Bình Dương: Lập lại trật tự an toàn giao thông

Cập nhật: 14-03-2018 | 09:11:41

Cùng với sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ của các ngành, các cấp, các đoàn thể..., công tác bảo đảm TTATGT ở Bình Dương đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, chỉ tiêu kiềm chế và làm giảm từ 5 - 10 % tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa (ĐTNĐ)...

Theo ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông- Vận tải, Phó trưởng Ban ATGT tỉnh, công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và ý thức chấp hành của người dân. Việc thực hiện thắng lợi mục tiêu của các chương trình và kế hoạch đã đề ra là nhờ được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, mặt trận và các đoàn thể cùng vào cuộc.


Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, xử lý các trường hợp vi phạm góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Ảnh: P.V

Trong công tác quản lý, điều hành, lãnh đạo các sở, ban ngành đã mạnh dạn phân công trách nhiệm đối với lãnh đạo các đơn vị trực thuộc, từ đó nâng cao vai trò và trách nhiệm của từng lãnh đạo đơn vị, góp phần đẩy mạnh, sâu sát và nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong công tác quản lý cũng như công tác triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng là một trong những bộ phận quan trọng trong việc triển khai, thực hiện và kiểm soát, do đó vấn đề xây dựng, nâng cao chất lượng của lực lượng chức năng trong công tác kiểm soát, bảo đảm TTATGT là hết sức cần thiết.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền sâu rộng đến người dân đã được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng thời gắn tiêu chí về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, kết quả thực hiện công tác bảo đảm TTATGT vào tiêu chí thi đua khen thưởng của địa phương, đơn vị, từ đó nâng cao ý thức và kết quả công tác bảo đảm TTATGT...

Tuy vậy, theo Ban ATGT tỉnh, mặc dù TNGT trên địa bàn đã giảm trên cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường; ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, ĐTNĐ của một bộ phận người dân còn chưa cao. Bên cạnh đó, tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện một số dự án, công trình giao thông trọng điểm vẫn còn chậm so với yêu cầu; tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) vẫn chưa được khắc phục hiệu quả, nhất là khu vực phía nam của tỉnh (TX.Thuận An, TX.Dĩ An)...

Nguyên nhân của tình hình này là do cùng với sự phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh, kéo theo sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, trong khi hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp với tốc độ phát triển của xã hội, dẫn đến UTGT, mất ATGT và TNGT. Việc gia tăng dân số cơ học dẫn đến áp lực về an ninh xã hội, giáo dục, y tế, nhất là ATGT.

Cũng như nhiều địa phương khác, tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện giao thông cá nhân thay cho phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn tỉnh còn rất cao, mặc dù đây là phương tiện có tính chủ động, cơ động cao... nhưng đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến UTGT, TNGT khi các phương tiện này cùng tập trung lưu thông trên đường, đặc biệt là trong giờ cao điểm...

Ngoài ra, công tác quản lý hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao, họ đã lấn chiếm, tái lấn chiếm HLATĐB làm nơi kinh doanh, mua bán nhỏ; việc chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông còn hạn chế, gây mất TTATGT.

BÌNH MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên