Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế

Cập nhật: 15-06-2019 | 01:26:24
 Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5792/UBND-NC ngày 30-11-2018 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

 Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (Điều 201)

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ. Đối tượng tác động của tội phạm này là số tiền mà người phạm tội cho người khác vay, dùng tiền để kinh doanh bất hợp pháp. Người thực hiện tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự từ đủ 16 tuổi trở lên.

Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được thực hiện bằng hành vi cho người khác vay tiền. Hành vi cho vay có thể được biểu hiện nhiều dạng khác nhau, người cho vay và người vay có thể bằng một hợp đồng viết, nhưng có thể chỉ bằng một hợp đồng miệng. Cho vay ở đây là cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự. Thủ đoạn mà người phạm tội cho vay lãi nặng thường lợi dụng người đi vay gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất như bị thiên tai, bệnh tật hoặc những khó khăn khác cần một số tiền gấp để trang trải, nên người cho vay đã “ép” người vay phải chịu lãi suất cao.

Hậu quả của hành vi cho vay lãi nặng là những thiệt hại vật chất và phi vật chất cho xã hội, như: Tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, những thiệt hại về tài sản cho xã hội và những thiệt hại khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… Hậu quả trực tiếp của hành vi cho vay lãi nặng là gây thiệt hại cho người vay, làm cho người vay phải chịu mức lãi quá cao.

Đối với tội cho vay lãi nặng, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Theo khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 quy định hậu quả là thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Như vậy hậu quả không phải là bắt buộc đối với tội phạm này.

So với các Bộ luật Hình sự trước đó, Bộ luật Hình sự 2015 đã bỏ tình tiết “có tính chất bóc lột”. Có tính chất bóc lột là hành vi cho vay lãi nặng nhằm trục lợi bất chính, người phạm tội chuyên sống bằng nghề cho vay lãi nặng, làm cho người vay phải điêu đứng, thậm chí phải gán cả tài sản, nhà cửa, ruộng vườn để trả nợ hoặc đến làm con sen, con ở trong nhà người cho vay để trừ nợ. Tuy nhiên, việc xác định hành vi cho vay lãi nặng có tính chất bóc lột cũng là vấn đề trừu tượng bởi vậy khó xác định trên thực tế nên nhà làm luật đã bỏ ra khỏi cấu thành tội phạm.

Về hình phạt, có hai khung hình phạt cho Tội cho vay nặng trong giao dịch dân sự. Khung 1, phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm đối với trường hợp cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Khung 2, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với các trường hợp thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. (còn tiếp)   

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên