Các bệnh ngoài da dễ mắc

Cập nhật: 05-01-2013 | 00:00:00

Để phòng ngừa các bệnh ngoài da nói chung, chúng ta cần thay đổi quần áo hàng ngày, tránh mặc đồ ẩm; lau thật khô sau khi tắm, nếu có thể thì quạt khô vùng da nách, bẹn; nhớ thay vớ mỗi ngày và nên mang vớ có chất liệu cotton thay vớ len tổng hợp

(Phòng chăm sóc da Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - TP.HCM)

Trong điều kiện thời tiết mùa đông giá lạnh và ẩm thấp như dịp trước Tết Nguyên đán ở các tỉnh miền Bắc, miền Trung, nếu sinh sống ở đó hoặc từ miền Nam ra, chúng ta thường mắc một số bệnh nấm ngoài da. Những bệnh này do vi nấm gây ra và nếu biết cách thì thực ra cũng không quá khó để phòng ngừa. Tiêu biểu nhất là các bệnh sau đây:

  - Nấm bẹn: Thường xuất hiện vào những dịp chúng ta hay đổ mồ hôi nhiều hoặc mặc đồ ẩm ướt sau khi đi ngoài mưa về. Sang thương thường ở nếp gấp hai bên đùi với các đốm tròn, rìa có mụn nước, vùng trung tâm ít mụn nước hơn. Ban đầu, nấm xuất hiện từ một bên bẹn rồi sẽ lan dần sang bẹn bên kia, sau đó lan đến mông, thắt lưng. Nam thường bị nấm bẹn nhiều hơn nữ, người lớn dễ bị hơn trẻ em. Khi da ẩm ướt, người bệnh thường sẽ có cảm giác ngứa nhiều hơn.

- Nấm thân: Bệnh này có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi với nhiều biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào cơ địa mỗi người và chủng nấm; sang thương cũng có kích thước, độ nặng và độ sâu khác nhau. Các mảng đỏ nấm giới hạn rõ hình tròn, bầu dục, có mụn nước ở rìa và sẽ ngứa nhiều khi da đổ mồ hôi hoặc ở ngoài trời nắng.

- Nấm chân: Ít gặp ở nữ nhưng thường gặp ở nam hay mang vớ bẩn và ẩm ướt. Dấu hiệu thường gặp là tróc vẩy khô, mụn nước, viêm kẽ các kẽ ngón chân (hình trên) và nếu không điều trị thì dễ bị bội nhiễm vi khuẩn có mụn mủ, sưng tấy bàn chân, nổi hạch háng và sốt.

- Nấm móng (hình dưới): Biểu hiện bằng bề mặt móng chân (thường gặp ở ngón cái) lỗ chỗ, nhiều đường rãnh, bên dưới móng có nhiều bột vụn và có hoặc không có viêm quanh móng, ấn vào đôi lúc thấy có mủ chảy ra. Bệnh lan từ móng này sang móng kia, bắt đầu đầu từ 2 cạnh bên của móng hoặc hư từ trung tâm móng trở ra khiến móng mất bóng, giòn, dày lên và màu bẩn. Bệnh này thường sẽ tiến triển trong thời gian dài khiến chúng ta không để ý.

Để phòng ngừa các bệnh ngoài da nói chung trong mùa đông, chúng ta cần thay đổi quần áo hàng ngày, tránh mặc đồ ẩm; lau thật khô sau khi tắm, nếu có thể thì quạt khô vùng da nách, bẹn; nhớ thay vớ mỗi ngày và nên mang vớ có chất liệu cotton thay vớ len tổng hợp; mang giày, quần áo vừa vặn tránh mang quá chặt; nếu đã mắc bệnh thì không tắm giặt chung, mặc chung quần áo với người chưa bị; ủi mặt trái quần áo để tránh tái phát; tránh đi chân không; tránh dùng corticoid bừa bãi; diệt nấm ở giày bằng hơi formol...

Một số lưu ý trong điều trị

Bệnh do vi nấm gây ra thì chúng ta sẽ thấy rõ ràng khi xem dưới kính hiển vi, nếu nhận biết đúng và điều trị đúng cách thì bệnh sẽ hết rất nhanh chóng. Muốn điều trị thì bôi thuốc kháng nấm lên sang thương (có thể dùng thuốc mỡ, kem, dung dịch, dung dịch tắm, dung dịch gội...); trong trường hợp nặng thì cần uống thêm thuốc kháng nấm. Để phòng bệnh tái phát thì nên bôi, tắm, gội thuốc kháng nấm thêm 1 tuần khi bệnh đã khỏi.

Thạc sĩ - bác sĩ CK2 NGUYỄN VĂN ÚT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=643
Quay lên trên