Bóc gỡ một đường dây chuyên lừa đảo người lao động

Cập nhật: 05-05-2016 | 08:21:26

Báo Bình Dương ra ngày 21 và 22-3 đăng loạt phóng sự điều tra “Tái diễn tình trạng lừa đảo người lao động” phản ánh tình trạng một số đối tượng đã lừa người lao động bằng cách đăng thông báo tuyển dụng với mức lương cao, nhưng thực ra là một cách “gài bẫy” người tìm việc. Ngay sau đó, cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc điều tra làm rõ hành vi của các đối tượng liên quan.

Từ thông tin trên báo, nhiều nạn nhân đã nhận diện được hành vi lừa đảo của các đối tượng nên báo tin đến cơ quan chức năng xử lý.

Lần theo dấu vết kẻ cầm đầu

Để làm rõ các hành vi lừa đảo người lao động (NLĐ) tại ngã tư 550 (địa bàn giáp ranh TX.Thuận An - TX.Dĩ An), chiều ngày 15-3, P.V đã vào vai người xin việc nhằm tiếp cận với Lê Anh Xuân (tên thật là Đào Xuân Thành, SN 1982, quê Thanh Hóa), đối tượng chuyên đăng tin tuyển người. Để thực hiện được hành vi dối trá, lâu nay Thành đã thay tên đổi họ và tự xưng là nhân viên quản lý của Công ty xếp dỡ hàng hóa Hoàng Long. Thành thường xuyên có mặt tại ngã tư 550, phường Dĩ An, TX.Dĩ An để ký hợp đồng lừa đảo NLĐ và hù dọa những nạn nhân đòi lại tiền cọc.

Sau ngày bị báo chí phanh phui, nhằm đánh lạc hướng người tìm việc, Thành cho đàn em tiếp tục khai sinh ra hàng loạt tên công ty khác và dán tờ rơi trên các trụ điện ở nhiều tuyến đường ở TX.Dĩ An, TX.Thuận An rồi thay đổi vị trí ký hợp đồng nhưng với kịch bản y hệt những lần lừa đảo trước đó. Để đề phòng lực lượng công an (CA) tiếp cận thu thập chứng cứ phạm pháp của mình, lần này Thành tuyển thêm nhiều đàn em làm cảnh vệ ở các chi nhánh trên trục đường ĐT743. Tuy nhiên, gã không ngờ rằng đến những ngày đầu tháng 4, mọi hành tung của mình đều nằm trong tầm ngắm của các trinh sát CA TX.Dĩ An.

Một trong những người mạnh dạn tố giác hành vi của Thành, giúp lực lượng CA tóm cổ y là anh Lê Duy H. (SN 1984, quê Thanh Hóa), một nạn nhân của Thành. Sau nhiều ngày bị Thành lừa 450.000 đồng tiền cọc và bội ước hợp đồng, thay vì Thành phải trả 350.000 - 450.000 đồng/ngày theo đúng nội dung hợp đồng lao động được hai bên ký kết trước đó thì tại kho hàng Sacombank (thuộc KCN Sóng Thần, phường Dĩ An, TX.Dĩ An), đàn em của Thành là Phạm Văn Hậu lại cho anh H. bốc vác tính theo tấn (25.000 đồng/tấn), tương đương với 40.000 - 50.000 đồng/ngày, anh H. đã cố gắng thu thập chứng cứ pháp lý cung cấp cho cơ quan chức năng bắt các đối tượng trên xử lý theo luật định.

Anh Lê Duy H. cho biết: “Vào thời điểm chúng tôi bị bọn chúng lừa đảo, bóc lột sức lao động thì tình cờ đọc được bài viết đăng trên báo Bình Dương. Bài báo đã chỉ rõ hành vi phạm pháp của tên Lê Anh Xuân. Bài báo vạch rõ hành vi lừa đảo của nhóm đối tượng này trùng khớp với hành vi mà bọn chúng lừa đảo hàng trăm nạn nhân tại kho hàng Sacombank. Từ đó chúng tôi âm thầm cắt cử người theo dõi ê kíp lừa đảo của bọn chúng với quyết tâm nếu cơ hội đến sẽ phối hợp với cơ quan CA bắt giữ đối tượng. Điều mà chúng tôi mong muốn là ngành chức năng làm rõ, bắt đối tượng phạm tội xử lý theo pháp luật, trả lại sự công bằng cho những nạn nhân. Phải dẹp cho được bọn lừa đảo để những người tìm việc không sập bẫy lừa của bọn chúng!”.

Với quyết tâm đó, sau nhiều ngày bốc xếp tại kho hàng Sacombank, sáng 8-4, anh Lê Duy H. quyết định bỏ việc để theo dõi tên Đào Xuân Thành. “Sáng 8-4, chúng tôi phát hiện Thành ngồi tại một quán cà phê gần vòng xoay An Phú (phường An Phú, TX.Thuận An) để lừa đảo người tìm việc. Với những chứng cứ về việc đối tượng này chiếm đoạt tài sản của tôi và nhiều người khác do chúng tôi cung cấp, lực lượng CA địa phương đã nhanh chóng tiếp cận mời Thành về trụ sở làm việc”, anh H. kể lại.

doi-tuong-dao-xuan-thanh-lua-dao-nguoi-lao-dong-bi-bat

 Đối tượng Đào Xuân Thành bị bắt giữ chiều 8-4

Lộ ra nhiều thủ đoạn bóc lột NLĐ

Không chỉ giăng bẫy nhằm chiếm đoạt tiền cọc của NLĐ, Thành và đồng bọn còn có nhiều chiêu trò khác nhằm thu lợi bất chính cho mình. Sớm biết trước nạn nhân vào bốc vác tại kho hàng Sacombank với mức thu nhập trung bình từ 40.000 -50.000 đồng/ngày thì sẽ không có tiền mua thức ăn, nước uống hằng ngày nên Đào Xuân Thành nảy sinh ý định tổ chức cầm cố điện thoại của nạn nhân rồi ra tay chiếm đoạt luôn. Cụ thể như trường hợp của anh Lê Duy H. Anh H. bức xúc cho biết: “Sau nhiều ngày làm việc bốc xếp tại kho hàng Sacombank tôi không được lãnh lương nên không có tiền để ăn uống, cuộc sống của tôi lúc đó rơi vào tình thế túng quẫn. Thấy chiếc điện thoại cảm ứng của tôi mới mua 6 triệu đồng, Thành nói đưa điện thoại cho hắn cầm cố, khi nào tôi lãnh lương trả tiền thì hắn trả lại điện thoại cho tôi. Sau đó, Thành đem điện thoại của tôi đi bán và đổi số liên lạc để chiếm đoạt tài sản của tôi. Trước lúc bị CA bắt giữ hắn vẫn ngoan cố không chịu trả lại điện thoại cho tôi mà còn cho đàn em hù dọa đánh tôi”. Nạn nhân H. cho biết ngoài anh ra thì còn nhiều NLĐ khác cũng bị mất điện thoại trong tình cảnh tương tự.

Trao đổi với P.V về dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của NLĐ như anh H. phản ánh, một điều tra viên Đội điều tra tổng hợp CA TX.Dĩ An cho biết: “Đến thời điểm này, Cơ quan cảnh sát điều tra CA TX.Dĩ An đã xác định Đào Xuân Thành chính là một trong những “ông trùm” trong đường dây lừa đảo, bóc lột sức lao động của người khác. Ngoài ra, Thành còn là đối tượng lợi dụng sự khó khăn của người khác để chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp, điều đó hiện đang được tiếp tục điều tra làm rõ.

Lừa đảo, bóc lột tại kho

Vì sao nhiều nạn nhân phải bỏ việc bốc xếp giữa chừng và không được lãnh lương, không dám viết đơn kiện những đối tượng lừa đảo này mà phải đi tìm một công việc mới? Theo điều tra của P.V, trong chiêu lừa thuộc ê kíp của Đào Xuân Thành và Phạm Văn Hậu thì sau khi nhận người làm từ Thành, về tới cổng kho hàng, Hậu đề nghị NLĐ phải nộp lại bản hợp đồng cho hắn giữ. Sau đó hắn hủy hợp đồng để nạn nhân không còn chứng cứ pháp lý. Và trước khi tiếp nhận công việc bốc xếp tại kho hàng, Hậu công bố cho NLĐ biết rõ là công việc bốc xếp chỉ được tính theo tấn (25.000 đồng/tấn). Trớ trêu hơn, khối lượng bốc xếp theo hợp đồng từ 5 - 17kg thì tại kho này NLĐ phải nai lưng ra vác từ 40 - 65kg. Từ đó, nhiều nạn nhân phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì sợ chúng “xử”.

Nạn nhân Ninh Sơn T. (SN 1988, quê Thái Nguyên), cho biết: “Chúng tôi bị Phạm Văn Hậu và Đào Xuân Thành lừa đảo, bót lột sức lao động. Sau gần 20 ngày làm việc tại kho hàng Sacombank, đến ngày Thành bị CA bắt giữ, tôi không lãnh được đồng lương nào. Khi còn bốc vác ở kho hàng Sacombank thì tụi nó bắt chúng tôi phải vác bao phân nặng 50 - 70kg. Với hành vi dối trá lừa đảo người lao động đã xảy ra trong thời gian qua thì chính quyền địa phương có biết không và tại sao bọn chúng vẫn ngang nhiên hoạt động?”. Theo anh T., ngay trước cổng kho hàng Sacombank thường xuyên xảy ra xô xát vì việc Hậu không chịu trả lương cho công nhân, chẳng lẽ lực lượng chức năng ở đây không hề hay biết những vụ việc này(?).

Thành lập chuyên án truy xét

Một cán bộ Đội điều tra tổng hợp CA TX.Dĩ An cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra CA TX.Dĩ An đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Đào Xuân Thành để điều tra về những hành vi sai trái mà NLĐ tố cáo. Cơ quan CSĐT đang củng cố hồ sơ để khởi tố vụ án, đồng thời thành lập chuyên án để quét sạch nhóm đối tượng lừa đảo NLĐ trên địa bàn TX.Dĩ An trong thời gian tới. 

 THANH QUANG - THỦY TRINH 

Chia sẻ bài viết
èo. 3 năm trc mình có dính 1 vụ tại tổng kho sacombank. may mà phát hiện kịp nên chỉ mất sức còn tiền làm hồ sơ thì đã lấy đủ trong quá trình làm. sẹo vẫn còn trên cằm vì lao động. cảm ơn cơ quan chức năng đã phá đường dây này để không ai bị lừa nữa
bùi xuân hoàng (Cách đây 8 năm)
Không phải là người Bình Dương nhưng tôi đọc nhiều về tờ báo này và có sự so sánh với nhiều tờ báo tỉnh khác trong khu vực. Phải nói tờ báo có nhiều chuyên mục hay, đa phong cách viết, đặc biệt trong vụ này báo đã vạch trần cả một đường dây lừa đảo người lao động qua loạt bài điều tra. Xuyên suốt trong 4 bài viết trên là một diễn biến điều tra phản ánh sự việc, kết thúc là đã bắt được đối tượng. Tôi mong rằng các anh chị trong tòa báo cần tiếp tục xâm nhập viết những bài điều tra nhằm đòi lại công lý cho những người tha phương cầu thực như chúng tôi.
Qua đây tôi cho các bạn biết thêm thông tin là bọn lừa đảo này đã in tên công ty khác với hành vi tương tự. Người lao động ngoại tỉnh rất khó tiếp cận được với tờ báo bình dương để biết hành vi lừa đảo của bọn chúng.
kết thúc tác phẩm này nhà báo đặc ra nhiều câu hỏi khá hay, nếu công an vào cuộc, chính quyền địa phương lên kế hoạch đàn áp bọn chúng thì làm gì có chuyện này xảy ra hết năm này đến năm khác chứ.
Nguyễn Tuyết Mai (phường Tân Đông Hiệp)
Nguyễn Tuyết Mai (Cách đây 8 năm)
Tình cờ đọc loạt bài điều tra trên báo Bình Dương theo đường dẫn từ facebook phản ánh về hành vi lưa đảo của đối tượng Thành và nhiều đối tượng liên quan đã giúp ích trong việc phòng ngừa sập bẫy của những người dăn bẫy lừa người lao động.
Báo viết rất rõ, rất cụ thể về từng hành vi của bọn chúng. Thế nhưng chúng tôi mong muốn nhà báo nên viết một bài cảnh giác để tuyên truyền giúp người mới đến Bình Dương tìm việc.
Lê Tùng (Cách đây 8 năm)
Nhà báo viết nhiều nhưng công an đứng nhìn thì cũng chả làm được gì.
Thực tế thì còn quá nhiều tờ rơi lừa đảo. nếu như công an cứng trong việc này và dẹp hết thì đâu có ai bị lừa
trần bảo hà (Cách đây 8 năm)
Nhà báo viết nhiều nhưng công an đứng nhìn thì cũng chả làm được gì.
Thực tế thì còn quá nhiều tờ rơi lừa đảo. nếu như công an cứng trong việc này và dẹp hết thì đâu có ai bị lừa
trần bảo hà (Cách đây 8 năm)

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên