Tiến sĩ Nguyễn Việt Long, Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng Thành phố Thông minh (TPTM) Bình Dương:

“Bình Dương là địa phương duy nhất của Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh trong danh sách Smart21”

Cập nhật: 25-02-2021 | 15:34:49

(BDO) Rạng sáng 25-2-2021 (giờ Việt Nam), Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) đã công bố danh sách 21 địa phương, khu vực được vinh danh là các đô thị có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới (Smart21). Tỉnh Bình Dương (đại diện duy nhất của Việt Nam) lần thứ 3 liên tiếp được lọt vào danh sách Smart21, khẳng định hướng phát triển TPTM đúng đắn, hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và xu thế thế giới. Để kịp thời thông tin đến bạn đọc về những chương trình hoạt động, giải pháp cụ thể để trong xây dựng TPTM, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn TS.Nguyễn Việt Long, Phó Giám đốc phụ trách Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương, xung quanh những vấn đề này. 


21 vùng thông minh thế giới năm 2021 được ICF vinh danh

-Thưa ông, tỉnh Bình Dương vừa được ICF vinh danh trong danh sách Smart21, xin ông nói rõ thêm về sự kiện này?

-Trong khuôn khổ Hội thảo Smart21 của ICF diễn ra từ ngày 22 đến ngày 25-2-2021 dưới hình thức trực tuyến, rạng sáng ngày 25-2 (giờ Việt Nam) ICF đã công bố danh sách 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu trên thế giới. Theo công bố, Smart21 của năm 2021 bao gồm: Bình Dương của Việt Nam cùng các vùng, thành phố đến từ Hoa Kỳ, Canada, Brazil, Anh, Nga, Australia, New Zealand, Bắc Ai Len,... Bình Dương là địa phương duy nhất của Việt Nam lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh trong danh sách này. Trước đó, tháng 10-2018, Bình Dương là địa phương đầu tiên ở Việt Nam đạt được Smart21 và chính thức trở thành thành viên của ICF; tháng 10-2019 Bình Dương lần thứ hai liên tiếp được vinh danh là một trong các đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới (Smart 21).

Việc lựa chọn khu vực, thành phố đạt Smart21 năm 2021 bắt đầu thực hiện từ tháng 9-2020, dựa trên các tiêu chí khắt khe của ICF liên quan đến sự thịnh vượng đồng đều về kinh tế, xã hội và sự phong phú về văn hóa, cùng nhau tạo nên một cộng đồng mạnh mẽ và kiên cường. Theo kế hoạch, sau thông báo Smart21, ICF sẽ hoàn thành bảng câu hỏi chi tiết cung cấp thêm thông tin về các khu vực để chọn ra 7 cộng đồng nằm trong Top7 cộng đồng thông minh của năm 2021 và sẽ được công bố trong tháng 6-2021. Top7 cũng sẽ là trọng tâm của Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu của ICF diễn ra vào tháng 10-2021.

- Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được lọt vào danh sách Smart21. Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà, thưa ông?

-Năm 2020, hầu hết các quốc gia trên thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, các cộng đồng thông minh vẫn tập trung triển khai thực hiện các dự án đã đề ra với mục tiêu hướng đến sự hòa nhập, đa dạng và tiến bộ kinh tế trong một thế giới hậu Covid-19. Và Bình Dương đã khẳng định thương hiệu, lần thứ 3 liên tiếp được lọt vào danh sách Smart21. Kết quả này có ý nghĩa rất to lớn để Bình Dương tiếp tục đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Khẳng định hướng phát triển TPTM của tỉnh là hiệu quả, phù hợp với xu thế chung toàn cầu. Nâng tầm Bình Dương lên một vị thế mới trên trường quốc tế; mở ra cơ hội hợp tác trao đổi kinh nghiệm với mạng lưới hơn 180 TPTM thịnh vượng khắp thế giới của ICF; củng cố và gia tăng niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, bứt phá trong thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn mới, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, các viện trường trên thế giới, là nền tảng cho phát triển thương mai dịch vụ, sản xuất công nghệ cao trong tương lai.


Bình Dương hướng tới nền sản xuất thông minh

-Thời gian tới tỉnh sẽ triển khai những chương trình hoạt động, giải pháp cụ thể nào để xây dựng thành công TPTM Bình Dương, thưa ông?

-Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương sẽ tập trung nguồn lực, bổ sung cập nhật chiến lược mới, qui hoạch Vùng Đổi mới Sáng tạo, phát triển đề án TPTM trong thời kỳ mới. 

Về tầm nhìn qui hoạch tổng thể: Tỉnh Bình Dương đã xác định rõ giai đoạn tới đề án TPTM sẽ được đặc biệt đầu tư phát triển, là mũi nhọn để đột phá vươn tầm quốc tế. Đề án tiếp tục giữ vững mục tiêu lớn đã đặt ra, đồng thời triển khai có trọng điểm, có chiều sâu hơn, chú trọng đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và kinh tế - xã hội số. Bình Dương với tiềm lực và vị thế mới, đã đến lúc có thể đưa ra những dự án táo bạo hơn, mạnh mẽ và cụ thể hơn, tạo động lực và sự lan tỏa cho toàn vùng và Việt Nam.

Về chiến lược: Tỉnh vẫn phát huy sức mạnh công nghiệp, xác định đó là trọng tâm, đặc biệt là thúc đẩy công nghệ cao, sản xuất tiên tiến, đổi mới sáng tạo, đồng thời tập trung hơn nữa vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ chất lượng cao như thương mại qui mô lớn, thương mại điện tử, giáo dục đào tạo chất lượng cao, đô thị hiện đại.  

Về qui hoạch: Tỉnh tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng đưa công nghiệp lên phía Bắc, phát huy điều kiện tốt để xây dựng hạ tầng mới đáp ứng yêu cầu chất lượng cao, đồng thời cải thiện, nâng cấp đô thị dịch vụ ở phía Nam, trong đó Thành phố Mới với qui hoạch hiện đại đồng bộ là trung tâm của tỉnh.

Để thực hiện tầm nhìn trên, một số định hướng lớn sẽ được Bình Dương chú trọng triển khai: 

1. Về quy hoạch đô thị, hạ tầng kỹ thuật, giao thông 

Tỉnh sẽ đẩy mạnh quy hoạch tổng thể, đặc biệt chú trọng phát triển Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, trong đó xem Thành phố mới – TP.Thủ Dầu Một là trung tâm để bắt đầu và chuyển hướng phát triển sang các khu công nghiệp trong tương lai, cụ thể là Khu Công nghiệp Khoa học Công nghệ Bình Dương đầu tiên tại huyện Bàu Bàng. Triển khai giao thông thông minh và logistic thông minh.

2. Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp

 Tập trung vào việc không ngừng đổi mới cơ chế, chính sách thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho phong trào khởi nghiệp. Tiếp tục ứng dụng mô hình Ba Nhà. Xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đổi mới sáng tạo đến mọi thành phần trong xã hội, từ đó đổi mới sáng tạo sẽ được lan tỏa, diễn ra trên bình diện sâu và rộng, giúp Bình Dương tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn mới.

3. Phát triển toàn diện, cân bằng nền kinh tế

 Phát triển công nghiệp gắn liền với phát triển khoa học công nghệ.  Đẩy mạnh phát triển thương mại và dịch vụ, kết nối hợp tác quốc tế, tiếp tục đầu tư mở rộng các quan hệ đối tác quốc tế. Phát triển nông nghiệp theo hướng phát triển các khu vực nông thôn thông qua các chương trình làng thông minh, nông nghiệp tiên tiến, nghiên cứu phát triển giống cây trồng trên cơ sở nông nghiệp hữu cơ.

4. Chuyển đổi số và Công nghiệp 4.0, Chính phủ số, Kinh tế - xã hội số, thương mại điện tử 

Xây dựng chiến lược chuyển đổi số cấp tỉnh, trong đó, tập trung đẩy nhanh phát triển chính quyền điện tử, và chuyển đổi số trong công nghiệp, phát triển sản xuất thông minh, nhà máy thông minh… ứng dụng các công nghệ cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

5. Phát triển và thu hút nguồn nhân lực 

Phát triển giáo dục đào tạo kỹ năng số trên tất cả các bậc học; đưa giáo dục STEM, STEAM vào các chương trình giáo dục, nhằm khuyến khích tính sáng tạo cho thế hệ trẻ, chuẩn bị sớm lực lượng lao động số và đổi mới sáng tạo cho tương lai. Các trường đại học, cao đẳng sẽ tiếp tục giữ vai trò hết sức quan trọng để đáp ứng yêu cầu trên. Đặc biệt, học tập trực tuyến đang dần trở thành một thói quen mới của xã hội sau COVID-19, sẽ mở ra một làn sóng mới trong giáo dục. Xây dựng các Trung tâm xuất sắc ngành dọc có chọn lọc, trọng điểm, ưu tiên khởi đầu với các trung tâm về công nghệ số, sản xuất thông minh, phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số cũng như phát triển kinh tế số của tỉnh.

Về vùng Đổi mới Sáng tạo: Đây là trọng tâm của đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong giai đoạn tiếp theo. Vùng được mở rộng ra từ Vùng Thông minh được qui hoạch trong đề án Thành phố Thông minh giai đoạn 2016-2020. Cùng với tiềm năng và thực lực hiện tại của tỉnh, Vùng được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy, tiếp tục phát huy chiến lược phát triển thông minh, với những giải pháp nhiều lớp, liên ngành trên cơ sở một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và sâu hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo được tích lũy qua nhiều thế hệ, tạo tiền đề xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước đưa cả Bình Dương trở thành thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo. 

Bên cạnh đó, năm 2021 Bình Dương tiếp tục làm ngay những dự án thật cụ thể, hiệu quả cho người dân để mang lại đời sống tốt hơn cho người dân như tiếp tục cải tiến đề án 1022; gắn các đèn Led tại các khu công viên, khu vui chơi giải trí cho người dân…

Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên