Bình Dương sẵn sàng cho hội nhập

Cập nhật: 29-04-2016 | 07:40:59

Bình Dương đột phá từ cái gốc là địa phương thuần nông nghèo khó để vươn mình công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ. Để giờ đây, trước xu thế hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Bình Dương tiếp tục bước đi với niềm tin mãnh liệt vào nguồn lực, vị thế sẵn có của mình.

Việc đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và thu hút đầu tư nước ngoài đóng vai trò to lớn vào thành tựu kinh tế của Bình Dương trong 41 năm qua. Trong ảnh: Đại lộ Bình Dương đoạn đi qua Trung tâm thương mại AEON MALL Bình Dương Canary (TX.Thuận An) Ảnh: XUÂN THI

Chuyển mình mạnh mẽ

Nhìn lại chặng đường 41 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 -30.4.2016), non sông liền một dải và bắt tay vào xây dựng quê hương, Bình Dương đã đạt được những thành tựu đầy tự hào. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự đoàn kết một lòng của các tầng lớp nhân dân, kinh tế - xã hội của Bình Dương đã phát triển nhanh và bền vững. Nhờ thế, qua 41 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương từ xuất phát điểm là tỉnh thuần nông, nhận trợ cấp từ Trung ương nay đã trở thành một trong những tỉnh đi đầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và là tỉnh có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương cao thứ 2 của cả nước.

Trong quá trình phát triển, tỉnh Bình Dương đã thực hiện chủ trương “trải thảm đỏ mời gọi đầu tư”, nắm bắt và khai thác có hiệu quả mọi thời cơ, phát huy lợi thế, sức mạnh và thu hút mạnh nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có ý nghĩa hết sức quan trọng để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ, giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất. Nhờ đó, Bình Dương đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, trở thành địa phương phát triển năng động trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Tỉnh Bình Dương bước vào xây dựng và phát triển công nghiệp ở điểm xuất phát thấp là một tỉnh nông nghiệp, cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp còn nhiều hạn chế. Thực tiễn đó bắt buộc tỉnh Bình Dương phải có bước đột phá, đi tắt đón đầu phát huy mạnh mẽ ba yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Nhất là từ khi tái lập tỉnh vào đầu năm 1997, Bình Dương đã mạnh dạn xác định phát triển công nghiệp chính là yếu tố đột phá tạo tiền đề cho tỉnh phát triển.

Đến nay, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Bình Dương cao gấp hàng chục lần so với ngày tái lập. Đến cuối năm 2015, quy mô nền kinh tế của tỉnh đạt 142.768 tỷ đồng, gấp 36,4 lần thời điểm 1997 với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 14,8%. Công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế của tỉnh: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp có tỷ lệ tương ứng là 60,3% - 37% - 2,7%. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh tăng gấp 23 lần; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 216.598 tỷ đồng, gấp hơn 54,5 lần; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng gấp 46,3 lần; kim ngạch xuất khẩu tăng 56,5 lần; thu ngân sách tăng gấp 41,6 lần. Riêng tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 82%, tăng 3,4 lần so với năm mới tái lập tỉnh.

Sẵn sàng “vươn khơi”

Ngay từ khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đi đến những vòng đàm phán cuối cùng và các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, châu Âu hay Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) sắp có hiệu lực, lãnh đạo UBND tỉnh đã bàn bạc với một số doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp cần chuẩn bị thật tốt mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư có thế mạnh trong tương lai gần. Xác định được cơ hội rộng mở phía trước, tỉnh nhà nhanh chóng chuẩn bị quỹ đất sạch dồi dào, cơ sở hạ tầng chu đáo và đồng bộ.

Ngoài ra, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua liên tục được mở rộng và khai thác có hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 28 khu công nghiệp, trong đó có 26 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 65%. Đồng thời, các cụm công nghiệp cũng được tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; hiện toàn tỉnh có 6/8 cụm công nghiệp hoạt động với diện tích gần 600 ha và tỷ lệ lấp đầy là 45%. Không dừng lại ở đó, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020, Bình Dương sẽ có 33 khu công nghiệp tập trung, tổng diện tích khoảng 15.730,18 ha.

Phát biểu tại cuộc họp nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong toàn tỉnh năm 2015, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy (khi đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh) tự tin cho biết, hiệu ứng lan tỏa từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã ký kết đối với nước ta nói chung và Bình Dương nói riêng đã thấy rõ. Bình Dương đã chủ động để đón chờ cơ hội lớn này từ khá lâu. Chính vì thế, Bình Dương đang có những lợi thế cực kỳ to lớn để bước vào hội nhập với nền kinh tế toàn cầu sâu rộng hơn nữa.

Bình Dương cũng khuyến khích và có lộ trình chuyển đổi dần cơ cấu đất công nghiệp ở các khu công nghiệp trên địa bàn 2 thị xã Thuận An và Dĩ An sang đất thương mại, dịch vụ một cách hợp lý, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất trong từng giai đoạn. Đồng thời, tỉnh cũng phát triển các khu công nghiệp tập trung về phía bắc của tỉnh, gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ ngoài khu công nghiệp bảo đảm phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, thương mại, vận tải hàng hóa cho các doanh nghiệp. Đây là một bước tiến mới, tạo điều kiện thuận lợi cho Bình Dương tiếp tục phát triển vượt bậc trong thời gian tới.

Không chỉ có hạ tầng đồng bộ, Bình Dương cũng tiếp tục làm tốt công tác xúc tiến thu hút đầu tư. Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh cũng luôn có sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành với doanh nghiệp. Điều đó đã góp phần làm cho thương hiệu công nghiệp Bình Dương vang xa, tạo ấn tượng và an tâm để nhà đầu tư tin tưởng làm ăn lâu dài tại đây. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 22.000 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đăng ký 157.000 tỷ đồng và khoảng 2.600 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với tổng số vốn hơn 24 tỷ USD. Dưới góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài, Bình Dương luôn có môi trường đầu tư lý tưởng, điểm đến đáng tin cậy. Chính vì vậy, nguồn đầu tư vào Bình Dương không chỉ tăng về lượng mà còn vượt về chất với nhiều dự án tầm cỡ của nhiều tập đoàn lớn có tiếng trên thế giới và Bình Dương trở thành một trong 5 tỉnh, thành thu hút nguồn vốn FDI cao nhất cả nước.

Nhìn lại chặng đường phát triển đã qua, có thể thấy, Bình Dương đã có sự đầu tư bài bản, đồng bộ các ngành thuộc những lĩnh vực trọng tâm như hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại - dịch vụ, hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục và các lĩnh vực văn hóa - xã hội khác. Nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả và tạo bước lan tỏa thu hút nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng với nhà nước tham gia đầu tư, triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, thương mại - dịch vụ, du lịch, hạ tầng khu công nghiệp. Đồng thời, tỉnh nhà còn đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng về y tế, giáo dục - đào tạo, lồng ghép các nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.

Chính sự đầu tư bài bản, có hiệu quả cao như thế nên đến nay, nhiều tuyến giao thông huyết mạch, trọng điểm, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh được hình thành đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật điện, nước, bưu chính viễn thông... cũng được đầu tư đồng bộ; hạ tầng xã hội giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và du lịch... có bước phát triển tốt. Đây là tiền đề quan trọng để trong thời gian tới, Bình Dương tiếp tục phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết, khai thác có hiệu quả mọi nguồn lực để nhanh chóng xây dựng tỉnh nhà trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp, thân thiện, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân và yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.

 

 KHÁNH VINH

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên