Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình

Cập nhật: 11-05-2019 | 11:02:34

Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (HNGĐ) theo Luật Hình sự Việt Nam là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được Bộ luật Hình sự quy định, do người từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự cố ý thực hiện, xâm hại tới các quan hệ xã hội trong lĩnh vực HNGĐ.

 Các tội xâm phạm chế độ HNGĐ xâm phạm đến một số quan hệ quan trọng nhất phát sinh trong lĩnh vực này như: điều kiện kết hôn; cấm quan hệ tình dục giữa những người có cùng dòng máu trực hệ; quyền nghĩa vụ chăm sóc, cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình; mang thai hộ… Tội phạm tác động trực tiếp vào hoạt động bình thường, đúng đắn của các quan hệ xã hội về HNGĐ, làm ảnh hưởng tiêu cực đến chế độ HNGĐ, tiến bộ xã hội.

Các tội trong nhóm này được thực hiện bằng những hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ về HNGĐ kiểu mới được Nhà nước bảo vệ và được thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Tội phạm chỉ hoàn thành khi có hậu quả nghiêm trọng xảy ra, nghĩa là nếu chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi không đáng kể, hành vi đó không bị coi là tội phạm và không cần thiết phải xử lý bằng Luật Hình sự.

Tất cả các hành vi xâm phạm chế độ HNGĐ phải được thực hiện với hình thức lỗi cố ý thì mới bị coi là tội phạm. Người phạm tội người từ đủ 16 tuổi trở lên, nhận thức rõ hành vi của mình là phá vỡ các nguyên tắc của chế độ HNGĐ Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thấy trước được hậu quả nguy hiểm của hành vi đó và mong muốn hoặc có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra nên đã lựa chọn xử sự đó. Sau đây chúng tôi giới thiệu một số tội phạm thường hay xảy ra:

1. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng (Điều 182)

Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng là hành vi của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Điều luật quy định hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng nhưng không vì thế mà cho rằng nếu người phạm tội có hành vi vi phạm chế độ một vợ thì định tội là: “vi phạm chế độ một vợ” hoặc vi phạm chế độ một chồng thì định tội là: “vi phạm chế độ một chồng”, vì chỉ hành vi vi phạm một trong các trường hợp trên thì cũng là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Chế độ một vợ, một chồng là một nguyên tắc của hôn nhân tiến bộ, được quy định trong Luật HNGĐ 2014.

Người phạm tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng có thể có một trong các hành vi sau: Đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác; chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ. Chung sống như vợ chồng là việc người đó chung sống một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó… Người phạm tội thực hiện hành vi vi phạm chế 

 độ một vợ, một chồng là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác là hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng, thấy trước được hậu quả nghiêm trọng nhất định xảy ra hoặc có thể xảy ra, mong muốn cho hậu quả đó xảy ra hoặc bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.

Hình phạt đối với nhóm tội này có 2 khung: Khung 1, phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm, đối với một trong các trường hợp: Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm. Khung 2, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm áp dụng đối với một trong các trường hợp sau đây: Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; đã có quyết định của tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó. (còn tiếp)

 Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5792/UBND-NC ngày 30/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi thành phố Thủ Dầu Một tỉnh Bình Dương.  
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên