Biến tướng từ dịch vụ “tín dụng đen”: Nguy cơ đưa người vay vào cảnh mất tài sản

Cập nhật: 18-10-2018 | 08:26:03

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân, một số đối tượng đã dụ dỗ nhiều người thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (QSDĐ) để làm tin khi vay tiền. Vì nôn nóng vay tiền với thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp, nhiều người đã chấp nhận ký vào hợp đồng giao dịch, khi phát hiện thì mất trắng tài sản.


Lực lượng chức năng kiểm tra tang vật liên quan đến một đường dây “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.
Ảnh: P.V

Chiêu lừa lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn

Nhiều người nôn nóng vay tiền nhanh nhưng không muốn đến ngân hàng nên đã tìm đến các dịch vụ cho vay nóng, “tín dụng đen”. Số khác thông qua những mối quan hệ quen biết, người cần vay tiền được giới thiệu đến những đường dây cho vay nặng lãi, vay nóng vốn được nhiều người biết đến tại địa phương. Từ chỗ nắm bắt tâm lý người vay muốn có tiền gấp, lãi suất thấp, một số tổ chức, cá nhân hành nghề cho vay tiền nóng đã yêu cầu người vay mang sổ đỏ đến để thế chấp làm tin. Theo đó, khi người vay mang giấy chứng nhận QSDĐ đến, họ buộc phải ký vào hợp đồng chuyển nhượng tài sản cho bên cho vay và các thủ tục ủy quyền. Thủ tục được thực hiện tại các văn phòng công chứng như đúng trình tự mua bán, cho tặng nhà đất thông thường. Các cá nhân, tổ chức cho vay viện cớ việc thực hiện thủ tục này nhằm bảo đảm bên vay không “giựt nợ”, “bỏ trốn”. Người vay khi nhận tiền vay phải ký hợp đồng ủy quyền cho bên cho vay toàn quyền định đoạt tài sản, nhà đất của mình, rồi để bên cho vay cầm giữ sổ đỏ của mình. Một khi người vay trả hết nợ, họ sẽ hủy hợp đồng giao dịch trên. Tức là, sau khi bên đi vay hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, chủ nợ sẽ phải trả lại giấy tờ nhà đất, hủy hợp đồng chuyển nhượng, giấy ủy quyền.

Thực tế, nhiều đối tượng xấu đã “nói một đằng, làm một nẻo”. Trong lúc bên vay chưa kịp đóng tiền gốc, lãi kịp hạn hoặc vẫn nộp lãi đầy đủ thì chúng lại cầm hợp đồng giao dịch đem chuyển nhượng cho bên thứ ba, thứ tư hoặc tự cầm sổ đỏ đi vay tiền ngân hàng. Nhiều chủ tài sản khi vay tiền, đặc biệt là những người ít có hiểu biết về pháp luật, trước đó vô tư đến các văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ, giấy ủy quyền và các tài sản có giá trị mà không mảy may nghi ngờ. Khi phát hiện điều này, nhiều người tá hỏa đi đòi lại sổ đỏ nhưng đã quá muộn. Với cùng một thủ đoạn, chúng cùng lúc lừa nhiều người, nhất là những người “nhẹ dạ cả tin” thiếu hiểu biết pháp luật.

Nguy cơ mất trắng tài sản

Luật sư Thái Thanh Hải, Phó Chủ tịch Đoàn Luật sư tỉnh, Trưởng Văn phòng Luật sư Thái Thanh Hải, cho biết văn phòng của mình thường nhận được thông tin cầu cứu của một số người dân nhờ tư vấn pháp luật và thảo đơn khởi kiện bên cho vay. Tuy nhiên, hành trình đi đòi lại tài sản không phải dễ dàng. Do “tín dụng đen” là hoạt động ngầm, ở thị trường phi chính thức cho nên cả người đi vay và bên cho vay đều che giấu, không xuất hiện, bởi vậy việc phát hiện, xử lý rất khó khăn. Do người cho vay có đầy đủ giấy tờ pháp lý nên nạn nhân thường không đủ cơ sở chứng minh hành vi lừa đảo của bị đơn tại các phiên tòa.

Vừa qua, TAND tỉnh Bình Dương đã xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ và hủy giấy chứng nhận QSDĐ. Theo đó, ông N.V.A. có sở hữu một lô đất diện tích khoảng 600m2 và được cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 2006. Giấy chứng nhận QSDĐ đứng tên hộ ông N.V.A. gồm ông, vợ và 5 người con. Năm 2006, ông A. ký hợp đồng chuyển nhượng phần đất trên cho ông Trần Văn H. Hợp đồng được công chứng tại một phòng công chứng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ông N.V.B. là con trai ông N.V.A. không tham gia ký hợp đồng chuyển nhượng đất. Năm 2015, ông B. phát hiện sự việc nên khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ của ông N.V.A. và ông Trần Văn H. và hủy giấy chứng nhận QSDĐ cấp cho ông Trần Văn H.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông B. rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện và kháng cáo. Tuy nhiên, trên một số phân tích nhận định, TAND tỉnh không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của nguyên đơn; đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP.Thủ Dầu Một.

Liên quan đến vụ án, bên nguyên đơn cho rằng người thân của mình đã vay tiền bên bị đơn. Theo các thẩm phán thì những vụ việc tương tự như trên khi khởi kiện ra tòa, bị đơn thường không thừa nhận việc “dụ dỗ” nguyên đơn ký vào hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ khi vay tiền. Các hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ đều đầy đủ cơ sở pháp lý, được công chứng đúng luật.

Liên quan đến vấn đề tranh chấp QSDĐ hay ngụy tạo hồ sơ đất đai để công chứng còn nhiều diễn biến phức tạp hơn. Một điều tra viên Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh cho biết không chỉ người vay tiền, bán đất bị lừa mà người mua đất cũng có thể thành nạn nhân. Đối tượng sẽ lợi dụng hồ sơ, thông tin của những người đang có nhu cầu bán đất để ngụy tạo một bộ hồ sơ giả có mộc dấu hẳn hoi mang tên mình, sau đó chúng rao bán và dắt khách đến xem đất rồi thực hiện hợp đồng giao dịch. Khi nhận được tiền, đối tượng bỏ trốn, người mua tìm đến khu đất hỏi thăm thì chủ đất thật cho hay “không biết gì đến việc hồ sơ đất photo của mình bị đem đi làm giả như thật”.

LÊ NA

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên