Bình Dương quyết tâm bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông Đồng Nai

Cập nhật: 05-05-2015 | 08:38:58

Trung tuần tháng 4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo giới thiệu Dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại lưu vực sông”. Trước mắt, dự án sẽ được triển khai thí điểm tại 6 tỉnh, thành: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Dự án sẽ thực hiện 3 hợp phần bao gồm: Năng lực xây dựng các văn bản và thực thi pháp luật về quản lý môi trường lưu vực sông (QLMTLVS) của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) và UBND các tỉnh tham gia dự án được tăng cường; năng lực thực thi các chính sách, pháp luật QLMTLVS của Sở TN&MT được tăng cường và các dự án thí điểm được thực hiện; xây dựng lộ trình cải thiện công tác QLMTLVS tại các địa phương thuộc lưu vực sông được lựa chọn dưới sự quản lý và điều hành của Tổng cục Môi trường.

Bình Dương là một trong những địa phương tích cực đi đầu trong việc bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Trong ảnh: Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương sử dụng phương tiện cơ giới vớt lục bình, khơi thông dòng chảy trên sông Sài Gòn (thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai), đoạn qua TP.Thủ Dầu Một

Nhiều áp lực về vấn đề môi trường

Theo Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai, kết quả quan trắc trong năm 2014 cho thấy, môi trường nước sông Đồng Nai có dấu hiệu ô nhiễm về giá trị BOD5 (là lượng ôxy cần thiết để ôxy hóa hết chất hữu cơ và sinh hóa do vi khuẩn) và COD (là lượng ô xy cần thiết để vi sinh vật ôxy hóa các chất hữu cơ) vượt tiêu chuẩn A1 (dùng làm nguồn cấp nước cho mục đích sinh hoạt). Tại bến phà phường Uyên Hưng, TX.Tân Uyên (Bình Dương) có giá trị BOD5 cao hơn so với các điểm khác, có thể do nước thải sinh hoạt của khu dân cư xung quanh hoặc từ hoạt động nuôi cá bè là nguyên nhân trực tiếp làm khu vực này bị ô nhiễm hữu cơ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm là từ nguồn nước thải công nghiệp, khai thác khoáng sản, làng nghề, sinh hoạt, y tế, nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; trong đó nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp đóng góp tỷ lệ lớn nhất. Hiện nay, trên lưu vực sông Đồng Nai có trên dưới 60 khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động; trong đó chỉ có 1/3 có hệ thống nước thải tập trung, số còn lại đều thải trực tiếp ra sông (tỉnh Đồng Nai có lượng nước thải ra sông chiếm 52,7%, TP.Hồ Chí Minh 23%, Bình Dương 9%...).

Là một tỉnh công nghiệp và có tốc độ đô thị hóa nhanh, Bình Dương đang chịu nhiều áp lực về vấn đề môi trường, trong đó tài nguyên nước đang là điểm nóng không chỉ đối với người dân mà còn là sự quan tâm hàng đầu của tỉnh, các cơ quan, ban ngành trong công cuộc phát triển tỉnh trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, bền vững, thân thiện với môi trường.

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước đã được ông Lê Thanh Cung, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ môi trường sông Đồng Nai trước đây nhiều lần bức xúc yêu cầu các tỉnh, thành trên lưu vực sông Đồng Nai cần công khai, minh bạch nguồn nước để cùng nhau có tiếng nói chung, tìm ra giải pháp cải thiện tài nguyên nước

Chính vì thế, dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại lưu vực sông” mà Bộ TN&MT đang chọn một số tỉnh, thành làm thí điểm càng tạo quyết tâm cho tỉnh Bình Dương sớm hoàn thành dự án.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết sẽ giúp đỡ Bình Dương trong việc triển khai dự án “Tăng cường năng lực quản lý môi trường nước tại lưu vực sông”; đây là cơ hội và cũng là thách thức của tỉnh Bình Dương vì là một trong những địa phương được chọn làm thí điểm. Dự án này cần sự phối hợp đồng bộ, nhất quán của Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở TN&MT, Sở Tài chính và Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương; bên cạnh đó là sự phối hợp từ tỉnh, thành bạn. Đại diện JICA cho biết, trước mắt, JICA sẽ tư vấn tỉnh Bình Dương xây dựng các văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề tài nguyên nước. Sau đó, JICA sẽ tiến hành mô hình thí điểm tại Bình Dương bắt đầu từ tháng 8-2015. Thời gian kết thúc dự án dự kiến vào năm 2018.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, tỉnh Bình Dương đang phát triển trở thành tỉnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững. Trong tương lai, Bình Dương trở thành đô thị loại 1 thì thách thức về vấn đề ô nhiễm, trong đó có môi trường nước trở nên cấp bách. Lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ rất quan tâm đến vấn đề môi trường nên sự quan tâm và giúp đỡ của JICA là hết sức cần thiết.

Ông Liêm cũng đề nghị JICA giúp đỡ tỉnh nghiên cứu về mức độ ô nhiễm nguồn nước hiện nay tại Bình Dương cũng như đề xuất các phương án, kinh phí thực hiện dự án. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng hết sức nghiêm túc trong việc phối hợp chặt chẽ với JICA trong việc vận động, điều phối nhân lực tham gia dự án một cách hiệu quả nhất.

 

 PHÙNG HIẾU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên