“Quá tải” bệnh nhân đau mắt đỏ
Chúng tôi đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để ghi nhận tình hình dịch ĐMĐ khi đã gần 17 giờ nhưng vẫn còn người chờ khám, lấy đơn thuốc tại khoa Mắt. Bình thường, số bệnh nhân (BN) đến khám vài chục ca mỗi ngày thì 3 tuần trở lại đây, ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận khoảng 220 - 230 ca/ngày. Hơn 50% số đó là trẻ em. Giải thích vì sao trẻ em bị bệnh ĐMĐ nhiều vào dịp này, bác sĩ (BS) Huỳnh Trần Dương Giang, Trưởng khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Đây là thời điểm tựu trường, bước vào năm học mới và bệnh ĐMĐ rất dễ lây lan nên các bé lây cho nhau”. B.S Giang cho biết thêm: “3 môi trường dễ lây bệnh này nhất là trường học, gia đình và công sở. Thường là bệnh viêm kết mạc cấp do virus, do bị nhiễm khuẩn đường hô hấp trên hoặc do tiếp xúc với người đau mắt. Bệnh lây lan qua dịch tiết ở mắt nên tiếp xúc với BN như nắm tay chân, chơi chung đồ chơi, ngủ chung giường, dùng chung khăn mặt, chậu rửa tay sẽ dễ bị lây bệnh. Chúng ta thấy có gia đình bị một người là lây lan hết hay trong cơ quan, có nhiều người bị bệnh ĐMĐ cùng lúc là vậy”… BS triều trị chuyên khoa 2 Đặng Kim Cương (khoa Mắt, BV Đa khoa tỉnh) đang khám cho bệnh nhân
Bị ĐMĐ tưởng là đơn giản nhưng thật ra rất khó chịu và nó lây lan nhanh cho người xung quanh. Chị Minh, nhà ở phường Phú Lợi đang ngồi chờ khám mắt cho biết cả nhà chị bị… xáo trộn bởi việc học của con, công việc của chị bị ảnh hưởng. Con gái chị lây bệnh ĐMĐ ở trường mầm non. Ngại con sẽ lây bệnh cho bạn nên chị cho con ở nhà để tiện bề chăm sóc. Kết quả là sau một tuần, cả nhà từ ông bà nội đến ba mẹ và anh trai của bé đều mắc bệnh ĐMĐ do lây lan dù chị cho biết đã “rất kỹ nhưng vẫn mắc bệnh”.
Thời gian ủ bệnh ĐMĐ 1 - 2 tuần và lây lan từ 2 tuần trở lên. Đây là lúc nên tránh tiếp xúc với BN. Triệu chứng ban đầu, bệnh nhân thường có cảm giác cộm, nóng rát trong mắt, có cảm giác như có hạt cát trong mắt, kèm theo là sợ ánh sáng, chảy nước mắt ở các mức độ khác nhau. Bệnh thường bắt đầu từ một mắt rồi lây sang mắt thứ hai sau một vài ngày. Mi mắt có biểu hiện sưng nề, kết mạc cương tụ đỏ (mắt đỏ), có thể thấy xuất huyết dưới kết mạc kèm hiện tượng nước mắt cũng có màu hồng chảy ra ngoài khe mi…
Điều trị và phòng ngừa
Để điều trị bệnh ĐMĐ hiệu quả, theo B.S Giang, khi cảm nhận mắt khó chịu, khác thường nên đến cơ sở y tế khám bệnh sớm. Nhất định không được tự ý mua thuốc nhỏ mắt hay thuốc uống kèm theo nếu chưa có chỉ định của B.S chuyên khoa. Người bệnh không nên đắp các loại lá, xông hơi, rượu… bởi do sức nóng từ những thứ được đắp lên mắt này sẽ làm cho bệnh ĐMĐ trở nặng hơn. Việc đắp lá thuốc còn ảnh hưởng trực tiếp lên giác mạc gây giảm thị lực rất nguy hiểm. Một khi đã mắc bệnh ĐMĐ, cần được điều trị kịp thời và đúng bệnh. Tránh lây lan cho người xung quanh…
Cách phòng ngừa bệnh ĐMĐ có thể rửa mắt bằng Natri Clorid 0,9%, nhỏ thuốc Cloramphenicol 0,4% 4 lần/ ngày. Trường hợp khó chịu nhiều, cộm mắt có thể tra dung dịch kháng sinh như: Tobradex 1%; Maxitrol 1% từ 4 - 6 lần/ ngày. Cần rửa mắt ngay sau khi đi bơi ở hồ bơi công cộng, đi đường có gió bụi hay đi đến nơi đông người như ở trường học, công sở… trong mùa dịch ĐMĐ.
Dinh dưỡng cũng là yếu tố cần thiết trong việc phòng ngừa bệnh ĐMĐ. Cần ăn uống đầy đủ dưỡng chất, làm việc, nghỉ ngơi hợp lý. Ăn thêm nhiều trái cây (cam, chanh…) giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Cuối cùng, bệnh ĐMĐ vẫn đang trong thời gian cao điểm, chưa có dấu hiệu giảm xuống trong những ngày qua nên mọi người cần cẩn trọng trong phòng ngừa, tránh lây lan bệnh.
QUỲNH NHƯ