Bình Dương xây dựng thành phố thông minh với hướng đi riêng

Cập nhật: 24-11-2017 | 08:57:02

Trong thời gian qua, Bình Dương đã triển khai xây dựng thành phố thông minh (TPTM) và bước đầu đã đạt được một số kết quả. Trong thời gian tới, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động cụ thể để xây dựng TPTM theo hướng đi riêng, lấy con người làm trọng tâm, Bình Dương còn đẩy nhanh các điều kiện cần thiết để tham gia Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF).

 

Đề án tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn thông minh gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp đến cảng biển, sẽ giảm thiểu tối đa tình trạng ách tắc giao thông sau khi hoàn thành. Ảnh: PHƯƠNG AN

Lấy con người làm trọng tâm

Ngày 28-3-2016, Bình Dương chính thức công bố khởi động Đề án TPTM Bình Dương. Tiếp đó, TP.Hồ Chí Minh và TP.Đà Nẵng cũng đã tiến hành các kế hoạch để xây dựng TPTM. Khác với cách tiếp cận thông thường về TPTM thuần túy của các thành phố trong nước là tập trung vào việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giải quyết một số thách thức của thành phố, Bình Dương nhấn mạnh tầm nhìn tạo đột phá đổi mới toàn diện, trong đó lấy con người làm trọng tâm.

Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban điều hành TPTM Bình Dương, cho biết hiện nay khái niệm TPTM được hiểu theo nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung về TPTM người ta thường nói ứng dụng công nghệ để cải thiện đời sống người dân, hỗ trợ công tác cải cách hành chính của chính quyền; ứng dụng công nghệ vào việc phục vụ sản xuất. Đối với Bình Dương, xây dựng TPTM với lối đi riêng, theo hướng mở là phát triển doanh nghiệp, phát triển con người, phát triển cơ sở hạ tầng trên mối quan hệ 3 nhà “Nhà nước - Nhà trường- Nhà doanh nghiệp”. Với cách tiếp cận này, Bình Dương đã đề ra nhiều hoạt động cụ thể. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Bình Dương sẽ triển khai 18 hoạt động, ứng dụng công nghệ, kết hợp mô hình “3 nhà”, nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận nhiều hơn với khoa học công nghệ.

Xây dựng TPTM, Bình Dương tiếp cận dựa trên 6 tiêu chí của ICF, trong đó có 1 tiêu chí được Bình Dương chú trọng là bình đẳng tiếp cận công nghệ số. Tiêu chí này sẽ giúp cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, lực lượng lao động tiếp cận công nghệ số ngày tốt hơn. “Chúng tôi mong muốn xây dựng TPTM cho tất cả người dân và chúng tôi mong muốn người dân tham gia tích cực hơn vào việc xây dựng TPTM bằng cách cải thiện chính mình, tự học để nâng cao kiến thức trong thời gian tới”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cơ hội và triển vọng

Đề án TPTM Bình Dương là chương trình chiến lược đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2021, tầm nhìn 2030, hướng tới một nền kinh tế có giá trị gia tăng cao, quy hoạch đô thị theo hướng thông minh, tạo tiền đề tiến lên nền kinh tế tri thức. Để xây dựng TPTM, hiện Bình Dương đang học tập để ứng dụng mô hình được xem là chìa khóa thành công của thành phố công nghiệp Eindhoven (Hà Lan). Bình Dương cũng đã hình thành bộ tài liệu theo cách tiếp cận của Eindhoven với tên gọi “Bình Dương Navigator 2021”. Hiện các cơ quan, ban ngành của tỉnh đã đưa Đề án TPTM vào định hướng và chương trình hành động của từng đơn vị.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, triển khai thực hiện Đề án TPTM Becamex có các đề xuất, như: Đề án tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn thông minh gắn với phát triển các khu, cụm công nghiệp đến cảng biển, giảm thiểu tối đa tình trạng ách tắc giao thông. Đề án này sau khi thực hiện hoàn thành sẽ góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Bình Dương. Đề xuất thứ hai của Becamex là tiếp tục xây dựng khoa học công nghiệp để các nhà đầu tư ứng dụng công nghệ cao, nhằm tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Ông Hùng cho biết thêm, để có nguồn vốn xây dựng TPTM, Becamex đang tích cực thu hút các tập đoàn đầu tư mới đến từ khắp nơi trên thế giới. Cùng với đó, Becamex tiếp tục nâng cao hiệu quả quảng bá TPTM Bình Dương. Những năm qua, Becamex đã thành công trong việc tiếp cận, tìm cơ hội thu hút đầu tư, thu hút nguồn nhân lực và đã có những thay đổi đáng kể. Trong thời gian tới, Becamex sẽ đẩy mạnh gia tăng dịch vụ, kết hợp với các trung tâm dịch vụ lớn nhất khu vực và trong nước, góp phần thu hút các tập đoàn lớn đến với Bình Dương.

Theo ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban điều hành TPTM Bình Dương, trong quá trình phát triển, bất kỳ xã hội nào cũng phải trải qua thách thức. Thách thức lớn nhất ở Bình Dương hiện nay là làm sao để người dân Bình Dương, doanh nghiệp Bình Dương hiểu cách tiếp cận TPTM phù hợp với tiến trình phát triển của tỉnh. Thách thức tiếp theo là trình độ khoa học công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực tuy đã được nâng lên nhưng chưa được như kỳ vọng. Để giải quyết những thách thức nói trên, Bình Dương sẽ cố gắng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ trong quá trình thực hiện Đề án xây dựng TPTM.

 “Với xu hướng phát triển hiện nay, TPTM sẽ là chìa khóa để phát triển tương lai cho Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung. Bình Dương đang xây dựng TPTM khác với các tỉnh, thành khác trong nước và hiện Bình Dương đang triển khai thực hiện TPTM theo hướng đi riêng, như ứng dụng công nghệ vào hệ thống chiếu sáng thông minh, giao thông công cộng, môi trường, logistics... Những kết quả đó sẽ là điều kiện thuận lợi để Bình Dương xây dựng thành công TPTM trong thời gian tới”.

(Ông Peter Portheine, Ủy viên Hội đồng tỉnh North brabant, Giám đốc phát triển Tập đoàn Brainport Hà Lan)

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên