C4 – Niềm tự hào truyền thống Công an Bình Dương

Cập nhật: 29-04-2020 | 15:53:10

(BDO) Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là kết quả của quá trình đấu tranh trường kỳ, đầy gian khổ hy sinh, nhưng cũng rất tự hào của toàn Ðảng, toàn quân và nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc ở những thập niên cuối của thế kỷ XX. Trên trận tuyến của mình, lực lượng Công an nhân dân nói chung và Công an tỉnh Bình Dương nói riêng đã có sự đóng góp xứng đáng để xây dựng miền Bắc thành hậu phương vững chắc, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà... 


Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh thường xuyên tổ chức các hoạt động ý nghĩa tại Khu tưởng niệm căn cứ Bàu Gốc (xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên) để giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ

Thực hiện Hiệp định Geneve, phần lớn cán bộ, chiến sĩ Công an miền Nam chuyển quân tập kết ra Bắc, tổ chức Công an tạm giải thể, số cán bộ được bố trí ở lại tùy điều kiện mà hoạt động bí mật, hợp pháp hoặc bán hợp pháp; làm công tác địch tình, binh vận trong điều kiện kẻ thù thi hành các chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” hết sức dã man để trấn áp phong trào cách mạng.

Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, vùng giải phóng ngày càng mở rộng, yêu cầu chống do thám, gián điệp, bảo vệ vùng giải phóng, vùng căn cứ là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết. Tháng 7-1960, Xứ ủy Nam bộ ra Chỉ thị 01 “Thành lập Ban bảo vệ an ninh Xứ ủy và các cấp”. Thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ, giữa năm 1961, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một quyết định chọn những cán bộ Công an cũ trong Ban địch tình, binh vận thành lập Ban bảo vệ an ninh tỉnh. Cũng thời gian này, Tỉnh ủy họp đánh giá tình hình và ra nghị quyết xác định nhiệm vụ: Động viên mọi lực lượng của tỉnh, tạo thế mới, lực mới, củng cố vùng giải phóng, xây dựng căn cứ chiến đấu, xã chiến đấu; bung mạnh ra vùng yếu, phá thế kìm kẹp của địch; tổ chức và xây dựng lực lượng quân sự, chính trị, binh vận; phát động quần chúng rút tân binh phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng thực lực cách mạng, tiến lên giành thắng lợi cao hơn, quyết tâm đánh bại những thủ đoạn mới của địch trên chiến trường của tỉnh. Với  hệ thống tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, các đoàn thể cách mạng của tỉnh được hình thành, lấy phiên hiệu từ C1 đến C10, trong đó C4 là phiên hiệu của Ban An ninh tỉnh Thủ Dầu Một, tiền thân Công an tỉnh ngày nay.      


Các chiến sĩ C4 trong ngày họp mặt truyền thống

Theo lịch sử Công an tỉnh, lực lượng C4 được thành lập, do đồng chí Trương Văn Rê (Hai Kiên) - Thường vụ Tỉnh ủy, kiêm phụ trách. Lúc mới thành lập, C4 chỉ có vài đồng chí ở căn cứ rừng Trảng Lớn, ấp 4 xã Long Nguyên, huyện Bến Cát. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Trung ương Cục chọn căn cứ Long Nguyên của C4 làm điểm mở trường huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ An ninh các tỉnh miền Đông và Đặc khu Sài Gòn - Gia Định. 

Sau thời gian ngắn được đào tạo về đường lối, nhiệm vụ, phương châm, chuyên môn, nghiệp vụ do lãnh đạo Trung ương Cục hướng dẫn, Ban An ninh tỉnh đề xuất Tỉnh ủy chủ trương rút số cán bộ cơ sở từ Chi ủy đến Bí thư xã, số anh em du kích, thanh niên tiên tiến tiếp tục mở nhiều lớp huấn luyện ngắn ngày để bổ sung cho lực lượng An ninh từ tỉnh đến huyện, xã và nhờ đó lực lượng C4 nhanh chóng được củng cố, xây dựng và phát triển; trong thời gian ngắn đã hình thành các bộ phận: Văn phòng, Bảo vệ chính trị, Điệp báo, Trại giam và Sản xuất...

Tháng 8-1963, Ban An ninh tỉnh được tăng cường lực lượng. Đồng chí Nguyễn Chí Thành (tự Ba Dè) sau thời gian tập kết ra Bắc học tập được Bộ Công an chi viện về làm Trưởng ban An ninh tỉnh thay đồng chí Hai Kiên. Thực hiện chỉ thị của Thường vụ Trung ương Cục về tăng cường công tác an ninh trong đấu tranh chống do thám, gián điệp, Ban An ninh tỉnh tiến hành củng cố tổ chức, phát triển công tác điệp báo và quyết định thành lập Tiểu đội Trinh sát vũ trang có 16 đồng chí. Tiểu đội chia làm 2 bộ phận: Bộ phận bảo vệ căn cứ và bộ phận bảo vệ Văn phòng Ban An ninh tỉnh có nhiệm vụ diệt ác, phá kìm, chống địch càn quét, bảo vệ an ninh vùng giải phóng, bảo vệ lãnh đạo, làm công tác vận tải khi cần.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (từ năm 1961-1967), gắn liền công tác xây dựng và phát triển lực lượng, An ninh Bình Dương từ tỉnh đến huyện, xã cũng từng bước trưởng thành, đã xây dựng các phương án, kế hoạch đấu tranh bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, biệt kích, bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng, lập nên những chiến công tiêu biểu, như: Xây dựng hệ thống cơ sở hoạt động hiệu quả trong các cơ quan đầu não của địch như Sở Mật vụ Sài Gòn, Ty Cảnh sát Bình Dương, Văn phòng quận Bến Cát, Dầu Tiếng; phá tan hệ thống ấp chiến lược trên địa bàn tỉnh với nhiều ấp chiến lược kiểu mẫu bậc nhất của miền Nam; triệt phá, bóc gỡ nhiều hoạt động nội gián của địch; bắt và tiêu diệt hàng trăm tên ác ôn, tình báo, gián điệp, mật báo viên gây nhiều nợ máu với nhân dân; góp phần bẻ gãy hàng trăm cuộc hành quân, càn quét lớn, nhỏ của địch, điển hình là 2 trận càn đẫm máu “Xê-đa-phôn” và “Ma-hát-tan” (năm 1966-1967), bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng, bảo vệ an toàn các cơ quan, ban ngành và cán bộ lãnh đạo của ta. 

Chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, ngày 25-10-1967, Trung ương Cục miền Nam quyết định tổ chức lại chiến trường, giải thể các tỉnh miền Đông, thành lập 5 phân khu, hình thành các mũi tiến công Sài Gòn. Ban An ninh 2 tỉnh Phước Thành và Thủ Dầu Một hợp nhất thành Ban An ninh Phân khu V. Đồng chí Nguyễn Chí Thành, Thường vụ Phân khu ủy làm Trưởng ban An ninh phân khu. Tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Ban An ninh Phân khu V vừa bảo vệ bí mật tuyệt đối chiến dịch, vừa phối hợp các lực lượng vũ trang chia thành nhiều mũi tấn công vào các cứ điểm quan trọng của địch như Thành Công binh, Tòa Hành chính, chiếm giữ từ 1 giờ khuya đến 8 giờ sáng. Ở các huyện, thị, lực lượng an ninh bám sát địa bàn, hướng dẫn quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm, tấn công bộ máy kìm kẹp tiêu hao nhiều sinh lực địch. Sau chiến dịch Mậu Thân, địch tập trung binh lực, khí tài phản kích tái chiếm lại các vùng giải phóng, tái lập các ấp chiến lược, tái bình định nông thôn, cắt đứt các nguồn tiếp tế lương thực, thuốc men của ta. Một lần nữa lực lượng An ninh theo sát cấp ủy Đảng, bám trụ, bám dân, bám chiến trường, chịu đựng gian khổ, đói khát, hy sinh bảo vệ Đảng, bảo vệ thành quả của cách mạng; tiếp tục luồn sâu vào vùng địch, diệt ác, trừ gian, xây dựng cơ sở cách mạng, giữ vững lòng tin của dân. Từ năm 1969-1972: Ban An ninh Phân khu V quần nhau với biệt kích Mỹ, phải di chuyển cơ quan, dời căn cứ hàng chục lần khắp các nơi trong rừng Chiến khu Đ, như: Bàu Sắn, Mã Đà, suối Rạt, suối Đá Chẹt, đồi Không Tên, suối Cây Sung, suối Rập... Tháng 11-1972, cấp trên có quyết định giải thể các phân khu, thành lập lại tỉnh, Ban An ninh phân khu V đổi thành Ban An ninh tỉnh Thủ Dầu Một.

Sau khi Hiệp định Pa-ris được ký kết tháng 1-1973, được sự chỉ đạo của Trung ương Cục và Tỉnh ủy, Ban An ninh tỉnh một mặt tăng cường củng cố, xây dựng lực lượng, mặt khác đẩy mạnh tấn công trấn áp bọn ác ôn, do thám, gián điệp, biệt kích, bảo vệ an toàn vùng giải phóng và vùng căn cứ; diệt trừ các tên ác ôn, thám báo gây nhiều nợ máu với nhân dân, tạo ra khí thế phấn khởi trong quần chúng, đưa phong trào cách mạng ngày một dâng cao.

Ngay sau khi có quyết định của Bộ Chính trị về chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định ngày 14-4-1975 mang tên chiến dịch Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Thủ Dầu Một thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương và phân công Ban An ninh tỉnh chiếm lĩnh các mục tiêu quan trọng tại thị xã: Tòa Hành chính, Tòa án, Khám đường, Nhà Việc Phú Cường, Ty Cảnh sát Bình Dương. Từ ngày 20 đến 26-4-1975, Ban An ninh tỉnh mở nhiều cuộc họp nhằm xây dựng kế hoạch tấn công chiếm lĩnh tỉnh lỵ Thủ Dầu Một bằng 3 mũi giáp công. Bằng sức mạnh tổng hợp giữa tiến công và nổi dậy, đúng 10 giờ ngày 30-4-1975, lực lượng An ninh tỉnh (C4) chiếm lĩnh các mục tiêu trọng yếu ở TX.Thủ Dầu Một, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất  nước nhà.       

Phát huy truyền thống 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua 15 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng An ninh Thủ Dầu Một đã lập thêm những chiến công mới, tạo nên truyền thống rất đáng tự hào. Đạt được thành tựu cách mạng to lớn đó là nhờ sự vận dụng đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Qua đó khẳng định rằng: Được Đảng trực tiếp lãnh đạo, chính quyền chỉ đạo điều hành, nhân dân đùm bọc, giúp đỡ, sự phối hợp của các ban ngành đoàn thể, sự kề vai sát cánh hợp đồng chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, lực lượng An ninh C4 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó. 

Với những thành tích lớn lao trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Công an tỉnh Bình Dương nói chung vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 5 tập thể, gồm: Đội An ninh vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một, Tiểu ban Bảo vệ chính trị tỉnh Thủ Dầu Một, Ban An ninh huyện Bến Cát, Ban An ninh huyện Tân Uyên  và Đội Trinh sát vũ trang Ban An ninh huyện Dầu Tiếng; 2 cá nhân anh hùng gồm đồng chí Trần Thị Hường (Hai Hường) nguyên Trưởng ban An ninh huyện Tân Uyên, liệt sĩ Nguyễn Văn Ca (Sáu Tấn), nguyên Trưởng ban An ninh huyện Bến Cát; có 375 liệt sĩ, 42 bà mẹ Việt Nam anh hùng có con là liệt sĩ Công an; trong đó 4 mẹ có 2 con là liệt sĩ Công an hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ...

Qua 45 năm kể từ ngày miền Nam giải phóng, đất nước hoàn toàn thống nhất, phát huy truyền thống, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh lãnh đạo toàn lực lượng Công an tỉnh đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai, thực hiện có hiệu quả các chủ trưởng của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an về công tác bảo đảm an ninh trật tự, phát huy mạnh mẽ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần quan trọng trong khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển nhanh, nhất là trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, trở thành là một trong những địa phương tiêu biểu trong thời thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển các khu cụm, công nghiệp...

Trong tình hình mới, đối với công tác bảo đảm an ninh quốc gia, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Công an các huyện, thị, thành phố đã phát huy tinh thần an ninh chủ động, kịp thời nắm tình hình và tham mưu giải quyết tốt các vấn đề phát sinh trong các khu công nghiệp, các vụ khiếu kiện, đình công trái luật không để diễn biến phức tạp; gắn kết, phối hợp tốt với các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, xây dựng phong trào tự quản, tự phòng, xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng người có đạo; phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ có hành vi xâm phạm an ninh quốc gia; làm tốt công tác bảo vệ an ninh kinh tế, nội bộ, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương. 

Trong công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, tuy tình hình tội phạm luôn diễn biến phức tạp, nhưng các lực lượng nghiệp vụ đã phối hợp ra quân tấn công tội phạm, triệt xóa, không để hình thành các băng nhóm tội phạm, điểm cờ bạc, mại dâm... giữ gìn sự trong sạch cho địa bàn. Công tác điều tra, xử lý án đạt tỷ lệ cao, trong đó án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng luôn đạt trên 90%, không để ra oan sai, vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng với tính chất nghiêm trọng. Nhiều băng nhóm tội phạm, vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người, hành vi thủ đoạn đối tượng manh động, tinh vi nhưng đã được khám nhanh, tạo được niềm tin, sự khen ngợi của nhân dân.

Đánh giá kết quả đạt được, cho thấy cán bộ, chiến sĩ rất quyết tâm giữ gìn sự trọng sạch cho địa bàn phụ trách, chưa phát hiện trường hợp nào có biểu hiện tiêu cực, bảo kê cho tội phạm, coi trọng việc phòng ngừa xã hội, phát huy các mô hình tự quản, tự phòng trong phòng chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự. Các đơn vị đã quản lý chặt địa bàn, đối tượng trọng điểm, chất lượng công tác nghiệp vụ được nâng lên; xử lý tốt tố giác, tin báo về tội phạm từ nhân dân. Các mặt công tác khác thuộc hệ thống cơ quan điều tra, thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã phục vụ tốt cho công tác phòng chống tội phạm. 

Công tác quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội như quản lý nhân hộ khẩu, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông chuyển biến tích cực theo hướng cải tiến mạnh về lề lối, tác phong làm việc, không để phiền hà cho nhân dân; tình hình tai nạn giao thông đường kiềm giảm cả ba tiêu chí trước tình hình phát triển khá năng động, với lượng người và phương tiện giao thông tăng nhanh.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng, hậu cần - kỹ thuật tập trung theo hướng tăng cường cho lực lượng trực tiếp chiến đấu hướng về cơ sở, xây dựng tác phong, lề lối làm việc khoa học, văn minh, tận tụy, với tinh thần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chấp hành nghiêm điều lệnh; xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ...

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi xa vào quá khứ, nhưng truyền thống cách mạng của quê hương Bình Dương trong đó có những đóng góp xứng đáng của các chiến sĩ An ninh Bình Dương - C4 luôn vẫn mãi rạng ngời, là niềm tự hào của thế hệ hôm nay. Cứ mỗi dịp tháng tư về, hào khí cách mạng, tinh thần chiến đấu hy sinh của cha anh lại trào dâng trong mỗi người con đất Việt. Vui hưởng thanh bình, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Bình Dương không chỉ trân trọng, giữ gìn truyền thống tốt đẹp, mà dù bất cứ hoàn cảnh cũng đã ra sức rèn luyện, lao động, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của cha anh để giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc.

THANH LÂM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên