Các giải pháp để phát triển bền vững làng nghề truyền thống

Cập nhật: 19-03-2015 | 16:57:28

(BDO) Trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang bùng nổ, sản phẩm của các làng nghề truyền thống chịu sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường. Tuy vậy, sản phẩm do một số làng nghề truyền thống làm ra vẫn được thị trường chấp nhận. Vì vậy, việc tìm giải pháp để phát triển bền vững các làng nghề truyền thống là cần thiết…

 

 

Sản phẩm của các làng nghề truyền thống hiện vẫn được thị trường chấp nhận. Trong ảnh: Một gian hàng chuyên bán các sản phẩm của làng nghề truyền thống

 

Nguyên nhân

Xuất phát từ những khó khăn và thách thức của làng nghề truyền thống trong quá trình cạnh tranh với các mặt hàng công nghiệp trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, vấn đề bức thiết đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, đủ sức cạnh tranh để tiếp tục tồn tại và phát triển. Khó khăn của các làng nghề truyền thống hiện nay là nguồn vốn đầu tư cho sản xuất còn hạn chế, trong khi đó nguồn vốn vay còn khó, số lượng vay không nhiều, cùng với thủ tục hành chánh rườm rà cũng tạo tâm lý e dè cho các hộ sản xuất. Khó khăn tiếp theo là thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định dẫn đến quá trình sản xuất cũng bị động, mang tính cầm chừng nên các hộ sản xuất không mạnh dạn đầu tư. Nguồn nhân lực cũng đang là một bài toán khó đối với các làng nghề truyền thống. Đa phần người lao động chọn làm công nhân ở các xí nghiệp vì có nguồn thu nhập ổn định mà yếu tố công việc không đòi hỏi sức khỏe, ít nặng nhọc, độc hại...

Chính vì những lý do nêu trên mà các làng nghề truyền thống thời gian qua đã gặp không ít khó khăn và thách thức trong việc bảo tồn và phát triển. Do vậy, việc đề xuất các giải pháp thiết thực và hiệu quả để giúp các làng nghề truyền thống vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển và đóng góp cho đất nước là một nhiệm vụ quan trọng.

Hướng đề xuất

Xây dựng quy hoạch tổng thể: Xây dựng quy hoạch tổng thể các làng nghề truyền thống là rất quan trọng nhằm góp phần định hướng hướng phát triển phù hợp cho mỗi làng nghề. Đối với những ngành nghề có tiềm năng, đang mở rộng thị trường cũng cần có hướng đầu tư phù hợp để nâng cao vị thế và sức cạnh tranh. Việc quy hoạch các làng nghề truyền thống còn nhằm xây dựng làng nghề theo hướng quy hoạch phục vụ sản xuất, phục vụ du lịch hoặc vừa phục vụ sản xuất vừa phục vụ du lịch.

Xây dựng vùng nguyên liệu ổn định: Đối với những nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp, trong điều kiện diện tích đất phục vụ cho sản xuất nguyên liệu ngày càng thu hẹp cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại để tăng năng suất sản xuất nguyên liệu. Các làng nghề nên ký kết hợp đồng với đối tác, trong đó ràng buộc những điều khoản cụ thể, rõ ràng để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về số lượng và giá cả.

Tìm kiếm thị trường tiêu thụ: Đây là giải pháp quan trọng nhất để bảo tồn và phát triển làng truyền thống. Để tìm được đầu ra cho sản phẩm thì các làng nghề truyền thống cần phải biết kết hợp một cách hợp lý giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, áp dụng một phần công nghệ vào một số công đoạn của quá trình sản xuất, đồng thời vẫn phải kế thừa kinh nghiệm trong quy trình chế tác ở những công đoạn thể hiện sự tinh xảo, nét đặc trưng của sản phẩm. Từ đó có thể sản xuất ra sản phẩm nhanh hơn, mẫu mã phong phú hơn, giá thành rẻ hơn nhưng vẫn giữ được nét tinh xảo, đặc trưng truyền thống. Song song đó, các làng nghề cần chú trọng việc khuếch trương thương hiệu, quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng bằng nhiều kênh thông tin khác nhau.

Xây dựng nguồn nhân lực: Thực tế hiện nay tại các làng nghề truyền thống là đang thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là thợ lành nghề, thợ tạo mẫu. Lao động làng nghề nhìn chung vừa thiếu vừa yếu, trong khi các nghệ nhân tâm huyết với nghề thì ngày càng già yếu và ít dần, lực lượng lao động trẻ lại không thiết tha với nghề. Từ đó, tạo sự hẫng hụt nguồn nhân lực kế cận cả về số lượng cũng như chất lượng.

Phát triển gắn với bảo vệ môi trường: Đối với những làng nghề ít gây ô nhiễm môi trường như đan lát mây tre thì vẫn có thể sản xuất, kinh doanh ở hộ gia đình. Đối với một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường trong một số khâu nhất định cần di dời những khâu trong chuỗi công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Đối với những làng nghề truyền thống gây ô nhiễm môi trường nặng nề thì cần hình thành các cụm công nghiệp tập trung để bố trí làng nghề. Song song đó, chính quyền cần phải có chương trình hỗ trợ xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm cho các làng nghề, trong điều kiện ngân sách hạn chế, cần thực hiện theo phương châm nơi nào gây ô nhiễm môi trường nặng nề hơn thì được ưu tiên hỗ trợ trước.

Phát triển gắn với du lịch: Phát triển du lịch làng nghề góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền. Đây là bước đi khôn khéo vì không chỉ mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà quan trọng hơn là còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề.

Các chính sách hỗ trợ: Cùng với các giải pháp nói trên, Nhà nước cần có chính sách thông thoáng để các cơ sở sản xuất có tiềm năng phát triển nhưng thiếu vốn dễ tiếp cận nguồn vốn như có cơ chế cho vay ưu đãi, ưu đãi thuế… Mặt bằng sản xuất cũng đang là một khó khăn mà các làng nghề truyền thống muốn mở rộng quy mô sản xuất đang gặp phải. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách giao đất, hợp đồng cho thuê đất để các cơ sở sản xuất ở làng nghề truyền thống có thể mở rộng quy mô. Song song đó, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống tiếp cận được các thông tin về công nghệ, khoa học - kỹ thuật, thị trường; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các làng nghề tham gia hội chợ, triển lãm, hội thảo… để họ tự tiếp cận thông tin.

Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống là việc làm có ý nghĩa và rất cần thiết. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của mỗi làng nghề truyền thống, rất cần sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước, chính quyền và các tổ chức xã hội. Nếu thực hiện được các giải pháp nêu trên, chắc chắn các làng nghề truyền thống sẽ tìm được cơ hội mới để tiếp tục phát triển.

NGUYỄN NHƯ UYÊN

     (Đại học Văn hóa TP.HCM)

 

         

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên