Bình Dương, hành trình phát triển và thành tựu hôm nay

Cập nhật: 18-06-2021 | 08:30:31

LTS: Nhìn lại hành trình 35 năm đổi mới, 24 năm xây dựng và phát triển, đến hôm nay Bình Dương có thể tự hào với những thành quả đạt được trên các lĩnh vực. Thành quả đó là kết tinh từ ý chí đến hành động qua nhiều nhiệm kỳ, là sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền, người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà. Bình Dương vẫn đang đổi thay không ngừng, vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vươn tới đô thị thông minh, vùng đất đáng sống. Nhân dịp triển khai, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đi vào cuộc sống, Báo Bình Dương thực hiện loạt bài “Bình Dương, hành trình phát triển và thành tựu hôm nay”nhằm gửi đến bạn đọc một cái nhìn toàn diện về sự đi lên của vùng đất là một phần thuộc “Miền Đông gian lao mà anh dũng” trong hiện tại.

Kỳ 1: Mũi nhọn công nghiệp

Bình Dương xác định công nghiệp tiếp tục là ngành chủ lực của nền kinh tế, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên công nghiệp để chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp. Kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu to lớn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, bộ mặt đô thị hóa ngày càng hình thành rõ nét.

Công nghiệp phát triển đúng định hướng và tiếp tục là ngành chủ lực của nền kinh tế. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam, TP.Dĩ An

Đòn bẩy phát triển

Theo số liệu của UBND tỉnh, trước năm 1997, khi còn là tỉnh Sông Bé, cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp có tỷ lệ tương ứng là 50,45% - 26,8% - 22,8%. Tuy giá trị công nghiệp chiếm 50,45% nhưng cũng chỉ đạt khoảng 4.000 tỷ đồng, chủ yếu gói gọn trong các ngành hàng công nghiệp nhẹ và thủ công mỹ nghệ. Đến nay, Bình Dương đã phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần so với ngày tái lập. Cụ thể, đến năm 2020 công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - thuế nhập khẩu trừ trợ cấp sản phẩm có tỷ lệ tương ứng 66,94% - 21,98% - 3,15% - 7,93%.

Để có kết quả này, ngay từ khi tái lập tỉnh, Bình Dương đã sớm chú trọng phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp (KCN) gắn với đô thị hóa. Chính sự ra đời của các KCN đã đưa công nghiệp của tỉnh bứt phá, tạo tiền đề cho thương mại - dịch vụ và đô thị phát triển theo. Đến nay, toàn tỉnh có 29 KCN, diện tích 12.721 ha, tỷ lệ cho thuê đất đạt 84,4% và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích 789,91 ha, tỷ lệ cho thuê đạt 67,4%. Bình Dương đã và đang là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp. Các KCN của tỉnh với hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có vị trí thuận lợi, đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư.

Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh, cho biết công nghiệp tiếp tục là ngành phát triển mũi nhọn của tỉnh.

Trong giai đoạn tới, thu hút đầu tư của tỉnh sẽ có chọn lọc kỹ để có được những dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng ít lao động, có giá trị gia tăng cao. Các KCN trong tỉnh đang tiếp tục hoàn thiện đất đai, hạ tầng kỹ thuật tốt hơn để đón làn sóng đầu tư FDI trong giai đoạn mới.

Động lực tăng trưởng

Xuyên suốt qua các nhiệm kỳ, Bình Dương đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp. Đến nay, Bình Dương đang là địa phương có công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước. Kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, GRDP bình quân đầu người đạt 151 triệu đồng/năm, thuộc nhóm cao nhất cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 9,33%/năm, phát triển đúng định hướng và tiếp tục là ngành chủ lực của nền kinh tế tạo động lực cho phát triển đô thị, thương mại - dịch vụ trên địa bàn. Cơ cấu ngành có sự chuyển biến tích cực, công nghiệp hỗ trợ bước đầu có sự phát triển, gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia, từng bước phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đẩy mạnh ứng dụng, đổi mới công nghệ.

Năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, khi nền kinh tế chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, Bình Dương vẫn hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ kép”, đạt được mức tăng trưởng cao, niềm tin của người dân, doanh nghiệp được củng cố. Các giải pháp của tỉnh đưa ra đều được triển khai nhanh chóng, đồng bộ, trên quan điểm bảo đảm an toàn cao nhất cho người dân và kiên định với mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra. Trong 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn giữ đà tăng trưởng cao, ước tăng 8,04% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục thể hiện vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Để công nghiệp đi vào chiều sâu, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến chế tạo, cung cấp nguyên phụ liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm công nghiệp. Bình Dương cũng sẽ xây dựng kế hoạch từng bước chuyển đổi công năng các khu, cụm công nghiệp phía nam, dịch chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp từ phía nam lên phía bắc của tỉnh cho phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị, dịch vụ”. (Còn tiếp)

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Mặc dù vẫn còn không ít những khó khăn nhưng kinh tế của Bình Dương trong những năm qua luôn giữ mức tăng trưởng khá, đời sống của người dân được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Bình Dương đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu về phát triển kinh tế, công nghiệp tiếp tục là ngành phát triển chính của tỉnh. Bình Dương phấn đấu đến năm 2025, trở thành trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, từng bước trở thành thành phố công nghiệp đạt trình độ tiên tiến và hiện đại.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Becamex IDC: Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng, là khâu đột phá, mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng các KCN gắn với đô thị hóa. Bình Dương đã tạo được quỹ “đất sạch” rộng lớn để phát triển hạ tầng KCN, tạo nên những KCN tốt, hiệu quả. Tính đến nay, Bình Dương đã phát triển được 29 KCN, trong đó nhiều KCN đã trở thành “thương hiệu”, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Từ đó, Bình Dương đã nhân rộng, chia sẻ mô hình quản lý vận hành KCN ra rất nhiều tỉnh, thành khắp cả nước theo chương trình hợp tác của Bình Dương với các tỉnh, thành bạn.

 NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên