Cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh: Chú trọng tuyên truyền, bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Cập nhật: 18-03-2015 | 11:18:14

Tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 diễn biến bình thường. Song, các phương tiện vi phạm trật tự ATGT vẫn còn xảy ra, tập trung chủ yếu ở các lỗi như: Vận chuyển hàng hóa quá vạch mớn nước, không sơn vạch dấu mớn nước, không bố trí đủ thuyền viên, không trang bị đủ số lượng bình chữa cháy… Với những tồn tại này, Đội Cảnh sát đường thủy (CSĐT), Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh Bình Dương đã quyết tâm đề ra nhiều giải pháp đồng bộ sát với thực tế để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT đường thủy của các chủ phương tiện, bến bãi…

Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức phát áo phao cho các chủ bến
đò ngang
. Ảnh: H.BÌNH

Tổ chức tuyên truyền trực tiếp

Trung tá Tống Minh Sơn, Đội trưởng Đội CSĐT, Phòng CSGT Công an tỉnh chia sẻ: “Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên trong công tác bảo đảm trật tự ATGT và trật tự xã hội, chúng tôi đã tổ chức triển khai lực lượng, phương tiện thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương triển khai đồng bộ có hiệu quả trên các mặt công tác như tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự ATGT, tuyên truyền, vận động người dân… chấp hành tốt Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ngoài ra, đơn vị còn chủ động thu thập thông tin, tài liệu phục vụ điều tra cơ bản; nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trên đường thủy. Trong đó, tập trung vào các hành vi khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa không hóa đơn chứng từ…”.

Lực lượng cảnh sát đường thủy thường xuyên tuần tra kiểm soát nhằm bảo đảm an toàn giao thông trên sông nước. Ảnh: H.BÌNH

Trong số các giải pháp được triển khai để bảo đảm trật tự ATGT đường thủy, Đội CSĐT chú trọng nâng cao công tác tuyên truyền và nội dung bám sát thực tế. “Việc tuyên truyền pháp luật ATGT ở đường thủy khác với công tác tuyên truyền ở đường bộ nên cán bộ khi làm nhiệm vụ phải hết sức linh động để đưa công tác tuyên truyền gắn với từng đối tượng”, trung tá Tống Minh Sơn cho biết. Theo đó, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng CSĐT lồng ghép tuyên truyền, vận động nhân dân đi đò, các chủ bến đò ngang chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa và trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh, cứu đắm. Trong đợt thực hiện cuộc vận động của Ủy ban ATGT quốc gia về “người đi đò phải mặc áo phao”, lực lượng CSĐT đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho hàng ngàn lượt người đi đò, những người sống trên sông nước và ven sông… Bên cạnh đó, lực lượng làm nhiệm vụ còn chú trọng vận động các chủ bến đò ngang ngoài việc trang bị đầy đủ áo phao cho người đi đò thì nên trang bị thêm dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay để thuận tiện cho khách đi đò.

Đánh giá về tính hiệu quả của khía cạnh trên, trung tá Tống Minh Sơn, chia sẻ thêm: “Qua ghi nhận thực tế, có không ít khách đi đò còn e ngại mặc áo phao. Nguyên nhân do áo phao không được vệ sinh, cũ, ẩm mốc… nên việc chúng tôi vận động chủ đò trang bị thêm dụng cụ nổi cứu sinh cầm tay là điều hợp lý. Không những tổ chức vận động các chủ đò, chúng tôi còn cho ký cam kết thực hiện, qua đó đa số các chủ bến đò ngang hiện nay đều chấp hành tốt các quy định về ATGT”. Chị Nguyễn Minh Nguyệt, một người dân thường đi đò ngang cho biết: “Xét về mặt thực tế thì rõ ràng dụng cụ nổi cầm tay là rất cơ động, gọn và vệ sinh nên khi qua đò bà con đều tự nguyện chấp hành tốt hơn so với việc mặc áo phao. Mong sao tất cả các chủ bến đò đều chú trọng trang bị đầy đủ dụng cụ nổi cầm tay, nếu chẳng may xảy ra sự cố thì sẽ tránh được hậu quả xấu”.

Tăng cường tuần tra kiểm soát, phòng chống tội phạm

“Nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT đường thủy trong thời gian tới là hết sức nặng nề nên cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phải nỗ lực hết mình. Trong đó, chúng tôi sẽ tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp phương tiện thủy vi phạm các lỗi là nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông; tăng cường kiểm tra các bến đò ngang. Ngoài ra, đơn vị còn chuẩn bị phương tiện và trang thiết bị sẵn sàng khi có tình huống mưa, bão, lũ, lụt xảy ra…”.

Trung tá Tống Minh Sơn, Đội trưởng Đội CSĐT, Phòng CSGT Công an tỉnh. 

Để chủ động nắm chắc tình hình, phục vụ tốt công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên các tuyến đường thủy, Đội CSĐT thường xuyên tổ chức tuần tra kiểm soát, kiểm tra các hộ dân sinh sống trên các tuyến sông để quản lý địa bàn nhằm phát hiện các loại tội phạm lợi dụng địa hình sông nước để hoạt động; thường xuyên kiểm tra các phương tiện neo đậu trên sông, những người sinh sống, hành nghề trên sông nhằm kịp thời phát hiện các đối tượng phạm tội đang bị truy nã. Đáng chú ý, trong đợt thực hiện phương án của Cục Cảnh sát giao thông - Thủy đoàn 3 về tăng cường thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự ATGT và trật tự xã hội bảo vệ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015; ý kiến chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, lãnh đạo Phòng CSGT về đấu tranh, xử lý các đối tượng sử dụng xung kích điện đánh bắt thủy sản, Đội CSĐT đã kịp thời bắt giữ nhiều trường hợp vi phạm. Điển hình vào khoảng 14 giờ ngày 9-3, Đội CSĐT đã bắt giữ Lương Ngọc Tú (SN 1981, ngụ xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) đang sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản ven sông Sài Gòn, đoạn thuộc phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một. Tại hiện trường, lực lượng đã tiến hành lập biên bản về hành vi sử dụng kích điện để khai thác thủy sản, tạm giữ 1 bộ kích điện và 1 bình ắc-quy.

Trước đó, qua công tác tuần tra, lực lượng CSĐT cũng đã phát hiện và bắt giữ 2 trường hợp sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản ven sông Sài Gòn, đoạn thuộc phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một. Lực lượng đã lập biên bản tạm giữ các phương tiện vi phạm của Nguyễn Văn Lộc (SN 1972, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) và Nguyễn Minh Sơn (SN 1972, ngụ phường Tân An, TP.Thủ Dầu Một).

Ngoài việc tổ chức tốt công tác bảo đảm trật tự ATGT và trật tự xã hội trên tuyến đường thủy nội địa, thời gian qua, Đội CSĐT còn làm tốt công tác phối hợp với các phòng nghiệp vụ khác của Công an tỉnh trong việc tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi trên địa bàn tỉnh. Qua đó đã phát hiện 12 trường hợp vi phạm, trong đó có 4 vụ khai thác cát trái phép.

HOÀNG HÙNG - HUY BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên