Bình Dương hướng tới thành phố trực thuộc Trung ương

Cập nhật: 21-02-2015 | 09:40:05

Bình Dương đang hằng ngày nỗ lực nhằm tạo tiền đề, cơ sở vững chắc để vươn lên, giành nhiều thành quả quan trọng hơn nữa trong những năm tới, nhất là hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào trước năm 2020.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam.

Trong không khí chào đón năm mới Ất Mùi, ông Trần Văn Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã dành cho phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ những chia sẻ về các mục tiêu phát triển kinh tế mang tính quyết định trong năm 2015, qua đó từng bước đạt được kế hoạch chiến lược, đưa Bình Dương thành thành phố trực trực thuộc Trung ương.

Xin ông cho biết những dấu ấn phát triển kinh tế của Bình Dương trong năm 2014?

Ông Trần Văn Nam: Năm 2014, trong bối cảnh chung có nhiều khó khăn, thách thức nhưng với nỗ lực của chính quyền, người dân và đặc biệt cộng đồng các doanh nghiệp trong tỉnh, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương tiếp tục chuyển biến tích cực.

Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đã hoàn thành, có chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 13%. Cơ cấu công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp đạt được với tỉ trọng tương ứng là 60,8%, 36,2% và 3% (kế hoạch là 60,4%, 36,4% và 3,2%). Sản xuất, xuất khẩu và thu hút đầu tư tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá cao, đặc biệt là thu hút FDI.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh ước đạt 187.531 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt 32.000 tỷ đồng (kế hoạch 31.500 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 18 tỷ USD (tăng 17,5%), nhiều năm liền Bình Dương suất siêu và năm 2014 xuất siêu trên 4 tỷ USD; thu hút vốn FDI đạt 1 tỷ 530 triệu USD (kế hoạch 1 tỷ USD), lũy kế đến nay, Bình Dương thu hút hơn 20,3 tỷ USD (1 trong 5 tỉnh, thành phố đạt mốc thu hút trên 20 tỷ USD vốn FDI).

Kết quả đạt được tích cực đã góp phần nâng cao đời sống người dân, năm 2014 thu nhập bình quân đầu người của Bình Dương đạt 61,2 triệu đồng (so với kế hoạch 60 triệu đồng). Nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đặc biệt, việc đưa vào hoạt động Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh theo mô hình hành chính hiện đại, thân thiện, tiện ích, gần gũi với người dân đã góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, sản xuất cho người dân.

Thưa ông, năm 2014, dư luận, nhất là cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn đánh giá cao việc xử lý và hỗ trợ kịp thời để khôi phục sản xuất cho doanh nghiệp của chính quyền tỉnh. Bước sang năm 2015 Bình Dương có kế hoạch như thế nào nhằm tiếp tục tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp?

Ông Trần Văn Nam: Có thể nói, sự cố về an ninh, trật tự xảy ra trong năm 2014 tại các khu công nghiệp trên địa bàn là điều không ai mong muốn, tuy nhiên với sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bình Dương đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, lấy lại niềm tin vào môi trường đầu tư của tỉnh.

Năm 2015, Bình Dương đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 13%. Tổng thu ngân sách đạt 34.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15,5%. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khoảng 1 tỷ USD.

Đến nay, tỉnh đã thực hiện gia hạn, khấu trừ, hoàn thuế, miễn, giảm thuế nội địa và xuất nhập khẩu với tổng số tiền khoảng 1.300 tỷ đồng, đồng thời triển khai gói hỗ trợ tín dụng 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp bị thiệt hại. Do vậy, sản xuất của doanh nghiệp và thu hút FDI trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Bước sang năm 2015, dự báo nền kinh tế trong nước vẫn còn nhiều thách thức. Trên cơ sở những kết quả đạt được năm 2014, Bình Dương xác định các nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2015 là tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Tỉnh sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hơn nữa chỉ số năng lực cạnh tranh để khai thác tối đa lợi thế khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương được ký kết. Bên cạnh đó, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đấu nối khu vực.

Trong thu hút đầu tư, sẽ có chọn lọc về quy mô, công nghệ, ngành nghề; ưu tiên mời gọi các ngành, lĩnh vực có tác động mạnh đến việc chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, từng bước nâng cao năng lực và sức cạnh tranh của sản phẩm.

Thực hiện thành công những mục tiêu này sẽ giúp Bình Dương đặt nền tảng vững chắc cho kế hoạch 5 năm tiếp theo. Và đặc biệt, như bạn biết, mục tiêu lớn nhất là chúng tôi đang nỗ lực phấn đấu làm sao trước năm 2020, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương - một thành phố mới tiêu biểu về văn minh, hiện đại, thân thiện và hội nhập quốc tế.

Đặt ra mục tiêu lớn là trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vậy Bình Dương đang thực hiện mục tiêu này như thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Nam: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025. Trong đó, đáng chú ý là Bình Dương sẽ trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020.

Với Bình Dương, mục tiêu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương là mục tiêu chiến lược, hiện toàn tỉnh đang hướng tới và tập trung thực hiện mục tiêu này, cụ thể: Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu tỉ trọng dịch vụ chiếm 47,59% cơ cấu kinh tế, công nghiệp là 50,44% và nông-lâm nghiệp chỉ còn 1,97%. GDP bình quân đầu người đạt 135,8 triệu đồng, tương đương 6.170 USD/người.

Đặc biệt, đến năm 2020, Bình Dương sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn trong vùng. Toàn tỉnh sẽ có 35 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 13.764 ha.

Để xứng tầm thành phố trực thuộc Trung ương, bên cạnh phát triển kinh tế, thời gian qua Bình Dương đã tập trung vào xây dựng đô thị, tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Thành phố mới Bình Dương mà trước tiên là Trung tâm hành chính mới đã được đưa vào sử dụng đầu năm 2014. Đây sẽ là trung tâm của thành phố Bình Dương trực thuộc Trung ương như định hướng quy hoạch.

Mới đây thành phố Thủ Dầu Một đã được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh, hiện chúng tôi đang tập trung đầu tư để đến cuối năm 2016, Thủ Dầu Một cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I.

Có thể nói rằng, Bình Dương đang hằng ngày nỗ lực nhằm tạo tiền đề, cơ sở vững chắc để vươn lên, giành nhiều thành quả quan trọng hơn nữa trong những năm tới, nhất là hoàn thành mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào trước năm 2020.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên