Bệnh tay chân miệng: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Cập nhật: 09-05-2018 | 09:14:01

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra, lây từ người sang người và rất dễ gây thành dịch. Dù ngành y tế đã thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch, nhưng bệnh TCM trên địa bàn vẫn được ghi nhận thường xuyên…


Trẻ đến khám tại khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Vệ sinh môi trường để phòng bệnh

Trao đổi với một số người dân ở khu phố Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An về biện pháp phòng bệnh TCM cho trẻ nhỏ, hầu như nhà nào cũng hiểu và có ý thức phòng bệnh khá cao. Cô Trần Thị Hoa cho biết: “Ở khu phố tôi, hầu như nhà nào cũng có trẻ nhỏ nên chúng tôi luôn nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nhằm bảo vệ sức khỏe cho gia đình trước các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Đường ngõ luôn được quét dọn, đốt rác sạch sẽ. Ở trong nhà việc vệ sinh cũng được thực hiện thường xuyên; sàn nhà, đồ chơi cho trẻ được lau chùi bằng xà bông; người chăm sóc trẻ và trẻ nhỏ phải rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Bà con luôn nhắc nhau làm tốt vấn đề vệ sinh môi trường sống để phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Nhờ đó, lâu rồi ở trong xóm không có trẻ nào mắc bệnh TCM…”.

Nguồn lây chính của bệnh TCM là từ nước bọt, phỏng nước của bệnh và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh lan truyền qua các vật dụng sinh hoạt, đồ chơi của trẻ và qua bàn tay tiếp xúc của người chăm sóc trẻ lẫn bàn tay của trẻ em. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ đến các nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm.

Tại TX.Dĩ An, trong năm 2017 đã ghi nhận 1.289 ca mắc bệnh TCM. Trong quý I-2018, toàn thị xã có 34 ca mắc TCM, tăng 30 ca so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, cả tỉnh lại ghi nhận 355 trường hợp mắc TCM, tăng 79,3% so với cùng kỳ. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, với thời tiết diễn biến bất thường và mùa mưa đang tới nên tình hình dịch bệnh nói chung, trong đó có bệnh TCM có thể tăng cao. Do đó, các ngành, UBND các cấp và toàn thể nhân dân phải chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống lây bệnh một cách tích cực hơn; đặc biệt là giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ thì sẽ hạn chế được nguồn lây bệnh trong cộng đồng.

Cần chủ động phòng bệnh

Dù ngành y tế đã liên tục tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh, nhưng số ca mắc bệnh TCM trên địa bàn tỉnh vẫn được ghi nhận thường xuyên. Theo ghi nhận của chúng tôi tại phòng khám bệnh ngoại trú khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số bệnh nhi mắc TCM trong những ngày qua đến đây khám bệnh khá nhiều. Nhiều bệnh được ghi nhận nhưng tình trạng nhẹ nên được điều trị ngoại trú. Lượng bệnh được bác sĩ chỉ định điều trị nội trú hầu như ngày nào cũng có. Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa nhi cho biết, thời tiết nắng nóng là điều kiện để phát triển vi rút lây lan bệnh TCM trong cộng đồng. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 10 - 15 bệnh nhi mắc TCM nhập viện điều trị nội trú. Mặc dù chưa có ca nào nặng phải cấp cứu, nhưng bệnh ở lại điều trị nội trú thường ở mức độ II.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà cho biết, do đặc tính lây truyền của bệnh liên quan đến tuân thủ các quy định về vệ sinh. Do đó, việc ghi nhận thường xuyên các ca bệnh trên địa bàn tỉnh có những nguyên nhân chính đó là tiếp xúc, tuân thủ vệ sinh và môi trường giao lưu. “Nguyên nhân tiếp xúc là nguyên nhân chính. Hầu hết các trẻ mắc bệnh đều nằm trong lứa tuổi mẫu giáo và là con em người lao động. Trẻ thường được gửi tại các nhà trẻ và thường xuyên tiếp xúc với nhau (trẻ khỏe mạnh và trẻ có mang mầm bệnh nhưng chưa có biểu hiện lâm sàng nên dễ có nguy cơ mắc bệnh). Mặt khác, do tập quán của người Việt Nam là tình cảm. Vì vậy, những người thân trong gia đình, bạn bè khi gặp trẻ thường muốn ẵm bồng dù mới đi xa bên ngoài về chưa vệ sinh cá nhân. Do đó, những đứa trẻ này dễ có nguy cơ mắc bệnh TCM do người lớn truyền mầm bệnh mang bên ngoài về lây sang”, bác sĩ Hà chia sẻ.

Đến nay, bệnh TCM vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Vì thế, phòng bệnh tốt sẽ giúp trẻ tránh xa các nguồn lây bệnh. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu, tốt nhất được các bác sĩ khuyến cáo là giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Mỗi nhà, mỗi người đều có thể thực hiện được biện pháp phòng bệnh đơn giản nhưng hiệu quả cao này.

HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên