Các Luật có hiệu lực từ ngày 1-1-2017

Cập nhật: 02-01-2017 | 12:52:44

Từ 1-1-2017, các luật có hiệu lực pháp luật bao gồm: Luật Dược 2016, Luật Báo chí 2016, Luật Phí và lệ phí 2015, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Kế toán 2015 và Luật Ngân sách Nhà nước 2015.

1. Luật Dược 2016 sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2017 và thay thế Luật Dược 2005; gồm 116 điều và 14 chương quy định về chính sách Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; hành nghề dược; kinh doanh dược; đăng ký, lưu hành, thu hồi thuốc và nguyên liệu làm thuốc; dược liệu và thuốc cổ truyền; đơn thuốc và sử dụng thuốc; thông tin thuốc, cảnh giác dược và quảng cáo thuốc; dược lâm sàng; quản lý thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thử thuốc trên lâm sàng và thử tương đương sinh học của thuốc; quản lý chất lượng thuốc, nguyên liệu thuốc và quản lý giá thuốc.

Từ 1-1-2017, nhiều chính sách mới quy định về các loại phí và lệ phí sẽ có hiệu lực thi hành (Ảnh minh hoạ) 

Một số điểm mới nổi bật trong Luật Dược 2016: Quy định cụ thể vỏ nang là nguyên liệu làm thuốc (khoản 3 Điều 2); bổ sung định nghĩa về “sinh phẩm tham chiếu”, “sản phẩm tương tự - Biosimilar” (khoản 11 và 12 Điều 2); bổ sung cụ thể về trách nhiệm, quyền hạn của Hiệp hội (Điều 5); chứng chỉ hành nghề dược; quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ nghiên cứu tương đương sinh học; giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh không quy định thời hạn hiệu lực (Điều 41); nguyên liệu làm thuốc để sản xuất thuốc đã có giấy đăng ký lưu hành: Không cần đăng ký và không cần giấy phép nhập khẩu (Điều 54 và 60); hình thức đăng ký thuốc: Cấp mới là 12 tháng, gia hạn thay đổi bổ sung là 3 tháng, không có hình thức đăng ký lại (Điều 55 và 56); dược liệu: Quy định cụ thể hơn về chất lượng dược liệu, nguồn gốc xuất xứ (Điều 68); thuốc cổ truyền: Thời gian đăng ký lưu hành là 12 tháng với thuốc phải thử lâm sàng, gia hạn thay đổi bổ sung là 1 tháng, các trường hợp còn lại là 6 tháng; về thử tương đương sinh học.

2. Luật Báo chí 2016 gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi. Điểm quan trọng của luật này là khẳng định quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; đối tượng thành lập cơ quan báo chí; liên kết trong hoạt động báo chí; quyền tác nghiệp của báo chí; quyền hạn, nghĩa vụ của nhà báo; hoạt động kinh doanh dịch vụ của cơ quan báo chí; những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; cải chính và xử lý vi phạm…

Hành vi mà báo chí bị nghiêm cấm là: Thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm cá nhân; quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án; thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần trẻ em.

Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trả lời trên báo. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết. Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề lên báo chí (Điều 39).

3. Luật Phí và lệ phí được Quốc hội thông qua ngày 25- 11-2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017; luật gồm 6 chương 25 điều quy định về nguyên tắc xác định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng phí, lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, tổ chức trong quản lý phí, lệ phí.

Luật nghiêm cấm cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí. Trong danh mục phí và lệ phí được phép thu có phí công chứng, chứng thực, phí thi hành án dân sự, phí sử dụng thông tin, như: Phí cung cấp thông tin về lý lịch tư pháp, phí xác nhận có quốc tịch Việt Nam, phí xác nhận là người gốc Việt Nam… 4. Bộ luật Dân sự 2015 có nhiều điểm mới, tiến bộ so với luật cũ. Luật cho phép chuyển đổi giới tính đối với những người đã định hình, hoàn thiện về giới tính. Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của bộ luật này và luật khác liên quan.

Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định những quyền riêng tư, như: Quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng, quyền bảo vệ bí mật gia đình hay yêu cầu tòa án tuyên bố thông tin tiêu cực về mình là không đúng sự thật. Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự vì lý do chưa có điều luật; quy định này nhằm xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết mọi tranh chấp trong nhân dân, góp phần bảo đảm ổn định trật tự xã hội.

Mức trần lãi suất cho vay giữa cá nhân với nhau cũng được quy định trong bộ luật. Tại Điều 468, lãi suất vay do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực. Trong trường hợp không rõ về lãi suất hoặc có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 bộ luật này tại thời điểm trả nợ.

5. Luật Kế toán 2015 quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán. Luật Kế toán áp dụng với 10 đối tượng sau: Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách Nhà nước các cấp; cơ quan Nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách Nhà nước; tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước; doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; hộ kinh doanh, tổ hợp tác; người làm công tác kế toán; kế toán viên hành nghề; doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ kế toán; tổ chức nghề nghiệp về kế toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kế toán và hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.

Luật có những điểm nổi bật như: Quy định về chứng từ điện tử; đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ cuối kỳ; quy định về công khai báo cáo tài chính; cấm đơn vị kế toán lập nhiều hệ thống sổ kế toán; về những người không được làm kế toán; quy định thủ tục hành nghề dịch vụ kế toán; quy định kiểm tra kế toán…

6. Luật Ngân sách Nhà nước 2015 được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25-6-2015 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Luật gồm 7 chương 77 điều, quy định về lập, chấp hành, kiểm toán, quyết toán, giám sát ngân sách Nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong lĩnh vực ngân sách Nhà nước.

XUÂN LẠC (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên