Các tội xâm phạm an ninh quốc gia

Cập nhật: 11-02-2019 | 09:42:12

(tiếp theo)

2. Tội phá rối an ninh (Điều 118)

Phá rối an ninh được hiểu là hành vi kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, với mục đích chống chính quyền nhân dân. Thời gian vừa qua, do sự xúi giục, mua chuộc của các thế lực phản động, một số người đã có hành vi phá rối an ninh, gây mất an ninh trật tự ở các khu công nghiệp, các khu vực đông dân cư như thành phố, thị xã, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tồn tại của chính quyền nhân dân.

Tội phá rối an ninh được thực hiện bởi bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Tức là người từ đủ 16 tuổi trở lên, có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên đến chưa đủ 16 tuổi không bị xử lý về tội danh này.

Tội phá rối an ninh được thực hiện bằng các hành vi sau đây:

- Kích động, lôi kéo, tụ tập nhiều người phá rối an ninh, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động cơ quan, tổ chức. Hành vi phá rối an ninh được thể hiện qua việc gây ra tình trạng náo động, lộn xộn, mất trật tự, an toàn ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, nơi đóng quân của lực lượng vũ trang (nhưng không sử dụng vũ lực, phá hoại tài sản như tội bạo loạn).

- Chống người thi hành công vụ. Được thể hiện qua hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực (như dùng tay, chân, đấm, đá, dùng gậy gộc đánh giết…) đối với người thi hành công vụ nhằm cản trở không cho họ thực hiện công vụ, nhiệm vụ (người thi hành công vụ là cán bộ công chức hoặc người cản trở không cho họ thực hiện công vụ, công vụ được Nhà nước giao).

- Có hành vi cản trở hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Được hiểu là những hành vi gây khó khăn cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cụ thể là sự ổn định chính trị của Nhà nước và hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội.

Người phạm tội phá rối an ninh thực hiện tội phạm với lỗi cố ý trực tiếp. Mục đích nhằm chống chính quyền nhân dân, mà cụ thể là nhằm làm mất ổn định tình hình chính trị, làm suy yếu Nhà nước. Đó cũng là hậu quả gây ra của tội danh này.

Hình phạt áp dụng với tội phá rối an ninh là rất nghiêm khắc với 3 khung hình phạt. Khung 1, có mức phạt tù từ 5 năm đến 15 năm áp dụng với bất kỳ người nào thực hiện tội phạm; khung 2, áp dụng với người đồng phạm có mức phạt tù từ 2 đến 7 năm; khung 3, áp dụng với người chuẩn bị phạm tội, có mức phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung như: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5792/UBND-NC ngày 30-11-2018 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên