Bệnh trầm cảm sau sinh: Phụ nữ cần phải đề phòng

Cập nhật: 27-10-2017 | 08:57:23

Với phụ nữ sau sinh, sự thay đổi về nội tiết tố và muôn vàn những lo lắng xung quanh em bé mà những mẹ trẻ chưa thích ứng kịp khiến họ dễ rơi vào trạng thái trầm cảm sau sinh (TCSS). TCSS không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe bà mẹ, mà còn ảnh hưởng đến đời sống tâm lý và nhân cách của bé sau này.

 Nhiều nguyên nhân

Trong thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy có nhiều vụ việc liên quan đến chứng bệnh TCSS và để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là chết người, gây xôn xao trong dư luận. Cách đây hơn 2 năm, chị T. (TP.Thủ Dầu Một) đã từng mắc căn bệnh này sau khi sinh đứa con trai thứ hai. Chị T. kể: “Đã từng mắc căn bệnh TCSS mới biết căn bệnh này đáng sợ đến mức nào. Lúc đó, tôi thường có những cơn hoảng loạn, khi nào cũng sợ sệt và không làm chủ được bản thân. Nhiều người không hiểu cứ nghĩ là tôi giả vờ như vậy. Sau một thời gian dài uống thuốc, chữa trị và được gia đình quan tâm kịp thời, giờ đây tôi đã khỏi bệnh”.

Bác sĩ khám bệnh cho sản phụ tại khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Theo bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Thu Trang (khoa sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh), sau khi sinh, người phụ nữ giảm đột ngột estrogen và progestrogen, hormones tuyến giáp gây ra cảm giác mệt mỏi, dễ thay đổi cảm xúc, lo lắng, hoảng hốt, cảm giác bị ám ảnh, mất tập trung, mất kiểm soát bản thân. Bên cạnh đó, những mâu thuẫn trong gia đình, vấn đề tài chính hay việc chăm sóc bé gặp khó khăn cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh. Dấu hiệu để nhận biết bệnh TCSS như người bệnh luôn có tâm trạng buồn bã, cảm xúc dao động, dễ khóc, mất ngủ, lo âu quá mức, thiếu tập trung, cáu gắt, xao nhãng việc chăm sóc con cái, ăn uống thất thường, giảm hứng thú hoạt động, có cảm giác tội lỗi, mất ngủ, mệt mỏi... Nếu được chăm sóc và ổn định tinh thần tốt, hội chứng này sẽ nhanh chóng qua đi. Thế nhưng, phần lớn người bệnh cũng như người nhà lại chưa có nhận thức đầy đủ về TCSS, thậm chí có người còn cho rằng, đây là căn bệnh giả vờ nên khi nhập viện, bệnh đã phát triển rất nặng.

Cần chủ động phòng tránh

Để phụ nữ bớt bị trầm cảm, nhiều chuyên gia cho rằng giai đoạn mang bầu và nuôi con nhỏ, người chồng và người thân trong gia đình cần có sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ, động viên người vợ. Với phụ nữ sau sinh nếu thấy mình có biểu hiện của rối loạn cảm xúc, cần phải thư giãn, nghỉ ngơi, tham gia các buổi sinh hoạt tập thể để giảm bớt căng thẳng, giúp tinh thần yêu đời, lạc quan hơn. Nếu thấy sản phụ có dấu hiệu bất thường về tâm lý, sau nỗ lực động viên, an ủi, chia sẻ bất thành, cần đưa đi khám chuyên khoa. Việc điều trị càng sớm sẽ càng đạt được hiệu quả cao, nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến những hậu quả không thể lường trước.

Bác sĩ Phạm Thị Thu Trang cũng khuyến cáo: “Trong trường hợp người mẹ nghĩ rằng mình bị TCSS thì nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt. Bên cạnh việc dùng thuốc thì điều quan trọng là phải duy trì chế độ dinh dưỡng tốt, vitamin B6 hoặc vitamin tổng hợp nên được dùng. Nếu thuốc thích hợp thì người mẹ đừng nên rút ngắn thời gian điều trị bởi vì trầm cảm cần thời gian điều trị kéo dài để được phục hồi hoàn toàn”. Để phòng tránh căn bệnh này, những người thân cũng cần tạo điều kiện cho các bà mẹ có thể tham gia lao động, làm những việc vừa sức để tinh thần được thư thái. Phụ nữ cũng cần cho con bú mẹ sau sinh vì việc đó sẽ làm tăng sợi dây liên kết giữa mẹ và con, khiến người mẹ cảm thấy yêu con, yêu cuộc sống hơn. Bên cạnh đó, bản thân người mẹ cũng nên cố gắng tìm cho mình một giấc ngủ, đi ngủ sớm hơn nếu phải thức dậy nửa đêm cho bé bú. Hơn ai hết, người chồng, gia đình, người thân cần gần gũi chia sẻ với sản phụ trong thời kỳ hậu sản...

HUỲNH THỦY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên