Các khu công nghiệp: Lực đẩy phát triển kinh tế - Kỳ 3

Cập nhật: 05-12-2014 | 08:25:05

Kỳ 3: Tạo lực cho dịch vụ, đô thị phát triển

> Kỳ 1: Thành công nối tiếp thành công

> Kỳ 2: Từ góc nhìn doanh nghiệp

 Sự phát triển các khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh tạo lực thu hút đầu tư nhanh đã tác động mạnh mẽ để đô thị, thương mại và dịch vụ phát triển. Nhờ vậy bộ mặt đô thị Bình Dương hôm nay khang trang, đầy sức sống, thương mại và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định.

 Các KCN tạo lực phát triển đô thị. Trong ảnh: Một góc khu đô thị Mỹ Phước, TX.Bến Cát hôm nay. Ảnh: T.BÌNH

 Đô thị phát triển

Các KCN tại Bình Dương phát huy hiệu quả thu hút đầu tư đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp cao cho tỉnh, tăng ngân sách cho Nhà nước và giải quyết việc làm cho hơn 400.000 lao động trong và ngoài tỉnh. Với hơn 1.770 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư kéo theo hàng chục ngàn chuyên gia, kỹ sư, quản lý và lực lượng lao động lớn như trên đã đặt ra vấn đề nhà ở và đô thị để ổn định nguồn nhân lực làm việc lâu dài tại các KCN cần giải quyết.

Các KCN tạo lực thu hút dự án lớn vào đô thị, thương mại - dịch vụ

Các KCN phát triển mạnh mẽ đã thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào hạ tầng đô thị, thương mại - dịch vụ ở khu vực kế cận. Nổi bật như: Kế cận các KCN Mỹ Phước (TX.Bến Cát), Tập đoàn SP Setia (Malaysia) đã liên kết đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái Ecolakes Mỹ Phước với vốn đầu tư 600 triệu đô la Mỹ. Kế cận KCN Việt Nam - Singapore I (TX.Thuận An), Tập đoàn Aeon (Nhật Bản) đã đưa vào hoạt động Trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Camary với vốn đầu tư 95 triệu đô la Mỹ; Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã đưa vào hoạt động Trung tâm thương mại Lotte Mart với vốn đầu tư gần 30 triệu đô la Mỹ…

Vì thế, gắn liền với các KCN tỉnh đã sớm quy hoạch khu dân cư, đô thị cùng khu tái định cư theo hướng công nghiệp gắn kết với đô thị hóa kế cận các KCN. Nhờ vậy trong thời gian qua, tại những vùng có KCN, nhiều khu dân cư, đô thị mới đã mọc lên. Trong đó nổi bật như các khu dân cư, đô thị tại TX.Thuận An kế cận KCN Việt Nam - Singapore 1, KCN Đồng An 1; các khu đô thị, khu dân cư tại TX.Dĩ An kế cận KCN Bình Đường, KCN Sóng Thần I và II; các khu đô thị, dân cư tại TX.Bến Cát kế cận các KCN Mỹ Phước 1, 2 và 3... đã đưa hạ tầng đô thị tại những địa phương này phát triển tương đồng với các KCN và góp phần xứng tầm lên thị xã.

Trong bức tranh chung đó, có thể khẳng định các KCN đã tác động rất nhanh và mạnh để đô thị phát triển. Với sự phân bố rộng rãi khu dân cư, đô thị ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, đồng thời nhờ phát triển theo quy hoạch đồng bộ mà bộ mặt đô thị tại những nơi có nhiều KCN thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại. Rõ nét nhất là tại các TX.Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên bộ mặt phố phường của đô thị văn minh đã dần hình thành; trên những trục đường kết nối vào KCN là cửa ngõ của phố phường với nhà cửa khang trang, điện, đường, trường, trạm đầy đủ và sạch đẹp.

Trong khi đó, sự phát triển của những KCN ở các huyện hay xa trung tâm các thị xã cũng làm cho bộ mặt nông thôn ở đây thay đổi. Có đến các KCN Việt Hương 2, An Tây, Bàu Bàng, Đất Cuốc… thì mới cảm nhận được điều đó. Ở những vùng nông thôn có KCN, nhà cửa khang trang mọc lên ngày một nhiều, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao rõ rệt. Nói như lãnh đạo tỉnh Bình Dương, đưa KCN về những vùng đất này, từ sự đồng thuận của chính quyền và nhân dân tỉnh đã góp phần làm nên sức sống mới. Cùng các KCN là những khu đô thị bề thế, khang trang, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo lực để các địa phương lên đô thị.

Thương mại, dịch vụ chuyến biến mạnh mẽ

Sự phát triển các KCN và bộ mặt đô thị hình thành nhanh chóng đã tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và dịch vụ chuyển biến mạnh mẽ; đưa giá trị thương mại và dịch vụ của tỉnh tăng trưởng bình quân hàng năm trên 20%. Tại các địa bàn có các KCN, đời sống người dân ngày càng khởi sắc và chuyển hướng sang phát triển thương mại và dịch vụ. Bức tranh thương mại và dịch vụ sầm uất tại đây rất dễ dàng nhận thấy khi hạ tầng thương mại thay đổi nhanh chóng. Cụ thể, ở những địa phương nhiều KCN như TX.Dĩ An, TX.Thuận An, TX.Bến Cát hay TP.Thủ Dầu Một, nhiều cửa hàng, cửa tiệm, bán lẻ, bán sỉ hoạt động sôi động. Để phục vụ cho doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động tại các KCN ở những địa phương này, nhiều loại hình thương mại- dịch vụ cao cấp phát triển nhanh chóng như siêu thị của Tập đoàn Vinatex, Big C; các chi nhánh ngân hàng An Bình, Eximbank, Á Châu, Kiên Long, MHB…

 Kế cận các KCN, hạ tầng thương mại được tỉnh chú trọng phát triển. Trong ảnh: Trung tâm mua sắm Aeon Bình Dương Canary kế cận KCN Việt Nam - Singapore 1 (TX.Thuận An) Ảnh: T.BÌNH

TX.Bến Cát là địa phương có sự tác động từ các KCN đến phát triển đô thị, thương mại và dịch vụ rõ nét nhất. Với mục tiêu xây dựng KCN nhằm đột phá phát triển toàn diện, thời gian qua Bến Cát đã đạt kết quả tốt đẹp. Chính các KCN tác động mạnh vào quá trình chuyển dịch kinh tế, đưa thương mại và dịch vụ của thị xã chuyển biến rất nhanh. Theo UBND TX.Bến Cát, mỗi năm có đến 2.000 giấy phép kinh doanh cho hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn được cấp mới. Hoạt động hiệu quả từ các hộ kinh doanh này đã góp phần đưa giá trị dịch vụ của Bến Cát luôn tăng trưởng ổn định và đạt cao. Từ đó đã làm thay đổi cuộc sống người dân, tất cả như thay áo mới khi đời sống người dân và phố phường khá lên. Cảm nhận được sự thay đổi này, lãnh đạo phường Mỹ Phước cho biết, trước đây khi công nghiệp chưa phát triển, thu nhập chủ yếu của người dân tại phường chính là nông nghiệp và rất bấp bênh. Còn bây giờ, khi những KCN mọc lên đã tác động giúp thương mại và dịch vụ phát triển, qua đó đời sống của người dân đổi thay nhanh chóng, bộ mặt đô thị hiện đại cũng đã thành hình.

Chung quy lại, xây dựng KCN làm động lực phát triển kinh tế đến nay đã phát huy hiệu quả toàn diện. Từ sự phát triển các KCN đã hình thành chuỗi các khu đô thị, khu dân cư một cách hài hòa. Từ đó giúp Bình Dương hình thành hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn chỉnh, góp phần đẩy mạnh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn kết đô thị hóa của tỉnh đi lên một cách đồng bộ và bền vững. Đây chính là một trong những giải pháp Bình Dương thực hiện, hướng đến mục tiêu trở thành đô thị trực thuộc Trung ương trước năm 2020.


 Kỳ cuối: Chiến lược phát triển bền vững

 T.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên