Buổi đầu của MI-5

Cập nhật: 16-08-2022 | 07:44:35

Nếu người Anh là Số 1 trong vụ “Intel” thời Thế Chiến II thì phải chăng người Liên Xô là Số 2 sau khi vụ Cambridge Five (Bộ Ngũ Cambridge) bị phát giác? Việc lộ sáng Cambridge Five đã khiến MI-6/MI-5 nhận thức rõ ràng hơn về quyền lực và sức mạnh của tình báo Liên Xô. Sau vụ Cambridge Five, CIA cũng học được nhiều bài học đắt giá. Và chỉ sau đó mới bắt đầu có những cách hiểu và đánh giá đúng đắn hơn về tình báo.

Bí mật của MI-5

Buổi ban đầu MI-5 là một cục của Tổng cục tình báo quân sự (DMI). Được mở rộng hạ tầng đáng kể trong cả hai cuộc đại chiến, DMI hoạt động đa lĩnh vực từ MI-1b (đánh chặn và phân tích mật mã) cho đến MI-19 (Thẩm vấn tù binh chiến tranh).


Nhân vật James Bond được cho là làm việc cho MI-6.  

Lấy ví dụ như buổi ban đầu MI-4 chịu trách nhiệm về thông tin địa hình và bản đồ quân sự, sau đó là do thám không gian. Hay MI-5 chịu trách nhiệm phản gián và dân thường (phối hợp làm việc cùng với cảnh sát Nhánh đặc biệt) và ban đầu là Nha nội địa của Cục mật vụ. Hoặc MI-6 còn liên quan đến MI-1c, tức Nha nước ngoài của Cục mật vụ. MI-6 còn có tên gọi khác là Cục tình báo mật (SIS) và trong siêu phẩm James Bond được cho là nhân vật này làm việc ở đó.

Tác giả Bond, ông Ian Fleming, thật sự thì làm việc cho Tình báo Hải quân chứ không phải là MI-6/SIS, nơi ông chịu trách nhiệm cho bản ghi nhớ Trout dẫn đến chiến dịch Mincemeat. Hoặc như MI-1b là sự kết hợp với Phân đội tình báo hải quân 25 (NID25, hay còn được biết đến dưới tên gọi Phòng 40) để trở thành Trường mã và mật mã chính phủ (GC&CS) của chương trình ULTRA/Bletchley Park trứ danh, mà sau này trở thành Trụ sở truyền thông chính phủ Anh (GCHQ).

Nói trắng ra thì MI-5/ Sở an ninh chịu trách nhiệm xử lý phản gián, trong khi đó  MI-6/ Sở tình báo mật lại chịu trách nhiệm cho các hoạt động thu thập và phân tích tình báo ở nước ngoài liên quan đến HUMINT (tình báo con người), còn GCHQ thì đảm trách về SIGINT (tình báo tín hiệu). Dĩ nhiên đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm, và còn có một số tổ chức tình báo siêu bí mật khác mà người ngoài chỉ được biết chúng thông qua những ký hiệu viết tắt đại loại như LCESA, CESG, JFIG, JARIC, DIFC, NCSC...

So sánh với Mỹ thì MI-5 tương đương với FBI, MI-6/SIS tương đương với CIA, GCHQ ngang ngửa với NSA. Năm 1964, DMI chuyển thành Bộ tham mưu tình báo Quốc phòng và hiện tại chỉ gọi đơn giản là Tình báo Quốc phòng (DI) và là một phần của Bộ Quốc phòng Anh (MOD). DI tập trung vào hoạt động phân tích tình báo “đa nguồn”, đồng thời hỗ trợ cho Ủy ban tình báo chung (JIC) và các bộ ngành khác của chính phủ Anh. JIC chịu trách nhiệm đánh giá, điều phối thông tin tình báo và giám sát MI-5, MI-6 và GCHQ.


Tác giả Ian Fleming với tiểu thuyết bất hủ về điệp viên James Bond 007, là một nhân viên của Tình báo Hải quân Anh.

Mạng lưới các điệp viên kép của MI-5

Hầu như mọi điệp viên Đức được cục tình báo Đức Quốc xã (ĐQX) biệt phái tới Anh đều bị phản gián Anh tóm cổ hoặc tự nguyện đầu hàng, hay có trường hợp còn tự sát. Sự thật đã được xác định sau khi hồ sơ Abwehr bị tịch thu sau chiến tranh. Quả vậy, người Đức thực sự tin rằng họ có nhiều điệp viên nằm vùng ở Anh hơn thực tế (một phần trong số đó là các điệp viên hai mang do phía Anh kiểm soát, những người vờ tuyển dụng họ).

Hồi tháng 9 năm 1938, một đặc vụ Abwehr có tên mã là “Snow” (Tuyết) đã tự nộp mình cho mật vụ Anh. Ông ta tuyên bố rằng mình là thủ lĩnh tình báo Đức ở Anh. Người Anh đã điều tra thực hư về Tuyết và cho rằng nó chân thực, và thuyết phục ông ta làm điệp viên hai mang. (Thực ra tên thật của Tuyết là Arthur Owens. Người Anh không hoàn toàn tin tưởng vào con người này, ông ta chỉ đồng ý làm việc cho bất kỳ bên nào miễn là trả nhiều tiền hơn).

Năm 1939, Tuyết báo cáo với phía Đức rằng mình đã chiêu mộ một đồng nghiệp vào mạng lưới gián điệp của mình có tên là GW. GW thực sự là một sĩ quan cảnh sát Anh. Sau khi Thế chiến II bùng nổ, Abwehr lại phái một điệp viên khác có tên mã là Charlie sang Anh và hạ lệnh phải bằng mọi giá liên lạc với Tuyết. Tất nhiên Charlie đã làm việc đó chỉ sau khi bị MI-5 sờ gáy. Đứng trước áp lực, Charlie cũng đành khuất phục trở thành điệp viên hai mang.

Tuyết còn tuyển thêm một điệp viên khác có tên mã là Biscuit (Bánh quy), người này được phái tới Bồ Đào Nha để liên lạc với giới chức Abwehr ở Lisbon. Họ thẩm vấn anh ta và cho rằng đây là một điệp viên có giá trị nên đã cho “Bánh quy” về lại Anh để làm việc cho mình. Abwehr không mảy may hay rằng “Bánh quy” cũng làm việc cho MI-5. Mùa hè năm 1940, Abwehr đã gầy dựng được hàng chục điệp viên ở Anh. Không may, người Đức không biết rằng toàn bộ nhân viên của họ đều đang làm việc cho tình báo Anh.

Sau khi Đức chinh phạt nước Pháp thần tốc, việc thu thập thông tin về Anh đột nhiên trở thành ưu tiên cao nhất của Đức nhằm chuẩn bị cho việc xâm lược. ĐQX muốn mọi loại thông tin: các cách bố trí quân đội Anh cùng những hệ thống phòng thủ ven biển; sản xuất máy bay và địa điểm các sân bay; tình trạng dự trữ lương thực và tinh thần nhân dân; tác động của các vụ oanh tạc bom. Một lượng lớn các điệp viên đã được tuyển dụng và thâm nhập vào lãnh thổ Anh.

Người Đức rất biết ơn Tuyết vì đã cất công che giấu danh tính cho toàn bộ điệp viên mới toanh nằm vùng ở Anh. Nhưng, kỳ quặc là giới chức Anh lại có thể lần ra chính xác từng vị trí để bắt giữ các điệp viên Đức. Dường như người Anh đã nhận được nhiều bản sao căn cước từ các toán điệp viên mới. Song có một sự thực là phần lớn điệp viên Đức đã tự nguyện quy hàng. Họ chống Đức và giả vờ tình nguyện làm điệp viên như một cách đào tẩu khỏi nước Đức để tìm nơi trú ẩn an toàn.

Số người khác thì nhanh chóng bị tóm nhờ vào nguồn thông tin do Tuyết cung cấp, hoặc do thiếu kinh nghiệm và đào tạo non nớt khiến số điệp viên này dễ bị phát lộ hành tung. Hình phạt cho tội làm gián điệp trong thời chiến là tử hình. Số điệp viên khác nhất trí làm điệp viên hai mang cho Anh, họ gửi lại thông tin cho người xử lý ở Đức, vô hình trung tạo ra vỏ bọc hoàn hảo cho hoạt động mật của mình. Trên thực tế, tất cả thông tin mà các điệp viên hai mang này gửi về lại Đức đều do tình báo Anh cung cấp.

Vào ngày 10 tháng 9 năm 1940, MI-5 tham vấn ý kiến của các Tham mưu trưởng quân đội về loại tin giả mà họ nên gửi cho Đức thông qua mạng lưới điệp viên kép ngày càng nở rộng. Họ nên giả vờ người Anh đang yếu hơn hay đã mạnh hơn? Đây rõ ràng là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và nhạy cảm: các điệp viên kép không chỉ cung cấp tin giả, hoặc Abwehr hoài nghi cho rằng mạng gián điệp đã bị thủng và tạo ra một mạng mới.

Các điệp viên kép sẽ được cung cấp một số dữ liệu mật và chính hãng để gửi lại Đức (đồng nghĩa người Đức sẽ nắm lợi thế và sinh mạng dân Anh sẽ gặp nguy hiểm hơn). MI-5 bí mật xin ý kiến của Thủ tướng về quan điểm của ông. Phản hồi của Churchill đã không được ghi lại bằng văn bản, nhưng đại loại thì ông đáp “rõ ràng đây là một thứ hóc búa và quý vị nên bám vào”. Phần lớn thì MI-5 cố gắng giới hạn việc trao thông tin thực cho các điệp viên kép và vì chúng thiếu chi tiết cụ thể để có tầm vóc giá trị quân sự lớn.

Cụ thể thì Abwehr hỏi các điệp viên rằng lưới phòng thủ của các thành phố Anh ra sao để đối phó với các cuộc oanh tạc. Và dĩ nhiên là các điệp viên kép không thể nói dối được. Tất cả những gì mà MI-5 có thể làm là cố gắng mập mờ nhất về những chi tiết họ gửi lại cho Đức và đồng thời không để đối phương sinh nghi. Lúc đầu nhiệm vụ cung cấp thông tin cho mạng lưới gián điệp Đức được thực hiện một cách đột xuất.


Điệp viên Juan Pujol Garcia (phải) với mật danh “Garbo” do MI-5 đặt, và mật danh “Arabel” do Đức Quốc xã đặt.

Điệp viên Garbo

Tới tháng Giêng năm 1941, MI-5 thành lập một thể chế chính thức gọi là “Ủy ban 20”, trong đó “20” là một cách chơi chữ của XX (số La Mã) tức chữ thập kép. Năm 1941, MI-5  tin rằng họ đang kiểm soát khoảng 80% các điệp viên Đức ở Anh.

Đầu năm 1942, ULTRA tại  Bletchley Park đã phá mã một số đoạn phát vô tuyến Đức giữa Madrid và Berlin. Họ phát hiện ra trạm Abwehr ở Tây Ban Nha đang gửi các báo cáo về những điều kiện chi tiết cùng các bố trận quân sự ở Anh cho tổng hành dinh, và được cho là đoạn vô tuyến được nhận bởi một điệp viên ĐQX cấp cao ở Anh. Ngay tức khắc người Anh nhận ra ngay rằng thông điệp trên là hàng giả, và nó không phải của họ.

Nguồn gốc của thông điệp vẫn là một bí mật suốt vài tháng cho đến khi một thanh niên 29 tuổi tên là Juan Pujol Garcia được xác định là một điệp viên MI-6 ở Lisbon. Pujol Garcia nói rằng vào tháng 7 năm 1941, ông đã thuyết phục đại sứ quán Đức ở Madrid tin rằng mình là một thành viên mật vụ của Tướng Francisco Franco được biệt phái tới Anh, và sẵn sàng chuyển các báo cáo cho họ.

Được Abwehr tuyển dụng nhưng Pujol Garcia không hề đến London như đã hứa mà bay thẳng tới Lisbon mua một cuốn sách hướng dẫn về Anh cùng một quyển sách công khai về hải quân hoàng gia Anh, rồi “sản xuất” ra 40 báo cáo hoàn toàn bịa đặt gửi cho Abwehr. Trong các báo cáo, Garcia tuyên bố rằng mình đã tuyển dụng hẳn một mạng điệp viên riêng.

Không cho rằng là đồ giả, Abwehr tin vào dữ liệu của Garcia. MI-5 cũng tuyển mộ Pujol Garcia và trao cho anh ta biệt danh Garbo (bởi cách giả nhiều vai giỏi như Greta Garbo). Vài năm sau đó, “Garbo” đã gửi hơn 300 báo cáo tình báo cho Đức, người Đức nhận thấy chúng toàn diện đến mức chả buồn gửi thêm điệp viên nào đến Anh nữa. Abwehr hoàn toàn mắc mưu người Anh.

Vai trò lớn nhất của điệp viên Garbo là trong Chiến dịch Fortitude, chiến dịch gây nhiễu thông tin của phe Đồng Minh trước sự kiện đổ bộ D-Day. Tháng Giêng năm 1944, Garbo nhận lệnh của Abwehr cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt về các hoạt động chuẩn bị cho việc xâm lược. Garbo đã gửi hàng trăm báo cáo, tất cả đều thuyết phục người Đức rằng nên đổ bộ quanh Calais thay vì Normandy.

Tuy nhiên, vào lúc 3 giờ sáng ngày 6 tháng 6 năm 1944, Garbo đã gửi thông điệp vô tuyến cho Abwehr rằng mình vừa khám phá ra rằng nên đổ bộ lên Normandy.  Thật sự thì không quân Đồng Minh đã đổ bộ lên bãi biển Normandy lúc 06:30 phút sáng. Vài ngày sau đó, Garbo đã thành công khi thuyết phục ĐQX rằng lực lượng Đồng Minh ở Anh lớn hơn 50% và cuộc đổ bộ Normandy chỉ là đòn đánh lạc hướng. Người Anh đã dùng xe tăng bơm hơi đặt trên những cánh đồng xứ Kent để cho máy bay trinh sát Đức có thể nhìn thấy nhằm hỗ trợ cho những báo cáo giả này.

Quân Đức đã mắc mưu khi để lại từ 15 đến 20 sư đoàn quanh Calais chờ đợi cuộc xâm lược chưa từng có này, thay vì phái họ tấn công các lực lượng đổ bộ của quân Anh, Mỹ và Canada ở Normandy. Ngày 29 tháng 7 năm 1944, trong một động thái ghi nhận sự “giúp đỡ” của Garbo đối với những nỗ lực chiến tranh Đức, đích thân Adolf Hitler đã trao tặng Huân chương chữ thập sắt cho Garbo. Mãi sau khi kết thúc chiến tranh, người Đức mới ngã ngửa nhận ra đã bị Garbo lừa nhiều vố đau điếng.

Năm 1949, sợ rằng các phần tử ĐQX còn sống sót sẽ báo thù mình, với sự giúp đỡ của MI-5, Garbo đã giả chết thành công. Sau đó, Garbo sang sống ở Nam Mỹ với một cái tên giả. Mãi tới năm 1984, cuộc đời và tên thật của Garbo mới được công chúng biết đến.

Theo CAND

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên