Diệt muỗi, lăng quăng và vệ sinh môi trường:

Biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả

Cập nhật: 24-04-2017 | 05:58:35

Mặc dù chưa đến mùa mưa, nhưng để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng, ngành y tế Bình Dương đã chủ động phát động chiến dịch nhà nhà diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để chiến dịch được triển khai thực hiện một cách hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế cần có sự chung tay của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể và cả cộng đồng…

Bác  sĩ  Huỳnh  Thanh  Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, những năm gần đây, thời tiết biến đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm phát triển và lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là các bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika và bệnh tay chân miệng. Trong năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh vẫn có số mắc cao. Bệnh tay chân miệng dù có số mắc giảm trong năm 2016, nhưng vẫn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn xảy ra dịch bệnh. Đặc biệt, bệnh do vi rút Zika hiện đã xảy ra tại hơn 85 quốc gia, vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu, trong đó tập trung nhiều nhất ở các nước thuộc khu vực Nam Mỹ và Caribe. Hiện có 29 quốc gia báo cáo có trẻ mắc dị tật chứng đầu nhỏ, trong đó Brazil dẫn đầu với 2.366 trẻ bị dị tật này. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia,  Indonesia,  Lào, Campuchia, Trung Quốc cũng đã ghi nhận sự lưu hành của vi rút Zika. Tại Việt Nam, tính đến hết tháng 2-2017, cả nước đã ghi nhận 233 trường hợp nhiễm vi rút Zika. Riêng tại Bình Dương cũng đã ghi nhận 9 trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika.

Cán bộ y tế kiểm tra thực tế và thả cá bảy màu vào lu chứa nước để diệt lăng quăng tại một hộ dân ở khu phố Nguyễn Trãi, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An

Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika và bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, ngành y tế luôn xác định việc phòng chống 3 bệnh trên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành. Biện pháp phòng 3 bệnh trên tốt nhất mà ngành y tế đưa ra hiện nay là diệt muỗi, diệt lăng quăng, phòng chống muỗi đốt và giữ gìn vệ sinh môi trường sạch sẽ. Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà cho biết, từ năm 2011 đến nay, ngành y tế đã tham mưu UBND  tỉnh  triển  khai  chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và bệnh tay chân miệng với sự tham gia của nhiều sở, ban ngành, các địa phương và cộng đồng dân cư. Chiến dịch đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Bệnh sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika và bệnh tay chân miệng là những bệnh dễ lây lan trong cộng đồng. Ngoài vai trò chủ đạo của ngành y tế trong công  tác  phòng  chống  dịch bệnh, để phòng chống hiệu quả 3 bệnh trên, sự phối hợp tích cực của các ban ngành, đoàn thể và sự tham gia hưởng ứng của người dân có ý nghĩa rất quan trọng. Bác sĩ Huỳnh Thị Nguyệt  Phương,  Giám  đốc Trung tâm Y tế TX.Thuận An cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng trên địa bàn thị xã trong những tháng đầu năm chưa giảm so với cùng kỳ năm trước. Bệnh sốt xuất huyết vẫn còn tăng, xuất hiện ở tất cả các phường trên địa bàn. Bệnh tay chân miệng có giảm hơn, nhưng bệnh nhân nhập viện điều trị vẫn còn. Bác sĩ Nguyệt Phương nói: “Thông qua các hoạt động tuyên  truyền  thường  xuyên, người dân ngày càng hiểu và có ý thức phòng bệnh cao hơn. Tuy nhiên, nói về sự quan tâm về phòng chống dịch bệnh, người dân còn dựa vào y tế nhiều. Mỗi  khi có ổ dịch, họ thường nói ngành y tế sao không đi phun thuốc, mà không biết rằng phải diệt lăng quăng trước. Do đó, tôi nghĩ, muốn phòng bệnh hiệu quả, mỗi người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa trong việc chủ động diệt muỗi, diệt lăng quăng thường xuyên ngay trong gia đình mình và môi trường sống xung quanh”. Cũng theo bác sĩ Nguyệt Phương, những bình, lu chứa nước phải được súc rửa và thay nước thường xuyên, thả cá bảy màu để diệt lăng quăng, không cho muỗi sinh sản, phát triển. Đặc biệt, ngành y tế cần tăng cường các kênh truyền thông nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua hệ thống truyền thanh và cộng đồng. Đối với các xã, phường cần tổ chức tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên, bởi họ là người tiếp cận gần dân nhất, là kênh tuyên truyền hữu hiệu nhất…

“Năm nay, tiếp tục duy trì chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, hưởng ứng chiến dịch do Bộ Y tế phát động, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức phát động chiến dịch “Nhà nhà diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết” trên địa bàn tỉnh. Đây là năm thứ 3 Bình Dương triển khai chiến dịch này nhằm tập trung quyết liệt các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng; duy trì các hoạt động tại các địa phương trong năm nhằm đưa việc diệt muỗi, diệt lăng quăng trở thành hoạt động thường xuyên trong nhận thức, hành động của mỗi gia đình, mỗi người dân…”.

(Bác sĩ Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế)

“Dễ  trăm  lần  không  dân cũng chịu”. Biết rằng, phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết chỉ cần diệt muỗi, diệt lăng quăng triệt để là có thể  cắt  đứt  được  nguồn  lây. Với bệnh tay chân miệng chỉ cần thực hiện vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ là phòng được bệnh lây lan. Và không ai có thể làm tốt hơn điều đó ngoài bản thân mỗi người, mỗi gia đình phải ý thức được và tự giác thực hành để bảo vệ sức khỏe cho mình, gia đình và cả cộng đồng.

HỒNG THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên