Bình Dương khéo làm dân vận – Bài cuối

Cập nhật: 27-10-2016 | 08:05:40

Bài cuối: Tận tâm phục vụ

“Trăm nghe không bằng một thấy”, chỉ cần một “nụ cười công sở” của cán bộ, công chức (CBCC) trong quá trình tiếp xúc cũng sẽ để lại cho người dân những ấn tượng, suy nghĩ tốt đẹp, tạo dựng lòng tin, từ đó đồng thuận với những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong công tác dân vận (CTDV) chính quyền, sau khi thí điểm thành công, Bình Dương đang nhân rộng mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân, vì dân” và “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Ở đó, những “nụ cười công sở” đã và đang trở thành một “phương tiện dân vận” hiệu quả.

“Nụ cười công sở”

Bác Hồ từng căn dặn CBCC khi tiếp xúc với dân phải có thái độ phải mềm mỏng: “Đối với các cụ già phải cung kính, với anh em phải khiêm tốn, với phụ nữ phải trang nghiêm, với nhi đồng phải thân yêu, với cả mọi người phải thành khẩn”. Trong quá trình xây dựng mô hình chính quyền, công sở thân thiện, các cơ quan, đơn vị địa phương trong tỉnh đã biết gắn chặt với việc thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và mô hình “Nụ cười công sở”, “5 biết, 3 thể hiện” (5 biết: Biết nghe dân nói, biết nói dân hiểu, biết làm dân tin, biết xin lỗi, biết cám ơn; 3 thể hiện: Tôn trọng, văn minh, gần gũi) đã thật sự lan tỏa rộng khắp.

“Nụ cười công sở” đã và đang lan tỏa tại các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh: CBCC Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên & Môi trường) niềm nở hướng dẫn người dân thực hiện TTHC. Ảnh: C.SƠN

Chọn đúng những cơ quan, đơn vị công quyền mà đặc trưng trong quá trình tiếp xúc với dân thường dễ phát sinh những vướng mắc, bức xúc để đẩy mạnh làm CTDV cũng là một cái khéo. Và đó là lý do Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên & Môi trường) đã được chọn làm thí điểm mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân, vì dân” và “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Ông Phạm Thanh Tùng, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai cho biết: “CTDV chính quyền tập trung vào cải cách thủ tục hành chính (TTHC), đã tạo thay đổi rất lớn về tư duy trong đội ngũ CBCC, về cung cách phục vụ dân. Thái độ tiếp công dân của CBCC đã niềm nở. Các loại thủ tục, giấy tờ có hướng dẫn kỹ càng, đầy đủ. Tại bộ phận một cửa, chúng tôi còn lắp đặt hệ thống camera quan sát để có thể theo dõi sát, kịp thời chấn chỉnh những hành vi chưa đúng mực của CBCC” .

 Cũng theo ông Tùng, từ khi thực hiện thí điểm mô hình này, tỷ lệ hồ sơ chậm giải quyết tại đơn vị đã giảm đi rất lớn. Trước đây, khâu cấp giấy và đo đạc thường phát sinh vướng mắc nhưng khi áp dụng mô hình chính quyền thân thiện đã có bước cải thiện đáng kể, 2 khâu này hiện nay đã bảo đảm tính công khai và minh bạch. “Dù lượng người đến làm TTHC có tăng lên, tạo ra áp lực nhưng phong cách phục vụ của CBCC vẫn luôn ân cần, niềm nở. Văn phòng còn thành lập tổ pháp lý hỗ trợ người dân về các loại TTHC cũng như thiết lập đường dây “nóng” để người dân có thể kịp thời phản ánh những vấn đề quan tâm lên lãnh đạo đơn vị. Qua kiểm tra, so với giai đoạn đầu, số lượng cuộc điện thoại phản ánh của người dân gọi đến lãnh đạo ngày càng giảm”, ông Tùng nói.

Từ thành công của mô hình tại Văn phòng Đăng ký đất đai, Đảng ủy Sở Tài nguyên & Môi trường đã ban hành nghị quyết về việc thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân, vì dân” và “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ” tại các đơn vị trực thuộc sở. Điều này chắc chắn sẽ tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động trong CTDV chính quyền; xây dựng đội ngũ CBCC trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác.

Đối thoại với dân

Cuối năm 2014, phường Phú Cường (TP.Thủ Dầu Một) cũng được chọn là đơn vị thí điểm thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện của dân, do dân, vì dân” và “Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”. Theo bà Văn Nguyệt Ánh, Chủ tịch UBND phường Phú Cường, các nội dung về “5 biết, 3 thể hiện” đã được quán triệt nghiêm túc tới tất cả CBCC trong phường. Dù ít hay nhiều, bất cứ người dân nào cũng có việc phải liên quan tới chính quyền. Một thái độ ân cần, niềm nở, giải thích cặn kẽ mọi điều khi người dân đến liên hệ thì dù không giải quyết được việc, người dân vẫn cảm thấy vui lòng vì thấy mình được tôn trọng. Ngoài việc thực hiện “5 biết, 3 thể hiện”, lãnh đạo địa phương còn tổ chức các buổi đối thoại, lắng nghe ý kiến nhân dân qua việc xây dựng kế hoạch, quy chế phối hợp giữa UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam phường. “Đợt đầu tiên chúng tôi tổ chức đối thoại về lập lại trật tự đô thị trên địa bàn. Phú Cường là phường trung tâm của thành phố, vì vậy việc lập lại trật tự đô thị là một nhiệm vụ trọng tâm. Khi triển khai kế hoạch, có ý kiến đồng tình, có ý kiến không đồng tình. Qua các cuộc đối thoại, kết hợp cả tuyên truyền và vận động đã nâng cao nhận thức, tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân. Vì vậy, việc lập lại trật tự đô thị trên địa bàn đã thuận lợi”, bà Văn Nguyệt Ánh nói.

“5 biết, 3 thể hiện” đã trở thành nếp nghĩ, nếp làm của CBCC phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: T.S

Một chủ đề nữa được phường Phú Cường tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến người dân là về phong cách, tinh thần, thái độ phục vụ của CBCC, đặc biệt là ở bộ phận một cửa. UBND phường chia ra từng cụm đối thoại để cố gắng gặp gỡ được đông đảo người dân. Nội dung này đã nhận được sự đánh giá cao, nhân dân phát huy được quyền làm chủ, góp ý xây dựng, tạo chuyển biến rõ nét trong ý thức, thái độ của CBCC. “Đầu năm 2016, phường đã tổ chức đối thoại với chủ đề chăm lo cho đối tượng chính sách và cũng nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của người dân. Cuối năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại với dân về quy chế dân chủ ở cơ sở”, bà Ánh cho hay.

Từ khi thực hiện mô hình này, mặc dù khối lượng TTHC rất lớn, hàng năm đều tăng, nhưng UBND phường Phú Cường luôn cố gắng, tạo sự thuận lợi trả kết quả sớm cho người dân. Cũng theo bà Ánh, qua khảo sát, tỷ lệ hài lòng của người dân khi đến giải quyết TTHC tại phường luôn tăng so với lần khảo sát trước, “dường như người dân thích đến UBND phường Phú Cường hơn!” - (chữ dùng của bà Ánh). UBND phường còn ban hành các mẫu thư cảm ơn, thư chúc mừng và thư xin lỗi. Kể từ khi thực hiện mô hình chính quyền thân thiện, đến nay chưa có trường hợp nào phải viết thư xin lỗi.

Bà Văn Nguyệt Ánh đánh giá: “Điểm nổi bật đáng kể là từ khi thực hiện mô hình chính quyền, công sở thân thiện, mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân ngày càng gần gũi, CBCC hiểu dân, trọng dân, được dân tin yêu. Vì vậy, người dân đã đồng thuận, chấp hành các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước, chung tay thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình đền ơn đáp nghĩa, từ thiện xã hội, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm…”.

Rõ ràng, khi CTDV chính quyền thực hiện tốt sẽ tạo sự đồng thuận của nhân dân. Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước được CBCC thực thi đúng đắn, hiệu quả, nhân dân càng đồng tình ủng hộ. Và điều này đã và đang trở thành một hiện thực phổ biến tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

“Điểm nổi bật đáng kể là từ khi thực hiện mô hình chính quyền, công sở thân thiện, mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân ngày càng gần gũi, CBCC hiểu dân, trọng dân, được dân tin yêu. Vì vậy, người dân đã đồng thuận, chấp hành các chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước”

(Bà Văn Nguyệt Ánh, Chủ tịch UBND phường Phú Cường,
TP.Thủ Dầu Một)

 

 THÀNH SƠN - CAO SƠN  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên