Bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cộng đồng: Phát huy sức mạnh cộng đồng

Cập nhật: 24-12-2018 | 09:11:54

 Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh đang triển khai chương trình bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho cộng đồng theo Quyết định 1067/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu bảo đảm trật tự an toàn giao thông, PCCC, phòng chống tội phạm và ma túy giai đoạn 2016-2020. TP.Thủ Dầu Một là địa phương đầu tiên trong tỉnh triển khai chương trình này.

 Nâng cao hiểu biết pháp luật cho cộng đồng

Tại các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC do Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh tổ chức cho các doanh nghiệp, đội PCCC cơ sở, lãnh đạo UBND, công an cấp xã, trưởng khu phố, chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ tại 14 phường của TP.Thủ Dầu Một vừa qua cho thấy hầu hết đều quan tâm đến công tác PCCC. Tuy vậy, vẫn còn số ít cá nhân xem công tác PCCC là trách nhiệm của chính quyền, của chủ doanh nghiệp nên vẫn còn thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc phòng ngừa cháy nổ...

Toàn cảnh lớp bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cộng đồng tại TP.Thủ Dầu Một. Ảnh: DUY CHÍ

Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an, những năm gần đây tình hình cháy nổ trong cả nước diễn biến phức tạp, thiệt hại do cháy gây ra có xu hướng gia tăng cả về người và tài sản; trung bình mỗi năm xảy ra hàng ngàn vụ cháy, nổ và các tai nạn, làm chết và bị thương hàng trăm người, thiệt hại về tài sản ước tính hàng ngàn tỷ đồng. Điển hình như năm 2017, cả nước xảy ra 4.095 vụ cháy nổ, làm chết 107 người, 227 người bị thương, thiệt hại về tài sản lên đến 2.120 tỷ đồng và 339 ha rừng. Hậu quả do cháy gây ra rất nghiêm trọng; nhiều vụ cháy không chỉ gây thiệt hại trực tiếp về người và tài sản mà còn để lại hậu quả nặng nề cho xã hội, như doanh nghiệp ngưng trệ sản xuất, kinh doanh, người lao động mất việc làm; ảnh hưởng đến môi trường, đầu tư...

Các chuyên gia cho biết, đối với cháy nổ, biện pháp tốt nhất là phòng ngừa đã được quy định tại Điều 4, Luật PC&CC, với các nguyên tắc như: Huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia hoạt động PCCC; trong hoạt động PCCC lấy phòng ngừa là chính; phải tích cực chủ động phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy xảy ra và thiệt hại do cháy gây ra. Bên cạnh đó, các ngành, tổ chức, cá nhân phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, phương án và các điều kiện khác để khi có cháy xảy ra thì chữa cháy kịp thời, hiệu quả; mọi hoạt động PCCC trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

Trung tá Nguyễn Văn Tùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh, cho biết trọng tâm của công tác tuyên truyền pháp luật, bồi dưởng nghiệp vụ PCCC và CNCH cho cộng đồng là trang bị kiến thức và các quy định của pháp luật về PCCC, trong đó các quy định về PCCC và CNCH là yêu cầu trước tiên. Thực tế cho thấy, có hiểu biết về pháp luật thì người dân mới thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Đây là yêu cầu quan trọng và điểm mới của công tác tuyên truyền, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC và CNCH hiện nay.

Phát huy vai trò đội PCCC cơ sở

Các nhà chuyên môn cho biết, bản chất của sự cháy là phản ứng hóa học kèm theo tỏa nhiệt và phát ra ánh sáng. Để sự cháy không biến thành đám cháy, gây thiệt hại cho con người và để dập tắt đám cháy cần phải áp dụng nhiều bộ môn khoa học, bao gồm cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Sự cháy được hình thành bởi 3 yếu tố chính: Chất cháy gồm gỗ, cao su, bông, vải, lúa gạo, giấy, nhựa, xăng dầu, hóa chất…; nguồn nhiệt gồm lửa trần, do va đập mạnh hoặc ma sát lâu giữa các vật thể rắn với nhau và oxy (không khí). Nếu thiếu một trong 3 yếu tố này thì đám cháy sẽ khó hình thành. Vì vậy, phương pháp phòng cháy cơ bản được khuyến cáo thực hiện là: Loại trừ chất cháy trong khu vực nguồn nhiệt; thay thế chất cháy bằng chất không cháy hoặc khó cháy; bảo quản chất cháy trong môi trường kín (thiếu oxy); giảm tác động của nguồn nhiệt (quản lý, giám sát nguồn nhiệt, cách ly nguồn nhiệt, cắt nguồn oxy gây cháy)...

Để giải quyết tốt vấn đề nói trên, vai trò của đội PCCC cơ sở trong việc quản lý, giám sát, vận hành và xử lý khi đám cháy, nguồn cháy vừa xuất hiện là rất quan trọng. Điều quan trọng là đội PCCC cơ sở hoạt động tốt và hiệu quả. Ngoài kỹ năng tốt cần phải được trang bị đầy đủ phương tiện hỗ trợ như quần áo bảo hộ bảo đảm an toàn cho con người làm nhiệm vụ chữa cháy, tiếp cận tốt với đám cháy; có phương tiện, thiết bị chữa cháy tốt như bình chữa cháy xách tay, vòi nước chữa cháy... Bên cạnh đó, đối với những vụ cháy, đám cháy liên quan đến điện, hóa chất... đòi hỏi cán bộ, nhân viên trong đội có chuyên môn cao, cùng đầy đủ trang thiết thiết bị chuyên dùng.

Tại các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC vừa qua, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cũng đã nêu ra nhiều trường hợp phổ biến trong cuộc sống, như rò rỉ khí gas, điện... và cách phòng tránh, xử lý hợp lý, hiệu quả. Sau lớp tập huấn, qua kiểm tra, các học viên đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận đã qua tập huấn nghiệp vụ PCCC.

DUY CHÍ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên