Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một Trương Văn Nhâm (2.1936 - 1.1937): Lãnh đạo phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng

Cập nhật: 28-01-2013 | 00:00:00

Sau khi thành lập, Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp tại ấp Thạnh Lộc, làng An Thạnh, quận Lái Thiêu. Tham dự cuộc họp này có đại diện của Xứ ủy Nam kỳ - đồng chí Lê Thị Thinh (Lê Thị Hưởng - Hai Hưởng) và đại diện Liên Tỉnh ủy miền Đông - đồng chí Trương Văn Bang. Cuộc họp đề ra một số nhiệm vụ cấp bách trước mắt, trong đó trước hết là ổn định tổ chức các chi bộ; tổ chức và vận động quần chúng đấu tranh.

Căn cứ vào tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh, nhất là những nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản họp tại Matxcơva tháng 7-1935 đã đề ra, cũng như những nhiệm vụ đề ra tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Hồng Phong, ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản, tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) vào ngày 26-7-1936, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một, đứng đầu là đồng chí Trương Văn Nhâm - Bí thư Tỉnh ủy bắt đầu thực hiện chủ trương chuyển hình thức tổ chức không hợp pháp sang hình thức tổ chức công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp, nhằm tập hợp và lãnh đạo đông đảo quần chúng đấu tranh từ thấp đến cao, thông qua đó nhằm giáo dục, phát triển đội ngũ cách mạng như các tổ chức công hội, nông hội, ủy ban hành động và đặc biệt là lập thêm các chi bộ Đảng.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một được thành lập, trong năm 1936, trên địa bàn Thủ Dầu Một đã nổ ra hàng chục cuộc đấu tranh với hàng ngàn lượt người bao gồm công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ, thầy giáo, công chức… tham gia. Tiếp sau đó, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Thủ Dầu Một dưới sự lãnh đạo của Đảng, nô nức tham gia vào cuộc vận động tổ chức Đông Dương Đại hội nhằm mục đích đòi chính quyền thực dân thi hành những cải cách dân chủ và cải thiện đời sống cho dân chúng.

Đứng trước sự lớn mạnh nhanh chóng của phong trào cách mạng cả nước, nhất là từ khi các “Ủy ban hành động” ra đời, hoạt động ngày càng sôi nổi và mạnh mẽ, bọn cầm quyền Pháp thực sự tỏ ra rất sợ hãi và dùng đủ mọi thủ đoạn để đối phó. Tại tỉnh Thủ Dầu Một, tên Chủ tỉnh Larivierơ (La Rivière) đã tích cực thực hiện mệnh lệnh của Toàn quyền Đông Dương. Tên này đã gửi báo cáo lên Văn phòng Thống đốc Nam kỳ hứa sẽ giải quyết hết các ủy ban hành động trong tỉnh.

Ngoài việc tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một đặc biệt quan tâm chỉ đạo công tác phát triển Đảng. Đến cuối năm 1936, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã lớn mạnh, trưởng thành nhiều so với đầu năm, đến cuối năm 1936, toàn Đảng bộ đã có hơn 30 đảng viên. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đảng viên rất được coi trọng. Ngoài việc vẫn duy trì hình thức hội họp bí mật, Đảng bộ còn có hình thức sinh hoạt khác là tổ chức tìm đọc các báo chí cách mạng (tờ Giải Phóng của Xứ ủy Nam kỳ, tờ Dân Quyền xuất bản công khai ở Sài Gòn…) và các báo chí tiến bộ (tờ Đuốc Nhà Nam, tờ Tranh Đấu…).

Cuộc vận động dân chủ năm 1936 do Đảng ta lãnh đạo đã giành được những thắng lợi bước đầu. Nhà cầm quyền Pháp buộc phải thực hiện một số cải cách trên lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tại Thủ Dầu Một, các sở cao su Dầu Tiếng, Thuận Lợi… đã làm thêm nhà y tế, mở thêm các cửa hàng bán thực phẩm và hàng tạp hóa; giảm bớt đánh đập, công bố giờ làm việc không quá 10 giờ/ngày, nữ công nhân nghỉ đẻ được hưởng lương; Ban hội tề ác bá các làng bớt hống hách, ức hiếp nhân dân…

Cuối năm 1936, đồng chí Trương Văn Nhâm, Bí thư Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một được cấp trên điều động nhận công tác khác. Chỉ trong một năm hoạt động, Đảng bộ Thủ Dầu Một do đồng chí Trương Văn Nhâm làm bí thư, phong trào cách mạng trong tỉnh đã lớn mạnh nhanh chóng. Bước sang đầu năm 1937, Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một được công nhận là Tỉnh ủy chính thức. Những kết quả hoạt động của Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một trong năm 1936 là nền tảng quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Thủ Dầu Một bước vào cao trào cách mạng 1936- 1939 phát triển mạnh mẽ trên phạm vi cả nước.

Mùa xuân năm 1936, Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một hình thành, do đồng chí Trương Văn Nhâm làm bí thư. Thực hiện chỉ thị mới của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và Xứ ủy Nam kỳ, Tỉnh ủy lâm thời đẩy mạnh công tác vận động tập hợp quần chúng vào các hội tương tế, hội ái hữu, ủy ban hành động...; đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo, hòa bình.

Liền sau đó, hàng chục cuộc đấu tranh của công nhân, thợ thủ công, nông dân, công chức, tiểu thương, tiểu chủ... liên tiếp nổ ra. Nổi bật là cuộc đấu tranh của hàng ngàn nông dân trồng thuốc lá ở các làng Tân Khánh, Tân Hòa, Tân Long, Bình Chuẩn (quận Châu Thành) chống những quy định mới của các hãng thuốc lá ở Sài Gòn gây thiệt thòi cho nông dân; cuộc bãi công của công nhân đề pô xe lửa Dĩ An kỷ niệm ngày Quốc tế lao động l-5; cuộc biểu tình đưa đơn của công nhân đồn điền cao su Dầu Tiếng đòi về quê do mãn hạn hợp đồng... Các ủy ban hành động nối tiếp nhau ra đời và hoạt động sôi nổi ở 8 làng, 2 thị trấn, 1 đồn điền cao su thuộc tỉnh Thủ Dầu Một. Thông qua việc đặt thùng thư “dân nguyện” để đồng bào bày tỏ nguyện vọng của mình về các quyền dân sinh dân chủ, các ủy ban hành động hướng mục tiêu đấu tranh của quần chúng đến việc đòi bỏ hoặc giảm các loại thuế, không đấu giá đất công điền, được tự do hội họp, bỏ việc quản thúc người tình nghi...

Tháng 9-1936, Ban Trị sự hành động tỉnh Thủ Dầu Một phát truyền đơn kêu gọi các giới đoàn kết đấu tranh chống áp bức, bóc lột. Phong trào đấu tranh đòi các quyền dân chủ dân sinh với nhiều hình thức phong phú, kết hợp công khai hợp pháp, nửa công khai hợp pháp và bí mật càng bùng lên mạnh mẽ.

Trước quy mô và ảnh hưởng lan rộng của phong trào cách mạng diễn ra trên toàn quốc, ngày 18-9-1936 Toàn quyền Đông Dương ra lệnh cấm mọi hoạt động của các ủy ban hành động. Nhưng bất chấp lệnh cấm của chính quyền thực dân, các ủy ban hành động ở chợ Thủ, Lái Thiêu và các làng Tân Thới, Bình Nhâm, Uyên Hưng, Mỹ Quới... vẫn tổ chức rải truyền đơn, dán khẩu hiệu, đưa yêu sách đòi quyền lợi, chống khủng bố.

Qua thực tiễn đấu tranh, nhiều quần chúng tích cực đã được kết nạp vào Đảng cộng sản. Quận Châu Thành (nay 1à TP.Thủ Dầu Một) có thêm một chi bộ mới: chi bộ làng chén Phú Cường với 5 đảng viên. Các chi bộ Bình Nhâm, An Sơn, An Thạnh, Tân Khánh... đều phát triển thêm đảng viên mới. Cuối năm 1936, chi bộ Đảng được thành lập tại đồn điền cao su Dầu Tiếng với 4 đảng viên. Cùng thời điểm này, chi bộ đề pô xe lửa Dĩ An được tái lập sau 4 năm phải ngừng hoạt động. Tính chung toàn tỉnh, Đảng bộ Thủ Dầu Một đã có trên 30 đảng viên.

Trên cơ sở đánh giá kết quả công tác đạt được và đề ra nghị án công tác mới, hội nghị Tỉnh ủy lâm thời Thủ Dầu Một tổ chức cuối năm 1936 tại làng An Thạnh nhất trí đề nghị Xứ ủy công nhận Tỉnh ủy chính thức và bầu đồng chí Hồ Văn Cống làm Bí thư Tỉnh ủy (thay đồng chí Trương Văn Nhâm được điều động nhận nhiệm vụ mới ở Liên tỉnh ủy miền Đông). Được Xứ ủy chấp thuận, tháng 1-1937 Tỉnh ủy Thủ Dầu Một chính thức hình thành.

Đầu năm 1937, một loạt chi bộ Đảng nối tiếp nhau ra đời ở các làng Thuận Giao (quận Lái Thiêu), Mỹ Lộc, Mỹ Quới (quận Tân Uyên) với nhiều đảng viên là thợ thủ công, nông dân, thợ hớt tóc…).

HÀ THĂNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên