Bức tranh kinh tế Châu Á: Tiềm năng và thách thức

Cập nhật: 26-11-2018 | 08:24:35

Theo đánh giá của các chuyên gia, dựa vào chu kỳ phát triển, thường một nền kinh tế đang có khuynh hướng tăng trưởng chậm lại sẽ mở đầu cho một chu kỳ tăng trưởng tiếp theo. Trong số các thị trường mới nổi trên thế giới, châu Á đang có khá nhiều lợi thế nhờ các yếu tố cơ bản ổn định, trong đó có Việt Nam.

 Dây chuyền sản xuất của một công ty trên địa bàn tỉnh. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

 Những xu hướng đáng chú ý

Tại các phiên họp trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á (Horasis) 2018, lãnh đạo các doanh nghiệp đã thảo luận về những diễn biến, xu hướng thị trường châu Á. Theo đánh giá của các chuyên gia, trong số các thị trường mới nổi trên thế giới, châu Á đang có nhiều lợi thế nhờ các yếu tố cơ bản ổn định. Nhiều nước ở châu Á đã trở thành những nước xuất khẩu vốn ròng nhưng vẫn là những nước nhận đầu tư nước ngoài lớn nhất. Sức mạnh kinh tế đã cho phép các nước châu Á mở rộng hoạt động và tầm ảnh hưởng trong các vấn đề thế giới, dẫn đến sự chuyển đổi dần quyền lực từ phương Tây sang phương Đông.

Ngày nay, châu Á không chỉ trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới, mà còn là thị trường lớn nhất thế giới; Hong Kong, Tokyo, Singapore, Thượng Hải và Mumbai đang trở thành những trung tâm tài chính quốc tế. Các chuyên gia nhấn mạnh về sự dịch chuyển dòng tiền trong khu vực châu Á, theo đó các quốc gia phát triển sản xuất thu lợi nhuận, đồng thời cũng là tiêu thụ hàng hóa tiềm năng. Như vậy, sự phát triển chung về sản xuất sẽ đẩy mạnh kinh tế tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế quốc gia các nước ở châu Á phát triển.

Thách thức cơ bản nhất do sự nổi lên của châu Á không phải là sức mạnh và sự ảnh hưởng ngày càng lớn, mà là sự không chắc chắn về quá trình chuyển đổi đang diễn ra. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế nhanh không chỉ là tăng GDP ở châu Á mà còn mang lại những thay đổi chính trị - xã hội mà các nước châu Á vẫn chưa có cách tiếp cận tốt để đối phó. Có thể thấy, quá trình hiện đại hóa ở châu Á đã giúp cho người châu Á ngày càng có được một nền kinh tế độc lập và xã hội văn minh hơn; châu Á ngày càng được đô thị hóa, con người không còn bị ràng buộc và có khả năng theo đuổi một cuộc sống tốt hơn.

Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề và rủi ro đang nổi lên, đe dọa khả năng phát triển của các nước ở châu Á. Nổi bật là các bất đồng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra. Tuy vậy, cuộc chiến thương mại này vẫn nằm trong tầm dự tính của giới đầu tư. Khi Bộ Thương mại Mỹ quyết định đề xuất áp thuế suất nặng lên các mặt hàng của Trung Quốc vào thị trường Mỹ sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho các nước châu Á, khi đó Trung Quốc sẽ can thiệp vào chính sách tiền tệ để bảo vệ xuất khẩu, từ đó gây ra những khó khăn nhất định cho châu Á.

Ngoài ra, các chuyên gia còn cho rằng sự nổi lên của châu Á, ngoài sự khác biệt căn bản giữa các nước châu Á sẽ kéo theo hàng loạt vấn đề như chênh lệch về kinh tế trong xã hội, xung đột sắc tộc và tôn giáo, tham nhũng, đói nghèo, vấn đềnăng lượng, hệ sinh thái suy giảm. Hiện nay, những vấn đề về đói nghèo, sự chênh lệch giàu - nghèo, vấn đềnăng lượng, hệ sinh thái đang xấu đi tại các nước đã diễn ra; những vấn đề gây ra lạm phát và tham nhũng cũng tồn tại ở các nước đang phát triển ở châu Á. Vấn đề quan trọng hiện nay là làm thế nào để các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương có thể hoạch định các chính sách tập trung cho vấn đề đó; cùng với sự suy giảm về kinh tế, những tiến bộ trong xóa đói giảm nghèo đang chậm lại, sự bất bình đẳng gia tăng và triển vọng tạo ra việc làm ổn định đang yếu dần. Đồng thời, hiện nay việc đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu tăng mạnh đang đặt ra những thách thức về kinh tế- xã hội và môi trường cho các quốc gia châu Á… Những vấn đề này có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của khu vực trong thập niên tới đây, làm cho các quốc gia ở khu vực gặp phải những khó khăn để có thể theo đuổi chương trình phát triển bền vững của mình.

Cơ hội và thách thức của Việt Nam

Tại diễn đàn, các chuyên gia đề xuất để vượt qua những thách thức nói trên, bảo đảm thành công của chương trình phát triển bền vững châu Á đến năm 2030, các quốc gia cần sử dụng tổng hợp các biện pháp kích thích kinh tế, bao gồm chính sách tài khóa, các biện pháp bảo trợ xã hội, tăng cường nguồn lực trong nước... Sự tác động các biện pháp đó sẽ không chỉ hỗ trợ cho nhu cầu trong nước mà còn góp phần tạo ra nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng của các quốc gia châu Á trong tương lai. Vấn đề quan trọng là các nước càng tập trung vào các mục tiêu chất lượng lao động, kiến thức, kỹ năng và sức khỏe của lực lượng lao động; đổi mới lĩnh vực thương mại và đầu tư, cơ sở hạ tầng, năng lượng và công nghệ thông tin… Quốc gia nào có tính minh bạch cao, có tiềm năng về nhân lực, tài nguyên sẽ là quốc gia thu hút được nhiều nhà đầu tư.

Đánh giá cao về sự phát triển của Việt Nam trong quá trình phát triển, ông John West, Giám đốc điều hành Công ty Sydney, nói: “Trong 20 năm qua, tôi đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là về hạ tầng giao thông, kinh tế, giáo dục. Tôi cho rằng, Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc hơn nữa trong tương lai; Việt Nam sẽ đạt được những thành tựu tốt hơn nữa nhằm hướng đến phát triển bền vững. Trong thời gian tới, tôi nghĩ rằng Việt Nam nên tập trung minh bạch hóa hơn nữa các chính sách về quản trị, bao gồm cả quản trị doanh nghiệp và quản trị công, nhằm thu hút đầu tư và giúp các nhà đầu tư có lợi thế hơn tại Việt Nam để tối đa hóa hiệu quả đầu tư”.

Theo các diễn giả tại diễn đàn, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam thì rất khó để lượng hóa được tác động của nó lên nền kinh tế Việt Nam. Chính vì vậy, Việt Nam cần theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc chiến thương mại này để có biện pháp ứng phó hiệu quả. Khi căng thẳng thương mại tăng cao, có khả năng một số nhà sản xuất Trung Quốc sẽ chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách để bảo vệ doanh nghiệp.

Về vấn đề này, ông Philip Bowring, nhà nghiên cứu về châu Á của tạp chí Asia Sentinel (Hồng Kông, Trung Quốc), cho rằng khó khăn của doanh nghiệp Việt Nam khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang trong thời gian tới đương nhiên là có, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng không quá bi quan. Việt Nam đang có nhiều lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia đã và đang có hiệu lực. Vấn đề là Chính phủ và doanh nghiệp trong nước cần có tầm nhìn chiến lược, tăng cường hợp tác, phát triển nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại điện tử để xóa dần khoảng cách biên giới, phát triển bền vững.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên