Bình Dương thu BHYT học sinh theo năm dương lịch

Cập nhật: 23-09-2015 | 08:44:37

Năm học mới 2015-2016, bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên là khoản phí bắt buộc phải đóng. Mức phí BHYT, hình thức và thời gian thu phí BHYT trong những ngày qua đang được dư luận xã hội quan tâm. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Hữu Phong (ảnh), Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh.

- Thưa ông, việc thu phí BHYT bắt buộc trong năm học mới 2015-2016 đang được rất nhiều phụ huynh quan tâm. Có phụ huynh tại Bình Dương phản ánh một số nhà trường có trả lại 144.000 đồng BHYT. Vậy tiền này là gì?

- Luật BHYT sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 1-1-2015 vẫn giữ nguyên tỷ lệ đóng của học sinh là 70%, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%. Tuy nhiên, mức đóng được nâng lên từ 3% lên 4,5%, cụ thể một học sinh phải đóng cho 12 tháng là:

Từ: 70% x 1.150.000 x 3% x 12 = 289.800 đồng/thẻ

Lên: 70% x 1.150.000 x 4,5% x 12 = 434.700 đồng/thẻ

Cuối năm 2014, BHXH Bình Dương thu tiền cho thẻ BHYT có giá trị từ 1-1-2015 đến 31-12-2015 với tỷ lệ thu 4,5% là 434.700 đồng, sau đó nhiều BHXH tỉnh, thành đã có ý kiến đề nghị BHXH Việt Nam xem xét lại vì thu tiền trong năm 2014 cho nên áp dụng 3% mà không phải là 4,5% vì Luật BHYT sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ 1-1-2015.

Qua đề nghị, BHXH Việt Nam đồng ý chỉ thu 3% cho nên BHXH Bình Dương đã quyết định trả phần chênh lệch đã thu cho phụ huynh học sinh, mỗi thẻ sẽ nhận là 434.700đ - 289.800đ = 144.900 đồng.

- Phần trả chênh lệch nhiều phụ huynh hiểu nhưng có phàn nàn thời gian trả quá chậm. Tại sao cả nước việc đóng BHYT cho học sinh không đồng nhất về thời gian, Bình Dương gặp vấn đề này như thế nào và giải quyết ra sao, thưa ông?

- Việc trả có chậm do nhiều nguyên nhân có thể do khách quan hoặc chủ quan, chủ yếu là do chờ ý kiến của BHXH Việt Nam. Trình tự làm thủ tục hồ sơ: Đề nghị, quy định, lập danh sách của nhà trường, BHXH huyện, thị xã, thành phố đến BHXH tỉnh và ngược lại. Trường có thể chậm vì cùng lúc gặp kỳ nghỉ hè. Hầu hết BHXH tỉnh, thành phố thực hiện thu BHYT học sinh theo năm học, cho nên khi Bộ Y tế và Bộ Tài chính yêu cầu thu theo năm dương lịch hoặc năm tài chính sẽ gặp lúng túng và giải quyết theo phương thức: Thu các tháng còn lại đến 31-12-2015 hoặc thu 3 tháng 2015 và hết năm 2016 là 15 tháng.

Riêng Bình Dương, chúng tôi thu theo năm dương lịch đã lâu nên không có việc này xảy ra; nếu có, chỉ xảy ra ở các cháu mầm non tùy theo thẻ BHYT hết hạn lần trước, thông thường 30-9-2015 (hoặc trước đây chưa tham gia), có thể trường đã thu hoặc chỉ thu 3 tháng đến hết năm 2015, thu các tháng còn lại 10, 11, 12 năm 2015 và cả năm 2016.

- Thưa ông, tại sao trước đây BHXH Bình Dương đã thu theo năm dương lịch, nhưng theo chúng tôi biết có trường đã thu cho năm 2016?

- Chúng tôi nghiên cứu nhiều và nhận thấy thu theo năm học không tốt vì:

Đầu năm học phụ huynh phải đóng rất nhiều các khoản cho nên thu BHYT theo năm dương lịch là hay hơn. Nhà trường đầu năm bận nhiều cho nên lập danh sách sẽ chậm có thể thiếu chính xác dẫn đến cấp thẻ BHYT chậm là rất nguy hiểm khi các cháu bị tai nạn, bị bệnh.

BHXH tỉnh Bình Dương chỉ yêu cầu nhà trường thu và nộp danh sách trước 15-12-2015 để có thời gian in thẻ BHYT và phát kịp thời cho học sinh ngay những ngày đầu của tháng 1-2016, vì phát thẻ BHYT không kịp thời học sinh chẳng may bị ốm đau, tai nạn… thì khó xử lý.

Cũng có thể trường thu cho năm học 2016 vào đầu năm học, chúng tôi sẽ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét việc này. Tuy nhiên, có trường cũng hiểu đơn giản việc làm này thuận tiện, gọn hơn, không phải thu vào dịp cuối năm, cũng có thể “lo xa” nếu từ nay đến cuối năm tăng mức lương tối thiểu cơ sở (hiện nay là 1.150.000 đồng) thì mức thu sẽ tăng lên.

- Theo ông, cần phải thu BHYT 6 tháng hoặc 1 năm? Có người cho rằng tham gia BHYT theo hộ gia đình được giảm trừ còn thu ở trường học thì học sinh đóng phí cao hơn?

- Chúng ta cần hiểu rằng trong xã hội, hoặc nói nhỏ hơn là một lớp, phụ huynh có những hoàn cảnh khác nhau, nên đóng BHYT gặp khó khăn khác nhau. Chúng tôi sẽ bàn bạc cùng Sở Giáo dục và Đào tạo về việc này một cách nghiêm túc, dù khó khăn cho phụ huynh (có phụ huynh vẫn đồng ý đóng 1 lần cho 12 tháng), nhà trường (làm 2 lần), về phía cơ quan BHXH các huyện, thị xã, thành phố sẽ cố gắng cần phải in thêm khoảng 200.000 thẻ BHYT (nếu thẻ 6 tháng).

Chúng tôi đề nghị Hội phụ huynh bàn với lãnh đạo nhà trường tìm phương án 6 tháng hay 1 năm kỹ càng và phải cần có sự thống nhất cao. Cũng xin nhắc lại là nếu 6 tháng cuối năm tăng tiền lương tối thiểu cơ sở thì mức đóng 6 tháng đầu và 6 tháng cuối không giống nhau (BHXH tỉnh sẽ có hướng dẫn sau khi thống nhất với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh).

Theo Luật BHYT sửa đổi, bổ sung thì khi tham gia theo hộ gia đình sẽ được giảm trừ:

- Người thứ nhất đóng 100%.

- Người thứ hai, ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50%.

Như vậy có trường hợp đóng ở hộ gia đình có thể có thấp hơn đóng BHYT học sinh, về việc này đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét lại, điều chỉnh cho phù hợp. Tuy nhiên thẻ BHYT hộ gia đình khi mới bắt đầu tham gia sẽ có giá trị sau 1 tháng đóng, nhưng đối với học sinh thì có giá trị ngay tháng đầu đóng. Cũng xin lưu ý với quy định giảm trừ là không tính người trong gia đình đã tham gia BHYT bắt buộc.

Ví dụ: Gia đình có 5 người:

- Mẹ chồng (A): Diện hưu trí có thẻ BHYT bắt buộc;

- Chồng (B): Diện công nhân có thẻ BHYT bắt buộc;

- Vợ (C);

- Con (D).

Như vậy vợ (C) là người thứ nhất tham gia BHYT hộ gia đình đóng 100% (4,5% của 1.150.000), con (D) đóng 70%.

- Xin cảm ơn ông!

 

 T.LÝ (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên