Bình Dương phát triển mạnh nông nghiệp đô thị

Cập nhật: 05-12-2017 | 08:02:14

Mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo Đề án “Phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020” nhằm phát triển nông nghiệp đô thị với nhiều loại hình, phát triển chuỗi giá trị một cách bền vững trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao.

 Mô hình trồng hoa lan của ông Bùi Văn Sang, ở phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

 Nhiều kết quả tốt

Trong 10 nhóm nông nghiệp đô thị ở Bình Dương, có 4 nhóm là loại hình chăn nuôi. Đối với loại hình chăn nuôi, ngoài nhóm nuôi thủy sản đã hình thành nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh còn hình thành các mô hình chăn nuôi mới như nuôi chim bồ câu, dế, chim yến, cá sấu, rắn, trăn… và các loại hình nuôi động vật hoang dã khác.

Hiện nay, khu vực đô thị của tỉnh có trên 500 hộ đầu tư chăn nuôi, trồng trọt theo mô hình nông nghiệp đô thị, tập trung chủ yếu ở TP.Thủ Dầu Một, các TX.Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An, Bến Cát. Việc phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực, mang lại nguồn thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích đất, đồng thời khai thác tốt nguồn lao động và đất đai khu vực đô thị. Chẳng hạn như Hội Sinh vật cảnh Bình Dương, với hội viên là những nông dân từ thú vui tao nhã chơi chim, cá, cây cảnh, gà cảnh… dần chuyển sang mô hình kinh tế mang lại thu nhập ổn định. Hiện nay, hội viên Hội Sinh vật cảnh Bình Dương có mặt tại các địa phương trong tỉnh với số lượng hàng trăm hội viên.

Theo ông Đỗ Thanh Phong, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Bình Dương, nhờ chuyển dần qua mô hình nông nghiệp đô thị, nhiều nông dân làm thành viên của hội “làm chơi mà ăn thiệt”. Nguồn thu nhập của hội viên đến từ việc cung cấp, phân phối, thiết kế sân vườn, cây xanh cho các khu dân cư, công viên trên địa bàn tỉnh.

Đối với lĩnh vực nuôi cá cảnh, những năm gần đây trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh. Nhiều mô hình nuôi cá la hán, cá rồng, cá bảy màu, cá chép… và mới đây là giống cá koi nhập khẩu từ Nhật Bản xuất hiện đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho các hộ nuôi. Điển hình như mô hình nuôi cá cảnh của anh Phạm Văn Long (TX.Dĩ An), anh Lê Văn Huệ (huyện Dầu Tiếng)... Hiện toàn tỉnh có trên 3 ha ao, hơn 5.000 hồ chuyên nuôi cá cảnh, chủ yếu tập trung tại huyện Dầu Tiếng, TX.Dĩ An, TX.Tân Uyên…

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có khoảng 130,5 ha sản xuất nông nghiệp đô thị, với các loại cây trồng chủ yếu như rau thủy canh, rau mầm, nấm, hoa lan, cây cảnh. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hơn 400 hộ đầu tư nuôi gần 100.000 vật nuôi các loại, chủ yếu là cá cảnh, cá sấu, ba ba, chim yến, trĩ, nhím, rắn. Qua đó cho thấy sự đa dạng của các loại hình nông nghịêp đô thị và sự nhạy bén của người nông dân trong chuyển dịch cơ cấu nông nghịêp theo hướng hiện đại, gắn liền với phát triển đô thị của tỉnh nhà.

Bảo đảm phát triển bền vững

Đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam tỉnh Bình Dương giai đoạn đến năm 2020 do Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh đưa ra nêu rõ, trong giai đoạn 2016-2020, nông nghiệp trên địa bàn phía nam của tỉnh Bình Dương sẽ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn và khai thác tốt các nguồn lực sẵn có ở đô thị. Mục tiêu tới năm 2020, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đô thị trên địa bàn vùng phía nam của tỉnh đạt 3.783 tỷ đồng; giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 1,6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích gần 1.000 ha và hơn 860 ha ứng dụng kỹ thuật mới vào trồng trọt, chăn nuôi. Các mô hình nông nghiệp mới trên địa bàn tỉnh đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá, tạo nguồn thu nhập cao cho nông dân. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bình Dương phấn đấu tăng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản bình quân 2,5%/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu này, Bình Dương đã và đang triển khai các nguồn vốn vay ưu đãi cho nông dân và các nhà đầu tư có thêm động lực để phát triển nông nghiệp đô thị. Theo đó, các chủ đầu tư đầu tư xây dựng cơ bản, mua máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; sản xuất tiểu, thủ công nghiệp ở nông thôn sử dụng nguyên vật liệu từ nông nghiệp; đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao… được vay vốn với lãi suất vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh tại từng thời điểm do UBND tỉnh quyết định (tối đa bằng 90% giá trị đầu tư của phương án nếu quy mô đầu tư của phương án từ một tỷ đồng trở xuống, tối đa bằng 80% nếu quy mô đầu tư của phương án trên một tỷ đồng). Về thời hạn hỗ trợ, được thực hiện theo chu kỳ sản xuất của phương án được duyệt nhưng không vượt quá 60 tháng trên một phương án. Đối với phương án có thời gian thu hồi vốn trên 60 tháng thì thời hạn vay ưu đãi có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 120 tháng.

Ngành nông nghiệp của Bình Dương đang có sự chuyển biến rất tích cực, chuyển dịch dần về hướng nông nghiệp đô thị và nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, việc thực hiện hiệu quả các chính sách khuyến khích, nguồn vốn vay ưu đãi sẽ đưa ngành nông nghiệp tỉnh nhà phát triển bền vững.

 XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên