Bình Dương: Tích cực chỉ đạo thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

Cập nhật: 13-07-2017 | 08:38:19

 Ngày 12-7, Đoàn kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) trong tình hình mới” do Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại Bình Dương về kết quả 5 năm thực hiện chỉ thị. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Đặng Minh Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh, cùng các sở, ban, ngành liên quan.

 Phong trào TDBVANTQ ngày càng đi vào chiều sâu

Đại tá Võ Văn Phúc, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết toàn tỉnh hiện có 28 KCN, 10 cụm công nghiệp và 1 khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị; thu hút 27.143 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư sản xuất, kinh doanh. Trong đó, có 2.808 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn trên 25,5 tỷ USD; 24.335 doanh nghiệp đầu tư trong nước với số vốn hơn 186.000 tỷ đồng. Các khu, cụm công nghiệp đã thu hút hơn 1 triệu lao động từ các tỉnh, thành trong cả nước đến Bình Dương làm ăn, sinh sống, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, người dân ngày càng nâng cao. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến về số lượng công nhân đã dẫn đến tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn diễn biến phức tạp. Với “sự có mặt” của hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; tập trung nhiều đối tượng hình sự... gây ảnh hưởng và tác động xấu đến công tác bảo đảm ANTT tại địa phương.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an
phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Xác định nhiệm vụ bảo đảm ANTT bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân, tạo niềm tin cho doanh nghiệp an tâm đầu tư trên địa bàn, thời gian qua, Bình Dương đẩy mạnh xây dựng phong trào TDBVANTQ với phương châm: “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ và tự hòa giải”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các cấp, các ngành nhận thức đúng đắn vai trò, vị trí, tác dụng và tầm quan trọng của việc củng cố, xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong xây dựng phong trào TDBVANTQ. Qua đó tỉnh đã xây dựng, nhân rộng mô hình phong phú, đa dạng và hoạt động có hiệu quả, từ đó giúp phong trào TDBVANTQ phát triển cả về bề rộng và chiều sâu.

Phong trào đã được đông đảo cán bộ, các tầng lớp nhân trong tỉnh và được nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia, hưởng ứng, đưa phong trào ngày càng phát triển lớn mạnh. Đến nay, Bình Dương đã có các mô hình tham gia giữ gìn ANTT được duy trì và hoạt động hiệu quả như: Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm; “Xóm đạo bình yên”; chủ nhà trọ, thanh niên công nhân; thắp sáng niềm tin; mô hình camera quan sát giữ gìn ANTT…

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Đảng ủy Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND ngày 27-9-2012, thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào TDBVANTQ trong tình hình mới”. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở xác định công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của đơn vị, địa phương mình. Trong các nghị quyết, kế hoạch luôn quán triệt, thống nhất nội dung: Người đứng đầu cấp ủy và chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào TDBVANTQ và chịu trách nhiệm về tình hình ANTT ở đơn vị, địa phương. Mọi cán bộ, đảng viên có trách nhiệm tự giác thực hiện, đồng thời chủ động tuyên truyền, giáo dục, vận động gia đình và quần chúng nhân dân tích cực tham gia phong trào TDBVANTQ.

Chia sẻ với đoàn kiểm tra, đại tá Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết thời gian qua mô hình CLB phòng, chống tội phạm của Bình Dương đã phát huy nhiều mặt tích cực đối với phong trào TDBVANTQ tại địa phương. Các CLB phòng, chống tội phạm đã trực tiếp và phối hợp cùng lực lượng chức năng bắt quả tang nhiều vụ phạm pháp như trộm cắp, cướp giật tài sản. Tuy vậy, để CLB này hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luật, quy chế hoạt động, lực lượng công an luôn giám sát chặt chẽ để bảo đảm không xảy ra những vấn đề “tiêu cực”, vi phạm pháp luật.

“Để tạo điều kiện thuận lợi, hàng năm tỉnh cấp chi phí từ 700 triệu đến 1,4 tỷ đồng cho CLB phòng, chống tội phạm. Sự hỗ trợ này tuy không nhiều nhưng đã thể hiện sự quan tâm, chia sẻ của địa phương đối với mô hình, cũng như đánh giá cao những nghĩa cử của những người tham gia vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân”, đại tá Nguyễn Hoàng Thao chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư Tỉnh đoàn cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm xây dựng phong trào qua mô hình “Thanh niên công nhân”, “Thắp sáng niềm tin” hay các phong trào giao lưu văn nghệ, tuyên truyền đến công nhân lao động tại các doanh nghiệp trong thời gian qua có những kết quả đáng khích lệ. Thông qua những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức trong thanh niên công nhân xa quê đến sinh sống làm việc trên địa bàn có thể nâng cao hiểu biết pháp luật, để từ đó giúp công nhân sống và làm việc theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với phong trào

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho rằng để xây dựng phong trào TDBVANTQ đạt kết quả, thực sự đi vào chiều sâu và phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất thiết phải có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, trước hết là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, trong đó, lực lượng công an làm nòng cốt. Thực tế cho thấy, ở đơn vị, địa phương nào, cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo, các đoàn thể tích cực tham gia thực hiện, thì nơi đó ANTT được bảo đảm, phong trào TDBVANTQ phát triển.

Đồng chí Phạm Văn Cành cũng khẳng định để phong trào đi vào chiều sâu, có kết quả thì cấp ủy, chính quyền các cấp phải chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Lực lượng chuyên trách và bán chuyên trách xây dựng phong trào TDBVANTQ phải chủ động, thường xuyên nắm chắc tình hình, qua đó, tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chính quyền những chủ trương, hình thức, biện pháp tổ chức phù hợp với thực tế. Kết hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa vận động quần chúng với đấu tranh, trấn áp tội phạm, tạo niềm tin và chỗ dựa cho người dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đã đánh giá cao kết quả thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Bí thư tại Bình Dương thông qua những cách làm thiết thực, nhất là CLB phòng, chống tội phạm thực sự mang lại hiệu quả; đồng thời cho biết đoàn công tác sẽ ghi nhận, tiếp thu đầy đủ và báo cáo lại với Ban Bí thư để tới đây, khi Trung ương đánh giá lại kết quả thực hiện 5 năm về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào TDBVANTQ, sẽ chỉ ra những vấn đề cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cũng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên từ tỉnh đến cơ sở về công tác xây dựng phong trào TDBVANTQ. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức thực hiện phong trào; trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác thực hiện, chủ động tuyên truyền vận động gia đình và người dân tích cực tham gia. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm và năng lực bảo đảm ANTT, tích cực tham gia phong trào TDBVANTQ. Động viên các tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trong đấu tranh, phòng chống tội phạm…

 5 năm triển khai Chỉ thị số 09 - CT/TW toàn tỉnh đã tổ chức được 46.664 cuộc tuyên truyền trong nội bộ nhân dân, trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học, với hơn 2,1 triệu lượt người dự. Nội dung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm; phòng, chống ma túy; phòng, chống mua bán người; phát hiện giao nộp, thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ sử dụng trái phép; bảo đảm ANTT, an toàn giao thông. Phát hành 684.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống tội phạm.

Tòa án nhân dân các cấp phối hợp Viện Kiểm sát tổ chức xét xử lưu động tại các địa bàn trọng điểm, địa bàn gây án 1.418 vụ án hình sự nhằm góp phần đấu tranh phòng ngừa tội phạm, tuyên truyền pháp luật cho người dân. Tòa án nhân dân tỉnh đã tổ chức 21 phiên tòa giả định, 33 buổi tuyên truyền pháp luật, ước tính thu hút gần 40.000 lượt người tham dự. Qua phát động phong trào, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng chức năng 7.301 tin giá trị, giúp công an các cấp xử lý 4.345 vụ việc liên quan đến ANTT.

 

MINH DUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên