Hiện nay, tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) được đánh giá vẫn đang tiếp tục gia tăng và có thể sẽ diễn biến khá phức tạp trong những tháng tới vì đang là thời điểm thuận lợi cho bệnh dễ phát triển thêm. Nguy hiểm hơn khi hiện nay, nước ta chưa có vắc-xin phòng bệnh này.
Do SXH chưa có thuốc đặc trị nên việc chăm sóc và dinh dưỡng hợp lý tại nhà được coi là phương thức quan trọng nhằm nâng cao kết quả điều trị, giảm nguy cơ diễn tiến nặng, đồng thời giúp trẻ sớm hồi phục.
Làm sao biết trẻ bị SXH?
Bác sĩ Vương Huỳnh Diễm Trang, Phó Trưởng khoa nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, bệnh SXH thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt với 3 đặc điểm: sốt cao 39 - 40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3 - 4 ngày liền. Triệu chứng xuất huyết dưới da là làm lộ trên mặt da những chấm nhỏ màu đỏ, đốm đỏ hay vết bầm. Để phân biệt với vết muỗi cắn bằng cách căng da chung quanh chấm đỏ, nếu chúng vẫn còn là do xuất huyết, ngược lại nếu biến mất thì đó là vết muỗi cắn. Chảy máu cam, chảy máu chân răng, nướu răng, ói hoặc đi cầu ra máu, đau bụng. Có những trẻ hoàn toàn không bị xuất huyết thì bệnh vẫn có thể dẫn tới một biến chứng vô cùng nguy hiểm, có thể dẫn đến tử vong.
Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao 39 - 40 độ C, đột ngột, liên tục trong 3 - 4 ngày liền thì nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời
Sốc là dấu hiệu nặng, thường xuất hiện từ ngày thứ 3 - 6 của bệnh, đặc biệt lúc trẻ đang sốt cao chuyển sang hết sốt và có thể xảy ra kể cả khi không thấy rõ dấu hiệu xuất huyết. Dấu hiệu sốc gồm: trẻ mệt, li bì hoặc vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít, có thể kèm theo ói hoặc đi cầu ra máu.
Chăm sóc trẻ khi bị SXH
Trẻ bệnh cần nghỉ ngơi, chơi, ngủ ở nơi thoáng mát, không chạy nhảy nhiều. Tránh dùng quần áo quá dày, hoặc ủ kín. Trẻ đang sốt cần theo dõi nhiệt độ thường xuyên mỗi ngày 2 lần vào sáng, chiều và mỗi khi sốt đột ngột. Sau khi uống thuốc hạ sốt một giờ, cần đo lại nhiệt độ. Quan sát các dấu hiệu chảy máu, lượng nước tiểu, các biểu hiện bất thường, tình trạng ăn uống, chơi của trẻ. Khi hạ sốt từ ngày thứ ba trở đi phải theo dõi kỹ hơn. Nếu trẻ vẫn chơi bình thường, ăn uống được là đang hồi phục. Ngược lại, trẻ chơi kém, lừ đừ, than đau bụng nhiều hay có bất kỳ dấu hiệu trở nặng nào khác cũng cần đưa đi khám ngay.
Ngoài ra, phải bảo đảm cho trẻ ăn đủ chất, vì khi mắc bệnh, trẻ thường có triệu chứng ói mửa, miệng lạt không chịu ăn, dẫn đến không ăn đủ lượng thức ăn cần thiết nên dễ bị hạ đường huyết. Để bảo đảm cho trẻ ăn đủ chất, cần tiếp tục cho trẻ ăn các thức ăn hàng ngày, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng cơ thể. Nếu trẻ bị nôn ói, giảm số lượng thức ăn mỗi bữa, phải cho ăn thành nhiều bữa, ăn từ từ, tránh đầy bụng gây nôn ói.
Cách phòng bệnh SXH
Ngành y tế khuyến cáo nên cho trẻ ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày. Không để trẻ nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt. Thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ mọi lúc, cả ngày lẫn đêm. Đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá 7 màu diệt lăng quăng. Dọn dẹp nhà cửa ngăn nắp, sạch thoáng, không treo quần áo làm chỗ cho muỗi trú đậu, loại bỏ các vật chứa nước đọng (gáo dừa, lon, đồ hộp, ly, chén, chai lọ bể, vỏ xe...), thay nước bình bông mỗi ngày, đổ dầu hôi hoặc pha nhiều muối vào chén nước chống kiến chân tủ thức ăn để triệt nơi sinh sản của muỗi. Có thể dùng thuốc diệt muỗi hoặc nhang trừ muỗi.
T.PHƯƠNG