Bình Dương đã tạo nên bước đột phá trong mục tiêu giảm nghèo

Cập nhật: 30-12-2011 | 00:00:00

Nỗ lực thoát nghèo từ nguồn vốn Nhà nước

Cuối năm 2011, Bình Dương có 3.314 hộ nghèo được công nhận thoát nghèo. Nhiều mô hình thoát nghèo từ sản xuất, chăn nuôi đáng được ghi nhận. Đặc biệt, từ nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, nhiều gia đình có thêm điều kiện để nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Trước đây, hộ anh Cao Văn Minh ở xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên thuộc diện nghèo. Năm 2004, từ tỉnh Bến Tre về Bình Dương lập nghiệp trên vùng đất mới với tài sản vỏn vẹn 2 triệu đồng. “Bước đầu thật sự khó khăn, môi trường sống khác so với nơi sống cũ, phải bươn chải cho cuộc sống hàng ngày để nuôi con ăn học. Gia đình tôi xác định gắn bó với vùng đất mới. Rất may có một chủ vườn cây ăn trái nhận gia đình tôi vào chăm sóc và trông vườn cho chủ với 800.000 đồng/tháng. Nhờ đức tính thật thà, cần cù, chịu khó lao động được ông chủ tin tưởng cho gia đình tôi tá túc vào ở chòi trông vườn”, anh Minh tâm sự. Sau khi có việc làm ổn định, anh tìm đến chính quyền đăng ký tạm trú tại địa phương để có điều kiện cho 2 con ăn học. Mọi việc đã ổn định, vợ chồng anh Minh ra sức lao động và làm công cho các chủ vườn bên cạnh để kiếm thêm nguồn thu nhập. Sau đó, anh Minh mạnh dạn thuê đất để trồng cây ngắn ngày, kết quả thật sự khả quan chỉ trong một vụ sản xuất gia đình anh đã tích lũy được 20 triệu đồng. Các chính sách giảm nghèo đã kịp giúp đỡ gia đình anh như được cấp thẻ BHYT, 2 con anh đi học được miễn giảm học phí, được nhận học bổng tiếp sức đến trường. Ngân hàng Chính sách xã hội cho gia đình anh vay 10 triệu đồng để chăn nuôi thêm. Được sự giúp đỡ kịp thời của chương trình giảm nghèo, gia đình anh Minh đã thật sự thoát nghèo và vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động và sự trợ giúp của Nhà nước và xã hội. Sau 8 năm lập nghiệp ở Bình Dương, từ một gia đình thuộc diện hộ nghèo, bước sang năm 2011, gia đình anh Minh đã thoát nghèo. Đặc biệt, anh Minh hiện đang có 2 con là học sinh giỏi, đó là thành quả, là ước mơ của gia đình anh Minh trên con đường mưu sinh.  Nhóm nữ từ thiện Dĩ An và TP.HCM tặng quà và nhà tình thương cho hộ nghèo ở Bến Cát

Nếu như gia đình anh Minh thoát nghèo từ sản xuất thì gia đình anh Nguyễn Văn Thành ở xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát  thoát nghèo vươn lên từ chăn nuôi. Lập gia đình vào năm 2002, cuộc sống gia đình anh hết sức khó khăn bởi tài sản duy nhất của gia đình chỉ với chiếc ba gác để dùng làm phương tiện mua bán mít tìm kế sinh nhai qua ngày. Đến năm 2009, Ngân hàng Chính sách xã hội xét cho gia đình anh vay 10 triệu đồng để chăn nuôi. Từ 2 con heo nái anh đã nhân giống thành đàn, vừa chăn nuôi, vừa nấu rượu đem bán. Đến đầu năm 2010, đàn heo đã tăng lên 30 con. Qua tìm hiểu, thấy lao động thủ công là cách làm ăn nhỏ, không phát triển được trong sản xuất. Ngay lúc đó Nhà nước có chủ trương chuyển đổi nghề cho các hộ có xe ba gác, gia đình anh đã được hỗ trợ số tiền 20 triệu đồng. Từ số tiền này, anh đã đầu tư vào chăn nuôi bằng cách mở rộng chuồng trại và lò rượu. Đến nay chuồng trại của anh có 50 con heo và mỗi ngày nấu từ 50 - 60 lít rượu bỏ mối cho các quán. Từ đó, gia đình anh Thành đã có thu nhập ổn định với mức thu nhập bình quân hơn 50 triệu đồng/năm. Anh Thành hy vọng: “Trong những năm tới, gia đình phấn đấu nhiều hơn để có thể trở thành hộ khá của xã”.

Tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp

Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Ninh Quốc Bình cho biết: Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về thực hiện 6 nhóm giải pháp kiềm chế lạm phát, giữ vững kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, ngành LĐ-TB&XH thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người nghèo và các đối tượng xã hội, năm 2011, tổng kinh phí từ ngân sách và vận động đã chi hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn trên 121 tỷ đồng (không kể các nguồn hỗ trợ vay vốn). Sở đã trình UBND tỉnh chấp thuận hỗ trợ tiền điện và trợ cấp khó khăn cho hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh. Kết quả 100% hộ nghèo đã được thụ hưởng chính sách này với số tiền 2.938 triệu đồng, đồng thời hướng dẫn các huyện, thị chi tiền trợ cấp khó khăn cho 10.882 hộ nghèo với số tiền 2.721 triệu đồng. Hướng dẫn các huyện, thị cấp BHYT cho người nghèo, bảo đảm cho người nghèo được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, toàn tỉnh đến nay đã cấp thẻ BHYT cho 53.882 người nghèo, tổng số tiền là 19,768 tỷ đồng. Thực hiện chính sách hỗ trợ học phí, sinh hoạt, chi phí học tập theo Quyết định số 56/2010/QĐ-UBND ngày 22-12-2010 của UBND tỉnh, đến nay các huyện, thị đã cấp kinh phí hỗ trợ miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên gia đình chính sách, mồ côi, hộ nghèo tổng số đối tượng được hỗ trợ là 19.755 người, số tiền 20,932 tỷ đồng. Cho vay vốn giải quyết việc làm với doanh số cho vay 15.541 triệu đồng với 870 lượt hộ vay. Vận động xây tặng 377 căn nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí 10,469 tỷ đồng cho hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ khó khăn thay thế, chuyển đổi nghề với số tiền 51.832 triệu đồng, cho vay vốn ưu đãi số tiền 17.253 triệu đồng cho 650 hộ vay. Tổ chức tiếp xúc, đối thoại hộ nghèo ở 16 xã, phường, thị trấn với 2.213/3.438 hộ nghèo tham dự (đạt 64% trên tổng số hộ nghèo) có 228 ý kiến của người nghèo đề nghị được vay vốn hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ về nhà ở, xin được trợ cấp xã hội hàng tháng, miễn giảm học phí... Các ý kiến này đều được sở tổng hợp và báo cáo về UBND tỉnh để có cơ chế chính sách chỉ đạo, điều hành công tác giảm nghèo. Tiếp tục hỗ trợ vốn cho hộ nghèo phát triển nhiều ngành nghề: chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ, buôn bán nhỏ, xây nhà trọ... với 67.017 hộ vay vốn, tổng số tiền 786.514 triệu đồng...

Chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương đã đi vào giai đoạn mới, nhiều giải pháp được đặt ra phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tuy nhiên, chương trình mục tiêu giảm nghèo và việc làm tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn:  Kinh phí chi cho công tác điều hành chương trình giảm nghèo ở cấp huyện và cấp xã còn hạn hẹp. Về cơ chế chính sách một số mặt chưa hợp lý như chính sách hỗ trợ BHYT cho hộ cận nghèo chưa phù hợp, thiếu khả thi (Nhà nước hỗ trợ 50% theo BHYT tự nguyện dành cho hộ cận nghèo). Chương trình dạy nghề miễn phí dành cho hộ cận nghèo, lao động nông thôn, bộ đội xuất ngũ thể hiện sự quan tâm đầu tư từ Nhà nước nhưng trong thực tế vẫn còn gặp khó khăn, hiệu quả chưa cao. Do vậy cần có những biện pháp bổ sung có tính khả thi về chương trình này.

“Để tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo ở Bình Dương trong giai đoạn 2011-2015 có hiệu quả, Bình Dương xem đây là một trong những công tác trọng tâm thường xuyên trong chương trình hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị. Thực hiện nhất quán quan điểm, phương châm của Đảng ta: Phát triển kinh tế gắn liền với giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội. Kêu gọi truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và ý thức trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng mô hình nông thôn mới; duy trì ổn định phát huy hệ thống tổ chức cán bộ chuyên trách giảm nghèo ở xã, phường. Tăng cường tiếp xúc, kiểm tra, giúp đỡ kịp thời những hộ nghèo phát sinh. Hướng dẫn huyện, thị thực hiện phần mềm quản lý hộ nghèo theo chuẩn mới; lập sổ theo dõi hộ nghèo làm căn cứ cho việc hoạch định chính sách, kế hoạch theo dõi biến động, giám sát và đánh giá hộ thoát nghèo. Triển khai đồng bộ nhiều chính sách bảo đảm cơ bản cho đối tượng yếu thế, đặc biệt khó khăn (người tàn tật nặng, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, người già cô đơn không có nguồn nuôi dưỡng, người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học do chiến tranh...) được hưởng trợ cấp xã hội; tạo điều kiện về giáo dục, dạy nghề, tín dụng, hỗ trợ tạo việc làm tăng thu nhập cho người tàn tật và đối tượng xã hội hòa nhập cùng cộng đồng...”, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Ninh Quốc Bình cho biết thêm.

VĂN SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên