Bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam - Bài 3

Cập nhật: 24-08-2015 | 07:56:40

 Bài 3: Rũ bùn đứng dậy sáng lòa

 Những ngày mùa thu tháng Tám này, con dân đất Việt ai cũng một lòng sắc son nghĩ về thời khắc lịch sử 70 năm trước, như một thứ âm thanh truyền kỳ: “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất, những buổi ngày xưa mãi vọng về”. Vâng! “Nước chúng ta, nước của những người không bao giờ khuất”. Mệnh lệnh khởi nghĩa vang lên: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta màtự giải phóng cho ta” như được phát ra từ trái tim yêu nước vốn lưu chuyển trong huyết quản dòng máu quật khởi của dân tộc. Cả nước ào lên, chớp lấy thời cơ, giành lấy chính quyền. “Người lên như nước vỡ bờ. Nước Việt Nam từtrong máu lửa. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.

 Hòa chung thành tựu sau 30 năm đổi mới đất nước, Bình Dương đã có nhiều đột phá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong ảnh: Một góc thành phố mới Bình Dương. Ảnh: X.THI

 Chuẩn bị lực lượng

Trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng ta vạch rõ: “Cách mạng Việt Nam là một quá trình cách mạng không ngừng, từ cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của đường lối dân tộc dân chủ đúng đắn, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua quá trình vận động cách mạng sâu rộng (1930-1931, 1936- 1939, 1939-1945) và chuẩn bị thực lực cách mạng không ngừng trong suốt 15 năm (1930-1945) cùng với nghệ thuật tạo dựng, tận dụng thời cơ chín muồi để tiến hành tổng khởi nghĩa, giành thắng lợi triệt để.

Đảng ta xác định, cách mạng không tự nó đến mà phải chuẩn bị giành lấy nó, nên đã tổ chức và lãnh đạo các phong trào quần chúng mạnh mẽ mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936-1939), Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, sáng tạo ra hình thức tập hợp lực lượng mới, huy động quần chúng, tập dượt quần chúng, phát động phong trào quần chúng rộng rãi đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Phong trào đã “lôi cuốn và giáo dục ý thức chính trị cho hàng triệu người”, chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám. Chủ trương chuẩn bị lực lượng chính trị của Đảng được thực hiện phù hợp với từng điều kiện lịch sử và nhiệm vụ cách mạng cụ thể. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương (1941), đã quyết định thành lập ở mỗi nước trên bán đảo Đông Dương một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, với những tên dễ hiểu, có ý nghĩa cho từng dân tộc.

Trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng ta xây dựng và phát triển lực lượng chính trị quần chúng, rồi từ đó xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Từ xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng rộng rãi đến xây dựng lực lượng vũ trang tập trung, phối hợp lực lượng chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương trên các mặt trận. Ngay từ khi thành lập, trong Chính cương vắn tắt của Đảng đã đề ra một trong những nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở Việt Nam là “tổ chức ra đội quân công nông”. Luận cương chính trị (10-1930) của Đảng ngoài việc xác định “lập đội quân công nông”, còn đề ra nhiệm vụ “tổ chức đội tự vệ của công nông” và khi võ trang giành chính quyền là “võ trang cho công nông”.

Vào những năm trực tiếp chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền, các đội tự vệ cứu quốc được thành lập ở những nơi có các hội cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Từ lực lượng tự vệ cứu quốc lập ra các đội tự vệ chiến đấu làm hạt nhân, với trang bị đầy đủ hơn, tập luyện nhiều hơn và tổ chức chặt chẽ hơn. Việc thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là sự kiện trọng đại trong lịch sử xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ngày 15-5-1945, lễ hợp nhất các tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam thành Việt Nam Giải phóng quân được tổ chức. Cứu quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thống nhất thành lực lượng bộ đội chủ lực lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân…

Nghệ thuật chớp thời cơ

Đầu tháng 8-1945, tình hình khách quan thuận lợi nhất cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã đến. Đó là phát xít Nhật bị quân đội Liên Xô và đồng minh đánh bại, buộc phải đầu hàng vô điều kiện. Ở Đông Dương, binh lính Nhật hoang mang cực độ, chia rẽ và tê liệt; hơn 7 vạn quân Nhật đang chờ quân Đồng minh vào giải giáp. Chính phủ thân Nhật của Trần Trọng Kim đang đứng trước tình thế tuyệt vọng, tình thế trực tiếp của cách mạng đã xuất hiện, những điều kiện để Đảng ta phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước đã hội tụ đầy đủ.

Hội nghị Trung ương của Đảng họp ngày 13-8-1945 ra Nghị quyết “phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc”. Tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng là: Phải giành cho được chính quyền, bằng cách đập tan chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim, lập ra chính quyền cách mạng trước khi quân Đồng minh kéo vào. Đây là thời điểm phong trào cách mạng nước ta đã lên tới cao trào, quần chúng cách mạng, Mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng hành động với một khí thế chưa từng có, lực lượng cách mạng đã lôi kéo được các tầng lớp trung gian, lừng chừng, ngả hẳn về phía cách mạng. Đảng đã có kế hoạch đầy đủ, tổ chức “Quốc dân Đại hội Tân Trào”, ra bản “Quân lệnh số 1”, lập “Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc” và cử cán bộ chủ chốt đi các địa phương lãnh đạo Tổng khởi nghĩa.

Dù đang bị ốm giữa rừng Tân Trào, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn theo dõi tình hình sâu sát, chỉ thị hành động kiên quyết giành chính quyền. Mặc dù ở Đông Dương, phát xít Nhật còn tới 7 vạn quân, song chúng rất hoang mang, dao động đến cực độ, tinh thần rệu rã đang chờ quân Đồng minh vào giải giáp. Chính phủ tay sai Trần Trọng Kim như “rắn mất đầu”, trong khi đó quân Đồng minh chưa kịp kéo vào Đông Dương, các thế lực thù địch đang cấu xé tranh giành quyền lực, thế quân địch chưa ổn định, đứng chân chưa vững. Nắm vững thời cơ, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, từ ngày 14-8 đến 28- 8, các địa phương cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Thành công của Cách mạng Tháng Tám chứng tỏ, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm nhìn vượt trước thời gian, xác định đúng thời cơ, đã chuẩn bị tốt lực lượng, sẵn sàng chủ động, chớp thời cơ lãnh đạo nhân dân đứng lên Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi, rũ bùn đứng dậy sáng lòa.

 Tại vùng đất Bình Dương - miền Đông gian lao mà anh dũng, vào tháng 1-1930, tổ chức Đảng ở Đề-pô xe lửa Dĩ An ra đời là một bước ngoặt lịch sử, thể hiện sự thay đổi nhận thức của giai cấp công nhân miền Nam. Sự kiện chi bộ Đảng đầu tiên ra đời là minh chứng cho việc giai cấp công nhân đã thấm nhuần tư tưởng về cách mạng vô sản và sứ mệnh của giai cấp. Sau đó, tháng 8-1930, chi bộ cộng sản tại khu vực Bình Nhâm được thành lập. Đến năm 1932, chi bộ đã tập hợp nhiều đồng chí các xã lân cận, có trách nhiệm hoạt động trên toàn huyện Lái Thiêu đã đổi tên thành “Chi bộ Cộng sản huyện Lái Thiêu”, do đồng chí Đinh Văn Sáng làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng, phong trào cách mạng tại địa phương đã từng bước phát triển sâu rộng, xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, để rồi cùng cả nước vùng lên giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám.

T.THẢO

Bài 4: Giá trị trường tồn của Bản Tuyên ngôn độc lập

ĐÀM THANH (tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên