Các dự án sân golf tại Bình Dương: Đầu tư bài bản, hiệu quả cao

Cập nhật: 19-01-2016 | 08:43:21

Trong chuyến công tác, giám sát tình hình phát triển sân golf tại Bình Dương vừa qua, các thành viên trong đoàn Viện Chiến lược phát triển Trung ương đã đánh giá công tác quy hoạch và phát triển sân golf đã được tỉnh Bình Dương thực hiện đồng bộ, bài bản.

 

 Bình Dương thực hiện tốt công tác cấp phép và quản lý sân golf. Trong ảnh: Một góc sân golf Palm Sông Bé. Ảnh: M.NGUYỄN

 Thực hiện đúng quy hoạch

Theo ông Phú Hữu Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay Bình Dương có 4 dự án sân golf được UBND tỉnh cấp phép, tuân thủ đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương với tổng số vốn đầu tư đăng ký là hơn 200 triệu USD. Mặt khác, các dự án này phù hợp với Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 26- 11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020. Trong 4 dự án sân golf được cấp phép đầu tư, hiện đã có 3 dự án đi vào hoạt động, 1 dự án đang trong quá trình triển khai xây dựng và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng giai đoạn I vào năm 2017.

Sớm có mặt và tiêu biểu cho sự thành công của các dự án sân golf ở Bình Dương là Palm Sông Bé, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp phép từ năm 1992. Với phương châm vừa hoạt động vừa kiến tạo, Palm Sông Bé đã hoàn thành 27 lỗ theo đúng thiết kế vào năm 2007 với các công trình phục vụ như nhà hàng, nhà nghỉ cho khách chơi golf, cửa hàng lưu niệm, sân tập golf, phòng tập thể hình…

Đến năm 2013, UBND tỉnh đã chuyển đổi Palm Sông Bé từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trở thành doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư là 28,23 triệu USD, vốn góp thực hiện dự án là 8,46 triệu USD. Hiện công ty đang kêu gọi đầu tư để tiếp tục xây dựng thêm các hạng mục quan trọng khác như trung tâm mua sắm, căn hộ cho thuê, văn phòng cho thuê… Hoạt động có hiệu quả, đến nay Palm Sông Bé đã giải quyết việc làm cho 709 lao động, nộp ngân sách khoảng 510 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó, 2 sân golf khác đang hoạt động tại Bình Dương là Twin Doves Golf Club & Resort (golf Phú Mỹ) và Khu du lịch sinh thái Mekong Golf & Villas. Golf Phú Mỹ có tổng số vốn đầu tư là 81,2 triệu USD, diện tích 165,4 ha do Công ty Cổ phần Phú Mỹ làm chủ đầu tư. Còn Khu du lịch sinh thái Mekong Golf & Villas do Công ty TNHH Mekong Golf làm chủ đầu tư với tổng số vốn 41 triệu USD, diện tích đất sử dụng 199 ha. Cũng như Palm Sông Bé, hai sân golf này đều được cấp phép đúng quy hoạch, thực hiện xây dựng và khai thác bài bản, hiệu quả.

Quản lý chặt chẽ, hiệu quả

Các sân golf tại Bình Dương hiện nay đều được UBND tỉnh cấp phép theo đúng quy hoạch, đúng quy trình, trở thành một trong những điểm sáng trong công tác quản lý, phát triển sân golf của Việt Nam. Các dự án sân golf này sau khi được cấp phép đều được UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật và bảo đảm tiến bộ, kế hoạch đề ra.

Tại buổi làm việc với Viện Chiến lược phát triển Trung ương mới đây, ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, việc cấp phép cũng như quản lý sân golf tại Bình Dương đều tuân thủ theo đúng trình tự, thủ tục và thẩm quyền của UBND tỉnh. Chính vì thế, Bình Dương không hề có sai sót hay tiêu cực trong quá trình phát triển dịch vụ sân golf phục vụ nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam làm ăn, sinh sống. Nhờ đó, tỉnh phát triển sân golf ở mức vừa đủ với nhu cầu và có bài bản, hiệu quả cao.

Sau khi nghiên cứu các báo cáo do Sở Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị và qua kiểm tra thực tế, ông Dương Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Trung ương cùng các thành viên trong đoàn đã hết sức hài lòng với công tác cấp phép và giám sát thực hiện các dự án sân golf của Bình Dương. Với kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm phát triển có hiệu quả hệ thống sân golf, Bình Dương là một trong những điển hình cho các địa phương khác học tập kinh nghiệm.

Ông Dương Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Trung ương cho biết, điểm đặc biệt thành công của Bình Dương so với các tỉnh, thành khác trong cả nước khi phát triển hệ thống sân golf chính là sự minh bạch hóa trong quản lý đất đai. Ở một số địa phương, nhà nước áp giá đất rẻ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư thu hồi đất nhanh và giảm thiểu chi phí. Điều này dẫn đến sự thiếu minh bạch, gây dư luận không tốt trong nhân dân. Riêng ở Bình Dương, cơ quan quản lý nhà nước chỉ cấp phép và giám sát hoạt động chứ không hề can thiệp vào chuyện sang nhượng, đền bù giải tỏa của chủ đầu tư với người dân. Thay vào đó, chủ đầu tư trực tiếp đàm phán giá đất đền bù cho dân nên tạo sự đồng thuận, hài lòng giữa 2 bên. Chủ đầu tư triển khai được dự án nhanh, hiệu quả mà người dân trong khu quy hoạch sân golf cũng được lợi. Đây là một sự thành công lớn trong công tác quy hoạch, phát triển sân golf tại địa phương.

  KHÁNH VINH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên