Bước qua hủ tục…

Cập nhật: 23-04-2021 | 09:29:54

Bình Dương hiện có khoảng 25 dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Thực hiện nếp sống văn minh, tiến bộ ở khu dân cư, đồng bào các DTTS đã từng bước thay đổi nhận thức, xóa bỏ hủ tục và vươn lên xây dựng gia đình văn minh. Đây còn là kết quả của sự quan tâm, chăm lo đời sống cho người dân của chính quyền địa phương…


Ông La Văn Sự nói về những hủ tục xưa của người Sán Chay nay đã được hủy bỏ

Xây dựng cuộc sống mới

Một ngày trung tuần tháng 4, chúng tôi ghé thăm bà con DTTS ở ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo và ghi nhận những đổi thay trong cuộc sống ở đây. Thấp thoáng dưới tán rừng cao su là ngôi làng nhỏ của đồng bào Sán Chay (tên gọi khác là Sán Chỉ, Cao Lan, Mán Cao Lan, Hờn Bận) sinh sống. Chúng tôi được nghe “già làng” La Văn Sự kể nhiều chuyện thú vị của người dân nơi đây. Ông được gọi là “già làng” bởi ông thường đi dạy hát, múa các làn điệu dân ca của đồng bào ông, giúp bà con giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Đồng bào Sán Chay ở ấp Đồng Tâm hiện có 260 hộ. Họ di cư từ Thái Nguyên vào đây sinh sống và lập nghiệp. Trong đó có 6 anh em ruột cùng con cháu trong gia đình của “già làng” La Văn Sự đều vào đây “cắm làng”. “Đồng bào Sán Chay rất chịu khó làm nương làm rẫy, trồng điều, cao su… nên nhà nào nhà nấy đều khá giả. Cuộc sống ngày càng văn minh, tiến bộ, con cái được học hành đầy đủ”, ông Sự chia sẻ.

Ông La Văn Sự kể ngày ông lập gia đình, bên nhà gái thách cưới 80kg thịt heo. Nếu nhà trai không đáp trả đủ lễ thì sẽ bị hủy hôn. Theo ông Sự, bây giờ một số vùng đồng bào dân tộc Sán Chay ở Thái Nguyên vẫn còn giữ tục thách cưới. Nhiều thanh niên làng đi hỏi vợ, nhà gái thách cưới cao quá, không có khả năng đáp lễ nên không cưới được vợ. Còn đối với đồng bào Sán Chay ở ấp Đồng Tâm đã được tiếp cận nhiều với kiến thức mới, trình độ dân trí ngày càng cao nên các hủ tục thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giờ đây không còn nữa.

“Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, bà con đã từ bỏ những hủ tục lạc hậu và chấp hành nghiêm mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng no đủ, khấm khá hơn”, ông Ngưu Bư, một người có uy tín trong cộng đồng bà con DTTS Khmer tại xã An Bình, huyện Phú Giáo cho biết.

Cũng về vấn đề tảo hôn, qua tìm hiểu chúng tôi được biết ở ấp Tân Thịnh, xã An Bình, huyện Phú Giáo trước đây có chị Ngưu Thị K.L là thiếu nữ đồng bào Khmer duy nhất ở đây lấy chồng từ năm 16 tuổi. Được biết, hoàn cảnh gia đình chị L. vô cùng khó khăn. Sinh ra trong gia đình có 6 anh chị em, mẹ mất sớm, học hết lớp 2 chị đã phải bỏ học để đi làm thuê làm mướn kiếm tiền phụ giúp bố. Tuổi mới lớn chị đã phải làm mẹ, làm vợ, nhưng thật may mắn nhờ có mẹ chồng chỉ bảo và phụ giúp chị trong việc nuôi con nhỏ. Chị từng tâm sự: “Tại các buổi họp dân ở nhà văn hóa ấp, chúng tôi được tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình cho lứa tuổi vị thành niên. Nghe cán bộ giảng giải về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống làm ảnh hưởng đến sức khỏe tương lai con cháu, tôi đã hiểu và sẽ truyền dạy cho các con tôi sau này. Trước đây tôi không biết việc kết hôn trước tuổi là sai, là không đủ sức khỏe để chăm lo cho con cái. Hy vọng các trẻ em gái được tuyên truyền để hiểu biết nhiều hơn về pháp luật, tránh các hủ tục không hay”.

Một số bà con người Khmer cho chúng tôi biết trước kia người Khmer ở vùng đất này sinh sống biệt lập trong rừng để khai hoang làm nương rẫy. Hễ nghe tin có người ốm đau, bà con thường mời thầy mo về làng cúng thần linh, trừ tà đuổi ma rừng… Giờ đây, cuộc sống đã đổi thay.

Ông Ngưu Bư, một người có uy tín trong cộng đồng bà con DTTS Khmer tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, cho biết nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương về công tác chăm lo đời sống, phát triển kinh tế và đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật nên giờ đây trình độ nhận thức của bà con đã được nâng cao rõ rệt. “Nhờ sự quan tâm của địa phương, bà con đã từ bỏ các hủ tục lạc hậu và chấp hành nghiêm mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng no đủ, khấm khá hơn”, ông Ngưu Bư cho biết.

Hiệu quả từ một đề án

Sau 5 năm thực hiện, đến nay Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 1 (2016- 2020)” đã hoàn thành và được đánh giá cao. Mới đây, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục thực hiện đề án trên cho giai đoạn 2 từ năm 2021-2025. Nhìn lại công tác này, chúng ta thấy được vai trò của các ngành chức năng, của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân, thấy được vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức cho bà con, giúp họ xây dựng cuộc sống hiện đại, tiến bộ hơn.

Thời gian qua, Phòng Dân tộc tỉnh phối hợp Sở Tư pháp đã tổ chức tuyên truyền, tư vấn về Luật Hôn nhân và Gia đình cho phụ huynh, học sinh, thanh thiếu niên người DTTS. Có 11 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, vấn đề hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn, các tập tục lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần xóa bỏ, thu hút hơn 480 bà con là đồng bào DTTS dự.

Công tác tuyên truyền được thực hiện sâu sát tận thôn, ấp, khu dân cư để bà con cùng tìm hiểu các vấn đề như tài sản trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân; những quy định về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con trong và sau thời kỳ hôn nhân - thông qua các vấn đề được nêu nhằm nâng cao nhận thức của bà con DTTS tại địa phương trong vấn đề xây dựng gia đình hạnh phúc và đúng quy định của pháp luật.

Trong giai đoạn 2, đề án này sẽ tiếp tục nhằm nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng người DTTS trong việc thực hiện tốt các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình; ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực người DTTS; tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, Luật Hôn nhân và Gia đình; vận động, tư vấn nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Phạm vi thực hiện là các xã, phường, thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Các ngành hữu quan có nhiệm vụ triển khai thực hiện để giúp bà con nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về pháp luật, cải thiện cuộc sống ngày một phát triển hơn.

UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành có liên quan và người có uy tín trong đồng bào DTTS phải tăng cường vai trò, trách nhiệm trong chỉ đạo và cùng tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhằm ngăn ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó là tăng cường trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật.

 QUỲNH NHƯ - THU HƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên