 7, số ca người lớn mắc SXH nhập viện mỗi ngày trung bình khoảng 30 bệnh nhân, có ngày lên tới hơn 40 bệnh nhân. Điều đáng nói là, bình thường những bệnh nhân là người lớn chỉ chiếm khoảng 20 - 30% số ca mắc bệnh SXH. Nhưng đến thời điểm hiện tại, số bệnh nhân nhập viện tăng gấp nhiều lần với những biểu hiện phức tạp, không đơn thuần là xuất huyết ngoài da. Tỷ lệ bệnh nhân bị xuất huyết phức tạp cao (xuất huyết dạ dày, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nôn ra máu, sốc SXH…).

HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên