Bí ẩn tượng động vật bằng đồng 3.000 năm tuổi được công nhận là bảo vật quốc gia

Cập nhật: 07-01-2014 | 00:00:00

 Theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 2), thì tượng động vật Dốc Chùa hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương là bảo vật quốc gia.  

Tượng động vật bằng đồng hiện trưng bày tại Bảo tàng Bình Dương

Phát hiện

Sau ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, Viện Khoa học xã hội miền Nam được thành lập, trong đó có Ban Khảo cổ học. Năm 1976, Ban Khảo cổ học bắt đầu chương trình khảo sát kiểm chứng lại các địa điểm khảo cổ mà người Pháp đã phát hiện trước đây, đồng thời điều tra thực địa để phát hiện các địa điểm mới.

Đầu tháng 6-1976, Nguyễn Văn Long (hiện là tiến sĩ khảo cổ học đã về hưu) lúc đó là cán bộ nghiên cứu, trên đường đi kiểm chứng địa điểm Mỹ Lộc (huyện Tân Uyên) tình cờ phát hiện tại Dốc Chùa phát lộ các di vật cổ trong lúc máy ủi đất đang ủi mặt bằng để xây lò gốm. Ngay sau đó các nhà khảo cổ đã vào cuộc.

Sau khi được sự đồng ý của UBND tỉnh Sông Bé, cuộc khai quật địa điểm Dốc Chùa bắt đầu: Đợt 1 từ ngày 16-12-1976 đến ngày 8-1-1977, đợt 2 từ 12-4 đến 8-5-1977, đợt 3 từ 15-2 đến 20-3-1979. Qua 3 đợt khai quật đã thu thập được 1.218 hiện vật bằng đá, 549 hiện vật bằng gốm và 68 hiện vật bằng đồng, trong đó có tượng động vật.

Tượng động vật phát hiện trong đợt khai quật lần thứ 2, đợt khai quật mà các nhà khảo cổ mong muốn làm sáng tỏ một vấn đề đặt ra cho đợt khai quật lần đầu. Đó là việc xác định có mộ táng trong di tích cư trú ở Dốc Chùa. Tượng động vật bằng đồng được chôn trong số 20 ngôi mộ phát hiện trong đợt khai quật lần thứ 2.

Địa điểm phát hiện

Dốc Chùa thuộc xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, nằm giữa 2 con suối nhỏ, phía nam giáp với sông Đồng Nai. Dốc Chùa cách thị trấn Uyên Hưng khoảng 4km về hướng đông.

Dốc Chùa là tên gọi sườn dốc của một ngọn đồi có diện tích tương đối rộng. Trên đồi có một ngôi chùa cổ được xây dựng khoảng 200 năm nhưng đã bị phá hủy trong chiến tranh, chỉ còn lại dấu tích lẫn trong cây cỏ um tùm. Khu vực này còn có tên gọi là Cầu Chùa, vì có 2 chiếc cầu sắt bắc qua 2 con suối nhỏ nằm ở phía đông và phía tây ngôi chùa. Tên gọi Dốc Chùa hay Cầu Chùa là tên gọi nhân dân địa phương tự đặt để đánh dấu vị trí trong vùng, một địa danh đã có từ rất lâu xuất phát từ đặc điểm của khu vực mà họ đang sống. Sở dĩ các nhà khảo cổ đặt tên cho di tích khảo cổ là Dốc Chùa mà không gọi là Cầu Chùa vì di tích được phát hiện nằm ngay trên sườn dốc ngọn đồi.

Nghiên cứu và nhận thức

Về niên đại của di tích cũng như niên đại của tượng, các nhà khảo cổ lấy mẫu vật trong di tích dùng phương pháp phóng xạ các bon do phòng thí nghiệm Viện Cổ sử và Khảo cổ học Cộng hòa Dân chủ Đức phân tích, mẫu vật được xác định có niên đại là 3.145 + 130 năm, tức là khoảng 3.000 năm cách ngày nay.

Tượng cao 5,4cm (tính điểm cao nhất), dài 6,4cm (tính điểm dài nhất). Tượng còn khá nguyên vẹn, chỉ có một vài chi tiết nhỏ bị gãy vỡ.

Tượng được đúc từ chất liệu đồng có màu xám xanh do bị phong hóa, ten rỉ. Là tượng động vật 4 chân, đứng trên bệ (đế) hình chữ nhật có 4 mấu uốn cong vào phía chân, bệ và chân đứng được đúc dính liền nhau. Đầu có mõm dài, miệng doãng ra 2 bên, trên đỉnh đầu giữa 2 tai có 2 gờ nhọn có vết gãy. Cổ cao và to không cân xứng với thân, phía dưới cổ có một gờ nhỏ bị gãy. Trên giữa lưng có 1 quai nhỏ có lỗ thủng. Hai bên hông trang trí hoa văn đường nối gấp khúc hình thang, chính giữa có dấu lõm gần tròn xung quanh nhiều rãnh ngắn giống như hình mặt trời, nhìn tổng thể mô típ trang trí giống chiếc yên ngựa. Phần thân còn lại trang trí nhiều dãy chấm lõm từ trên xuống đến khuỷu chân. Đuôi có kích thước khá lớn, đoạn cuối của đuôi uốn cong thành 3 vòng tròn, có 1 vòng bị gãy. Bốn chân cao, khuỷu chân lớn, 2 chân trước nhỏ và khá thẳng, 2 chân sau to và hơi khuỵu về phía trước. Con vật thuộc giống đực, bộ phận sinh dục khá to. Phần đế có hình một con vật thuộc loại bò sát bị gãy mất đầu nằm dọc giữa 4 chân con vật.

Có nhiều ý kiến khác nhau nhận định về tượng con vật. Có người cho đây là tượng con hươu sao vì trên đầu có sừng (2 gờ nhọn có vết gãy), bụng to, đặc biệt là trên thân có hoa văn chấm tròn như đốm sao. Có người cho đây là tượng con chó săn vì đầu giống con chó, đuôi vễnh cong lên phía trên, dưới chân có một con vật khác tựa như rắn hoặc trăn có thể biểu hiện là con mồi mà chó săn được. Có người cho đây là con ngựa vì trên lưng trang trí giống yên ngựa, dưới cổ có hình dáng cái lục lạc và đặc biệt là có bộ sinh dục rất to, chỉ có ngựa mới có bộ sinh dục to như vậy. Nhìn chung, cả 3 ý kiến đều có lý riêng nhưng chưa có ý kiến nào có tính thuyết phục cao. Cuối cùng, các nhà khoa học buộc phải có nhận định chung để gọi tên hiện vật là tượng động vật giống đực, chứ không xác định được đây là tượng con vật nào.

Về công dụng của tượng cũng có nhiều giả thuyết đặt ra: Đầu tiên, đây là hiện vật chôn theo người chết (còn gọi là hiện vật tùy táng). Như vậy nó phải thuộc sở hữu cá nhân. Vậy ai là người sở hữu nó? Có thể đây là tượng một linh vật hỗn hợp các đặc điểm của các động vật lúc bấy giờ dùng để thờ cúng. Tuy nhiên vì trên lưng có quai lỗ tròn có thể dùng để xỏ dây đeo hoặc treo. Nếu thờ cúng thì không thể treo, còn để đeo thì ai đeo? Và đeo để làm gì? Làm trang sức thì quá to, vậy có thể làm vật thị uy của người đứng đầu tộc người như tộc trưởng hay tù trưởng dùng đeo trước ngực? Hoặc là thầy phù thủy, thầy cúng dùng để cầm khi thực hiện nghi lễ nào đó?...

Tóm lại, tượng động vật bằng đồng, di vật từ 3.000 năm trước của người xưa vẫn mang đầy tính thần thoại huyền bí chưa có lời giải đáp.

Tượng động vật Dốc Chùa (ảnh) có niên đại cách đây khoảng 3.000 năm, được phát hiện tại di tích khảo cổ Dốc Chùa (Bình Dương) cho tới nay vẫn là độc bản. Độc đáo hơn, chưa ai có thể khẳng định đó là con thú gì. Đó là một tượng nhỏ (dài 6,4cm, cao 5,4cm) của con vật có bốn chân, đứng trên bệ hình chữ nhật có 4 mấu uốn cong vào phía chân. Đầu dài (gần như đầu chó), mồm doãng ra hai bên. Sống mũi cong, hốc mắt sâu. Trên đỉnh đầu, có tai và 2 gờ nhọn có vết gãy (có thể là gốc của 2 sừng). Cổ cao và to không cân xứng với thân, ngực thon nhỏ. Trên lưng có quai nhỏ, giữa quai có lỗ thủng như được dùng để buộc dây đeo. Hai bên hông thú trang trí những đường nối gấp khúc dạng hình thang. Chính giữa có dấu lõm gần tròn xung quanh có nhiều rãnh ngắn như hình mặt trời tỏa tia sáng. Con vật thuộc giống đực, có bộ phận sinh dục lớn (không cân xứng với thân tượng). Bốn chân được bấu với đế hình chữ nhật, giữa đế (dưới bốn chân) có hình một con vật khác thuộc loài bò sát có thân dài gần tròn, nằm uốn lượn, đuôi nhỏ và cong lệch hẳn sang một bên. Con vật này cũng đã bị gãy mất đầu…

Kỳ 2: Bảo vật quốc gia nằm trong di tích khảo cổ Dốc Chùa

ĐÔNG KỲ - MINH CHÂU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên