Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Quang Việt (10.1949 - 5.1951): Tạo bước tiến mới về công tác xây dựng Đảng

Cập nhật: 02-02-2013 | 00:00:00

Theo sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Bộ và Khu ủy miền Đông, tỉnh Thủ Dầu Một triệu tập hội nghị đại biểu tại sở cao su Trao Trảo thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Châu Thành từ ngày 20 đến ngày 30-1-1950. Gần 100 đại biểu về dự, bao gồm các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đại biểu các ban ngành đoàn thể tỉnh, mỗi huyện cử 3 đại biểu, mỗi xã 1 đại biểu, hầu hết là các Bí thư chi bộ. Chủ trì hội nghị là đồng chí Phan Trọng Tuệ, Xứ ủy viên, Bí thư Khu ủy kiêm Bí thư Quân khu ủy miền Đông. Đoàn cán bộ kiểm tra Trung ương gồm các thành viên về quân sự, công tác Đảng, chính quyền và dân vận, do đồng chí Phạm Ngọc Thạch làm Trưởng đoàn.

Hội nghị đã bàn bạc cụ thể vấn đề về mặt lý luận và cách tổ chức thực hiện về công tác Đảng, công tác chính quyền, công tác quân sự địa phương và công tác vận động quần chúng trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện. Hội nghị đã thông qua báo cáo tình hình mọi mặt của tỉnh trong năm 1949, chương trình công tác trong năm 1950 và bầu lại cấp ủy tỉnh.

Về mặt xây dựng Đảng, nghị quyết hội nghị đặt vấn đề củng cố Ban Tuyên huấn và nâng Ban Văn thư của tỉnh thành Văn phòng Tỉnh ủy. Tỉnh ủy thành lập Ban Đảng vụ kiểm tra. Đối với các chi bộ cơ quan ở tỉnh, lập thành 3 liên chi gồm các chi bộ thuộc hệ Đảng và đoàn thể; hệ chính quyền và hệ quân sự. Cấp ủy của Liên chi là Liên chi ủy có quyền hạn như Huyện ủy. Những cán bộ có năng lực và đạo đức được điều về tăng cường cho Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban Đảng. Ngoài ra, Ban Đảng phải do một đồng chí ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách. Còn Văn phòng Tỉnh ủy, do đồng chí Tỉnh ủy viên làm Chánh văn phòng.

Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành mới, gồm 11 ủy viên chính thức, do đồng chí Nguyễn Quang Việt làm Bí thư, đồng chí Vũ Duy Hanh làm Phó Bí thư và 3 đồng chí Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy gồm đồng chí Võ Văn Đợi, đồng chí Vũ Văn Hiển và đồng chí Hồ Văn Nâu. Đồng chí Võ Văn Đợi được phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn; đồng chí Vũ Văn Hiển làm Trưởng ban Đảng vụ kiểm tra; đồng chí Phan Ân, nguyên Trưởng ban Văn thư, được cử làm Chánh văn phòng Tỉnh ủy. Trường Đảng đồng thời là Trường Hành Chính tỉnh được thành lập. Hiệu trưởng là đồng chí Võ Văn Đợi, 2 hiệu phó là Tiêu Như Thủy (phụ trách nội dung), Trần Văn Vinh (phụ trách quản trị hành chính).

Sau cuộc hội nghị Trao Trảo, Đoàn kiểm tra Trung ương giao cho Ban Tuyên huấn một số tài liệu chính trị, trong đó có 2 bộ tài liệu huấn luyện cho cán bộ cơ sở và đảng viên thường, đó là chương trình cơ sở và chương trình bổ túc cơ sở. Mỗi chương trình gồm 6 bài biên soạn theo dạng dàn bài chi tiết. Trong năm 1950, tỉnh đã mở được 3 khóa huấn luyện cho cán bộ cơ sở bao gồm: Bí thư, chi ủy viên phụ trách Tuyên huấn, chi ủy viên phụ trách Đảng vụ kiểm tra và một khóa cán bộ cơ sở theo chương trình riêng. Đây là năm đầu tiên từ đầu kháng chiến chống Pháp, vấn đề đào tạo cán bộ đi vào nề nếp, với chương trình thống nhất, sát hợp với yêu cầu trước mắt của việc đào tạo cán bộ cơ sở phục vụ kháng chiến.

Các khóa huấn luyện về Đảng đã giúp học viên nâng cao nhận thức cơ bản về chủ nghĩa cộng sản, Điều lệ Đảng, công tác nội bộ, công tác tự phê bình và phê bình, công tác kháng chiến kiến quốc, công tác quần chúng, công tác thi đua… Tỉnh Thủ Dầu Một có 48 xã, cho nên một khóa triệu tập 50 học viên thì xã nào cũng có người đi học. Sau khóa huấn luyện, khi các học viên trở về xã thì chi bộ ở đó có sự đổi mới về nề nếp sinh hoạt, về công tác lãnh đạo kháng chiến ở địa phương, tinh thần đoàn kết nội bộ, tự phê bình và phê bình…

Từ việc học tập những tài liêu như: Vỡ lòng cộng sản (1949), chương trình cơ sở và chương trình bổ túc cơ sở (1950) cho đến tài liệu những điều người cộng sản phải biết và phải làm (1950), các Đảng bộ trong tỉnh đều chấp hành nghiêm túc. Tất cả các đảng viên đều rất ham học, khao khát được nâng cao trình độ hiểu biết về Đảng, về mục đích lý tưởng của Đảng… không khí học tập sôi nổi, hào hứng đều khắp từ chi bộ xã, chi bộ cơ quan đến chi bộ bộ đội.

Đầu năm 1951, để mở rộng công tác tuyên truyền, giáo dục nội bộ và chào mừng Đảng ta ra hoạt động công khai, Tỉnh ủy quyết định xuất bản tờ nội san của Đảng bộ lấy tên: Xây dựng. Nội san ra hàng tháng, mỗi kỳ phát hành 1.000 bản, in chữ chì trên giấy nhật trình trắng, khổ 14,5 x 24cm, bìa giấy láng, trình bày khá đẹp mắt. Mỗi số có những bài về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, công tác cụ thể về xây dựng Đảng, phê phán những biểu hiện về chủ nghĩa cá nhân, bài phản ánh về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, về phong trào giải phóng dân tộc… Tờ nội san của Đảng bộ tỉnh đã giúp cho cán bộ, đảng viên nâng cao thêm về nhận định cũng như hiểu biết thêm về tình hình thời cuộc, vững tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược.

Trong 2 năm 1949-1950, chẳng những đánh dấu một bước tiến mới về công tác xây dựng Đảng ở Thủ Dầu Một, mà còn là sự áp dụng thành công chiến thuật đánh phá hàng loạt các tháp canh, phá âm mưu chia cắt chiến trường của địch trên địa bàn Thủ Dầu Một cũng như trên chiến trường miền Đông Nam bộ, đẩy địch vào thế lúng túng, bị động đối phó.

Tháng 5-1951, tỉnh Thủ Dầu Một và Biên Hòa sáp nhập thành tỉnh Thủ Biên. Trung ương Cục miền Nam chỉ định Ban Chấp hành Tỉnh ủy Thủ Biên gồm 20 đồng chí, trong đó có một đồng chí là ủy viên dự khuyết. Bí thư Tỉnh ủy Thủ Biên là đồng chí Nguyễn Quang Việt; Phó Bí thư là đồng chí Vũ Duy Hanh và đồng chí Phạm Thuận. Tỉnh ủy Thủ Biên lần đầu tiên được thành lập vào tháng 5-1951 đã giữ vai trò lịch sử lãnh đạo kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược vào tháng 7-1954.

 HÀ THĂNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên