Các tổ chức xã hội và cộng đồng: Góp phần đẩy lùi HIV/AIDS

Cập nhật: 03-12-2015 | 08:56:07

Hướng tới mục tiêu 90- 90-90 trong phòng chống HIV, sự tham gia mạnh mẽ, rộng rãi của các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng (gọi tắt là CBO) đang góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi “dịch bệnh thế kỷ” HIV/AIDS.

Câu lạc bộ Hoa Nở Muộn trong một tiểu phẩm truyền thông phòng chống HIV Ảnh: TỐNG NAM

Theo ghi nhận từ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh, tình hình dịch đang chủ yếu tập trung trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao. Trong đó, chủ yếu là người tiêm chích ma túy, người hành nghề bán dâm và người đồng tính. Vì vậy, việc triển khai các mô hình tiếp cận cộng đồng là biện pháp hữu hiệu nhất nhằm tìm kiếm và kết nối sâu rộng với các nhóm người có nguy cơ nhiễm HIV, từ đó góp phần ngăn chặn tốc độ lây truyền HIV trong cộng đồng dân cư.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hai dự án cùng tham gia vào việc phòng chống HIV/AIDS mà phương thức hoạt động đều sử dụng người đồng đẳng tiếp cận đối tượng đích, đó là dự án của Life-Gap (nay là VAAC-US. CDC) và Dự án Quỹ toàn cầu (Global Fund), với hơn 10 câu lạc bộ (CLB), chia từng nhóm đối tượng có nguy cơ để tiếp cận; tiêu biểu như CLB Hy Vọng, Hương Lá, Kết Nối Trẻ, Trăng Khuyết, Hoa Nở Muộn… Trong gần 5 năm qua, đã có hàng ngàn người được tiếp cận và hỗ trợ, chia sẻ kiến thức và kết nối dịch vụ xét nghiệm và điều trị. Riêng trong năm 2015, ước tính có khoảng hơn 1.000 người tiêm chích ma túy, 500 người đồng tính và khoảng 350 người hành nghề bán dâm được tiếp cận và hỗ trợ.

Các CBO tham gia vào công tác phòng, chống AIDS ở Bình Dương với nhiều hoạt động như: Truyền thông và giáo dục thay đổi hành vi của những người có HIV; chống kỳ thị, phân biệt đối xử trong cộng đồng; thực hiện các can thiệp dự phòng, điều trị, chăm sóc, hoạt động giảm hại, giảm tác động tiêu cực hay chống phân biệt kỳ thị tại cộng đồng; phát triển tổ chức của những người có HIV hay vì những người có HIV.

Anh Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ nhiệm CLB Kết Nối Trẻ cho biết, trong gần 5 năm qua, Kết Nối Trẻ đã hỗ trợ cho gần 1.000 người đồng tính trên địa bàn, giúp gần 80% trong số đó tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV miễn phí, kết nối điều trị ARV cho rất nhiều người mà họ chưa từng phát hiện ra tình trạng nhiễm. Chúng tôi tin tưởng hoạt động của CLB sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ cộng đồng trong thời gian tới, góp sức cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS của tỉnh.

Theo bác sĩ Hàng Thị Xuân Lan, Phó giám đốc Trung tâm Nâng cao Chất lượng cuộc sống (LIFE), đơn vị điều phối hoạt động của Quỹ toàn cầu tại Bình Dương, sự tham gia của các tổ chức xã hội vào phòng, chống HIV là phù hợp với chủ trương xã hội hóa, được khuyến khích trong Luật Phòng, chống HIV/ AIDS cũng như Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/ AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Đây cũng là giải pháp được các tổ chức trong nước và quốc tế xem như một bước tiến quan trọng trong công cuộc phòng, chống HIV/ AIDS.

 

 TỐNG NAM

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên