Bình Dương tiến tới đô thị văn minh, giàu đẹp - Kỳ 4

Cập nhật: 20-10-2016 | 09:03:44

Kỳ 4: Nâng cao đời sống tinh thần cho người dân

Chặng đường 20 năm tái lập tỉnh, Bình Dương đã gặt hái được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông, Bình Dương đã trở thành địa phương phát triển năng động bậc nhất của cả nước. Điểm đáng chú ý, bên cạnh nâng cao thu nhập, tỉnh luôn chăm lo đời sống tinh thần cho người dân.

Bên cạnh chăm lo đời sống vật chất, những năm qua Bình Dương cũng quan tâm tốt đến đời sống tinh thần cho người dân. Trong ảnh: Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thưởng thức Ảnh: P.V

Đầu tư mạnh cho hạ tầng văn hóa, giáo dục

Năm 1997, toàn tỉnh có 2 rạp chiếu bóng, 1 đội chiếu phim, 2 nhà hát, 6 nhà văn hóa, 1 đài phát thanh và truyền hình và 6 đài truyền thanh. Trong năm 1997, tỉnh đã đưa vào sử dụng 3 đài phát thanh FM, 13 đài truyền thanh cấp xã. Theo số liệu thống kê, năm 1997, có khoảng 17.300 lượt người trong tỉnh xem chiếu phim và trên 376.500 lượt người xem văn nghệ; tỷ lệ dân số được nghe phát thanh chiếm đến 90%, xem truyền hình chiếm 85%... Những con số này không lớn so với thời điểm hiện tại nhưng cách đây 20 năm, Bình Dương có thể được liệt vào tốp đầu những tỉnh, thành người dân có mức thụ hưởng văn hóa - giải trí cao của cả nước.

Kết quả nói trên cho thấy, ngay từ khi vừa tái lập tỉnh, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã rất coi trọng việc nâng cao mức hưởng thụ văn hóa - giải trí cho người dân, bên cạnh nhiệm vụ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì thế, việc phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp của tỉnh luôn đi kèm với phát triển hạ tầng về y tế, văn hóa, giáo dục. Nhờ đó, 20 năm qua, tỉnh đã có được hệ thống cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế khá đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, việc nâng cấp, tôn tạo các di sản, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện tốt.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay toàn tỉnh có 9 thư viện, 55 di tích lịch sử - văn hóa, 135 huấn luyện viên thể thao chuyên nghiệp, 70 vận động viên đạt chuẩn kiện tướng quốc gia, 159 vận động viên đạt chuẩn cấp 1. Riêng trong năm 2015, các vận động viên đã đem về cho tỉnh nhà 15 huy chương quốc tế. Có thể nói, cơ sở hạ tầng văn hóa - thể thao - du lịch của tỉnh đang từng bước hoàn thiện, từ hạ tầng kỹ thuật cho đến con người; phong trào tập luyện thể dục thường xuyên được phát động từ học đường cho đến các khu dân cư; trong khi đó nhiều câu lạc bộ đờn ca tài tử ra đời và đi vào hoạt động ngày càng chuyên nghiệp. Đó là chưa kể đến các câu lạc bộ hưu trí, câu lạc bộ thơ văn đã và đang hình thành xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống. Điều đó cho thấy, đời sống tinh thần của người dân Bình Dương ngày càng phong phú, đa dạng hơn.

Việc nâng cao đời sống tinh thần, thụ hưởng văn hóa của người dân luôn là một trong những tiêu chí quan trọng qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải khi đó đã nhấn mạnh: “Phát triển văn hóa - xã hội phải tương xứng với phát triển kinh tế. Trong khi chưa có đủ điều kiện thu hẹp khoảng cách giàu nghèo về kinh tế các vùng trong tỉnh, giữa thành thị và nông thôn thì chúng ta phải cố gắng thu hẹp khoảng cách về thụ hưởng văn hóa và phúc lợi xã hội”. Trên thực tế, Bình Dương đã làm khá tốt điều này.

Đối với lĩnh vực y tế của tỉnh cũng có bước phát triển mạnh nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân địa phương và vùng lân cận. Hiện toàn tỉnh có 20 bệnh viện, 17 phòng khám đa khoa, 1 nhà hộ sinh, 91 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đội ngũ y, bác sĩ, dược sĩ của tỉnh đến nay có gần 5.500 người, gấp nhiều lần so với cách đây 20 năm. Về lĩnh vực văn hóa, trong giai đoạn 2010- 2015, toàn tỉnh có 87,73% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 63,19% khu phố, ấp đạt tiêu chuẩn khu phố, ấp văn hóa và tiên tiến. Các hoạt động văn hóa - nghệ thuật phục vụ các ngày lễ, tết đã diễn ra sôi nổi từ thành thị đến nông thôn, các khu công nghiệp. Những chương trình này ngày càng đa dạng về nội dung, hình thức thể hiện và có chất lượng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

Hướng đến cuộc sống ổn định lâu bền

Hiện Bình Dương đang nỗ lực thu hẹp khoảng cách thu nhập của người dân ở thành thị và nông thôn; cùng với đó là mức thụ hưởng cuộc sống của người dân 2 khu vực này xích lại gần nhau hơn. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân trong tỉnh sở hữu các phương tiện, thiết bị hiện đại cũng có bước tăng trưởng nhanh qua 20 năm tái lập tỉnh. Cụ thể, đến nay đã có 4,39/100 người dân trong tỉnh có ô tô; 89,32/100 người có xe máy; 61,83/100 người có tủ lạnh; 21,23/100 người có máy tính; 35,56/100 người có máy giặt… (số liệu năm 2015).

Ông Nguyễn Chính Hải, cựu chiến binh quê Thái Bình đến Bình Dương lập nghiệp từ năm 1997. Xuất ngũ với hai bàn tay trắng, đến nay cơ ngơi ông gầy dựng lên đến hàng chục tỷ đồng. Ông Hải hiện có 1 cơ sở cán thép, 1 nhà nuôi yến và hàng chục phòng khách sạn cho thuê. Hiện ông đang giữ vai trò là Chủ tịch Hội Doanh nhân của Hội Cựu chiến binh tỉnh. Ông Hải chia sẻ, khó tìm mảnh đất nào “lạc nghiệp” hơn tỉnh Bình Dương, bởi nơi đây hội đủ yếu tố để người ngoài tỉnh có thể tạo dựng sự nghiệp. Cơ sở hạ tầng của tỉnh hoàn thiện, nối liền nông thôn với thành thị nên cuộc sống của người dân gặp rất nhiều thuận lợi.

Ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, là một tỉnh đang đẩy nhanh công nghiệp hóa, đô thị hóa, mục tiêu của Bình Dương chính là nâng cao mức sống cho người dân. Thành quả từ việc phát triển kinh tế - xã hội được mọi người dân trong tỉnh phải được thụ hưởng. Có thể nói, nỗ lực của Bình Dương trong việc giảm dần khoảng cách giàu nghèo đã có những bước tiến quan trọng. Để đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, bên cạnh các giải pháp đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong giai đoạn mới, Bình Dương cần chú trọng hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt bài toán môi trường thì Bình Dương mới phát triển bền vững, đời sống vật chất, tinh thần của người dân mới thực sự ổn định lâu dài.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã đề ra một số chỉ tiêu quan trọng: Đến năm 2020, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 70 - 75%; tỷ lệ bác sĩ đạt 7,5/1.000 dân; 80% lao động qua đào tạo. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 45.000 lao động. Năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đạt 30m2/người; 100% xã đạt tiêu chí nông thôn mới; số giường bệnh đạt 27/10.000 dân; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa đạt 60 - 70%; số thuê bao internet đạt 18/100 dân; tỷ lệ đô thị hóa đạt 85%...

 

Kỳ 5: Bảo đảm cho mọi người dân đều thụ hưởng thành quả tỉnh đạt được

 

 PHÙNG HIẾU

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên