Các cấp hội nông dân: Đồng hành hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

Cập nhật: 27-10-2014 | 08:06:57

Những năm qua, các cấp hội nông dân (HND) trong tỉnh luôn tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động, tuyên truyền, tập hợp nông dân thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, nông dân trong tỉnh đã nhanh chóng thích ứng với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiếp cận với các mô hình sản xuất mới, mạnh dạn đầu tư ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, giống mới vào sản xuất nông sản để vươn lên ổn định cuộc sống.

 Mô hình trồng lan của ông Nguyễn Thanh Hà được nhiều người quan tâm, đến học hỏi Ảnh: Q.NHIÊN

  Nhiều điển hình

Theo chân cán bộ HND xã Vĩnh Hòa, chúng tôi đến thăm vườn lan rộng hơn 2.000m2 của gia đình ông Nguyễn Thanh Hà, hội viên HND xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo. Năm 2010, ông Hà bắt đầu trồng lan với suy nghĩ trồng để chơi là chính. Về sau nhận thấy vườn lan sinh lợi nhuận cao nếu đầu tư đúng cách và nắm được kỹ thuật trồng nên ông đã quyết định đầu tư để kinh doanh lan. Sau 4 năm đầu tư, hiện nay diện tích trồng lan của gia đình ông rộng trên 2.000m2 với khoảng 6.000 gốc lan các loại, phần nhiều là lan Mokara.

Là người ham học hỏi nên mỗi khi HND tỉnh, huyện tổ chức hội thảo, tập huấn về kỹ thuật trồng lan ông Hà đều đăng ký tham gia. Không chỉ vậy, ông còn chịu khó trao đổi, chia sẻ với các thành viên trong Hội Hoa lan, cây cảnh tỉnh; tham quan học tập ở nhiều vườn lan khác để đúc kết kinh nghiệm cho bản thân. Nhờ đầu tư bài bản và trồng đúng cách, vườn lan cho gia đình ông thu nhập ổn định. Ông Hà cho biết, có được thành công này chính là nhờ sự hỗ trợ rất lớn của HND. “Qua các lớp tập huấn của hội, tôi thấy mình trưởng thành lên rất nhiều”, ông Hà chia sẻ.

Anh Lê Khắc Ngãi ở xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng là một trong những nông dân được tiếp cận nguồn vốn từ HND đã thành công từ việc đầu tư trồng nấm. Trên diện tích 160m2, trại của anh được đầu tư khoảng 12.500 bịch nấm bào ngư. Nhờ bố trí hợp lý, trại nấm của anh có thể khai thác sản lượng trên dưới 30kg mỗi ngày, giá thành thu mua hiện nay khoảng 40.000 đồng/kg. Anh Ngãi cho biết, kỹ thuật trồng nấm khá đơn giản, chỉ cần bố trí phôi phù hợp, cân bằng ánh sáng, độ ẩm; đặc biệt anh không sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào. Chính vì vậy, nấm anh làm ra tiêu thụ rất nhanh. Theo anh Ngãi, đa số nấm trên thị trường hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc. Do vậy việc phát triển nghề trồng nấm trong nước, bảo đảm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm là điều cần thiết.

Luôn đồng hành cùng nông dân

Có thể thấy, ngoài việc mỗi hộ nông dân chủ động tìm kiếm mô hình nông nghiệp phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, kinh phí thì sự hỗ trợ của các cấp HND là rất lớn. Các cấp hội thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, theo dõi và kịp thời giúp đỡ những khó khăn cho nông dân. Những mô hình mới, cách làm hay, những tấm gương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi được khen thưởng kịp thời đã tạo động lực để bà con tiếp tục phấn đấu, vươn lên làm giàu.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Chủ tịch HND huyện Phú Giáo cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2014, HND huyện đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 121 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; cùng Trạm Khuyến nông đã tổ chức cho bà con nông dân đi tham quan, học tập những mô hình làm nông nghiệp có hiệu quả ở các tỉnh lân cận và nhiều hoạt động khác. Nhiều gia đình đã biết tận dụng đất đai, áp dụng vào sản xuất có hiệu quả.

Đến nay, HND tỉnh đã ủy thác nguồn vốn cho HND các cấp 14 tỷ đồng nhằm nâng cao hoạt động hỗ trợ nông dân. Ông Lâm Văn Hòa, Phó Chủ tịch HDN tỉnh cho biết, từ kết quả ban đầu của các mô hình sử dụng vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân cho thấy, tuy nguồn vốn chưa nhiều (từ 15 - 30 triệu đồng/hộ) nhưng đã tạo điều kiện cho hội viên nông dân xây dựng và nhân rộng những mô hình phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch kinh tế nông thôn. Ngoài ra, hầu hết hộ được vay vốn đều tự nguyện tham gia đóng góp Quỹ hỗ trợ nông dân do cấp xã vận động từ 50.000 - 100.000 đồng/ năm, góp phần tăng trưởng nguồn vốn, tạo điều kiện cho các hộ nông dân khác vay vốn phát triển sản xuất.

Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành các câu lạc bộ, tổ hợp tác có sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ thành viên trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: Cùng sử dụng một loại giống, thức ăn chăn nuôi; chia sẻ kinh nghiệm, cách làm… để góp phần giảm bớt chi phí sản xuất. Trong đó, HND các cấp giữ vai trò hỗ trợ, xây dựng thành công nhiều thương hiệu cho nông sản, giúp sản phẩm nông sản vươn xa.

 QUỲNH NHIÊN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên