Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính

Cập nhật: 26-10-2019 | 09:50:36

Quản lý hành chính Nhà nước có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và ổn định kinh tế - xã hội; bảo đảm các hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Bộ luật Hình sự 2015 quy định các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính là nhằm phòng ngừa và chống lại các hành vi gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội, làm giảm hiệu lực của các cơ quan quản lý nhà nước.

Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính (TTQLHC) xâm phạm vào các quy định về TTQLHC của Nhà nước. Quy định về TTQLHC là những quy định liên quan đến quản lý xã hội, đến việc thực hiện nghĩa vụ công dân trên nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Xâm phạm vào TTQLHC là gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội và hoạt động của các cơ quan Nhà nước.

Các tội xâm phạm TTQLHC được thực hiện bằng các hành vi dưới dạng hành động hoặc không hành động. Các hành vi hành động như: Chống người thi hành công vụ; giả mạo chức vụ, cấp bậc; sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức; làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức… Các hành vi không hành động như: Trốn tránh nghĩa vụ quân sự; không chấp hành lệnh gọi quân nhân dự bị nhập ngũ… Đa số các tội trong nhóm này chỉ có hành vi thực hiện là được coi là tội phạm, không cần có hậu quả xảy ra. Người thực hiện tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực chịu trách nhiệm hình sự với đa số là lỗi cố ý (chỉ có một trường hợp là lỗi vô ý).

Chúng tôi giới thiệu 2 tội thường hay xảy ra là Tội chống người thi hành công vụ và Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

1. Tội chống người thi hành công vụ (Điều 330)

Tội chống người thi hành công vụ trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường đúng đắn làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính của người thi hành công vụ nói riêng, của cơ quan Nhà nước nói chung. Hành vi của tội phạm thể hiện ở hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng các thủ đoạn khác cản trở, cưỡng ép người thi hành công vụ không thi hành công vụ hoặc không cho họ thực thi chức trách, nhiệm vụ của mình. Dùng vũ lực được hiểu là hành vi của người phạm tội dùng sức mạnh thể chất (sức mạnh của chính bản thân như: đấm, đá, bóp cổ...), sức mạnh vật thể (sức mạnh của công cụ, dụng cụ phạm tội như các loại dao sắc, nhọn, côn, gỗ, thanh sắt, gạch đá, búa đinh...) tác động lên thân thể của người thi hành công vụ với mục đích cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật. Đe dọa dùng vũ lực là hành vi của người phạm tội thể hiện cho người thi hành công vụ biết rằng người phạm tội có thể sử dụng vũ lực ngay tức khắc nếu người đó không chịu dừng ngay việc thực hiện công vụ hoặc không thực hiện hành vi trái pháp luật theo yêu cầu của người phạm tội. Các thủ đoạn khác là hành vi không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để cản trở hay ép buộc người thi hành công vụ như: Uy hiếp tinh thần, xúc phạm danh dự, cố ý tạo ra các trở ngại làm cho người thi hành công vụ không thực thi được nhiệm vụ của mình (đưa phương tiện, hoặc gia súc, vật cản ra gây cản trở ách tắc giao thông nhằm không cho xe của người thi hành công vụ đi) hoặc cố ý phá hỏng phương tiện của mình khi đã bị bắt giữ nhằm mục đích làm cho người thi hành công vụ không đưa được phương tiện, hàng hóa về trụ sở giải quyết. Hành vi dùng thủ đoạn khác để cưỡng ép cũng có thể là đe dọa sẽ công bố những tin tức tài liệu bất lợi cho người thi hành công vụ hoặc người thân thích của họ, đe dọa gây thương tích cho người thân thích hoặc hủy hoại tài sản... dùng lời lẽ đe dọa, bôi nhọ, vu khống như cởi bỏ quần áo trước phụ nữ đang thi hành công vụ, vu khống đòi hối lộ, quan hệ tình dục. Hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, gây ra thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người thi hành công vụ có đủ dấu hiệu cấu thành của tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc làm chết người thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội như Tội giết người, Tội cố ý gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác. Người thực hiện tội phạm là người đủ 16 tuổi trở lên có năng lực chịu trách nhiệm hình sự với lỗi cố ý.

Về hình phạt, có 2 khung hình phạt. Khung 1, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với trường hợp dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật. Khung 2, phạt tù từ 2 năm đến 7 năm đối với một trong các trường hợp: Có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; tái phạm nguy hiểm. (còn tiếp)

Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5792/UBND-NC ngày 30-11-2018 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên