Cách làm “đặc trưng” thu hút nguồn nhân lực

Cập nhật: 05-11-2014 | 08:42:55

Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, Bình Dương cần tuyển từ 40.000 - 50.000 lao động (LĐ)/năm, trong đó hơn 70% LĐ qua đào tạo nghề. Thực hiện chỉ tiêu này, nhiều chính sách đãi ngộ, trong đó chiến lược thu hút nguồn nhân lực ở Bình Dương đã được đề ra và quyết thực hiện bằng được…

 Sinh viên, học sinh trường nghề tranh tài tại hội thi tay nghề cấp tỉnh Ảnh: T.VY

Một thực tế cho thấy những năm qua, Bình Dương đã có nhiều biện pháp thu hút LĐ từ các tỉnh khác về làm việc. Cụ thể năm 2006, Bình Dương thực hiện liên kết thu hút nguồn LĐ theo mô hình “tam giác” giữa doanh nghiệp (DN), các trung tâm giới thiệu việc làm và DN tuyển dụng trực tiếp với các đơn vị, tổ chức và tỉnh bạn… Và đến nay, hơn 30 tỉnh, thành liên kết cung ứng LĐ vào Bình Dương làm việc theo 2 phương thức này. Mô hình liên kết LĐ đã góp phần thu hút nguồn LĐ nói chung và nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng. Kết quả từ năm 2007- 2013, các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Phú Yên, Trà Vinh, Bạc Liêu, Thanh Hóa, Nghệ An, Cao Bằng, Tuyên Quang, HàGiang, Quảng Trị… đã đưa hơn 32.000 LĐ về Bình Dương làm việc. Riêng trong 9 tháng năm nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Dương liên kết cung ứng LĐ với các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Trà Vinh đưa 1.445 LĐ về Bình Dương làm việc tại Công ty TNHH Panko Vina, Công ty TNHH Dệt Kondo Việt Nam… Đây được xem là cách làm “đặc trưng” của Bình Dương để thu hút nguồn nhân lực ngoài tỉnh.

Song song với việc tập trung phát triển nguồn nhân lực, Bình Dương luôn chú trọng đầu tư lĩnh vực dạy nghề để đào tạo nguồn LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao cung ứng cho thị trường LĐ. Bình Dương hiện có 62 cơ sở dạy nghề, bao gồm 5 trường cao đẳng nghề, 8 trường trung cấp nghề, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp, 12 trung tâm dạy nghề và 35 cơ sở dạy nghề khác. Cái được là trong những năm qua, các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề, đặc biệt cơ sở dạy nghề ngoài công lập ngày càng thu hút học sinh, sinh viên học nghề. Tâm sự với chúng tôi, một số học sinh, sinh viên nói, gần đây, các trường, trung tâm, cơ sở dạy nghề đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc đổi mới công tác giảng dạy; trong đó trường Cao đẳng Nghề Việt Nam- Singapore luôn chú trọng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật chất lượng cao, hay trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Đồng An đã và đang phấn đấu trở thành trường đại học, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Thế nhưng trong chừng mực nào đó, một số DN ở Bình Dương vẫn còn thiếu LĐ có tay nghề. Phân tích nguyên nhân hạn chế, các nhà chuyên môn cho rằng, xuất phát từ chất lượng LĐ chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng, một số vị trí chủ chốt, quản lý và điều hành trong công ty do người nước ngoài nắm giữ; DN không tìm được “người bản xứ” có khả năng đáp ứng các yêu cầu đặt ra. Đối với LĐ phổ thông hoặc LĐ đã qua đào tạo, sau khi tuyển dụng, người sử dụng LĐ thường tổ chức đào tạo hoặc đào tạo lại tại DN thông qua hình thức học việc từ 1 - 3 tháng hoặc đưa sang nước ngoài (thường là các công ty mẹ) tập huấn từ 6 đến 12 tháng để người LĐ quen với việc vận hành máy móc, thiết bị và rèn luyện tác phong công nghiệp…

Tuy nhiên, phân tích sâu sát hơn nữa, các nhà đầu tư trên địa bàn Bình Dương, cho rằng Bình Dương có thế mạnh khi hội nhập kinh tế quốc tế, bởi có lực lượng LĐ trẻ và giá nhân công rẻ. Dù vậy, nếu chỉ dừng lại ở yếu tố LĐ rẻ, thì sẽ không thể biến thế mạnh đó thành cơ hội mà chỉ có lợi thế đối với các ngành kinh tế, những DN sử dụng nhiều LĐ, chứ không là lợi thế đối với những ngành kinh tế sử dụng công nghệ cao hoặc các ngành công nghiệp phụ trợ đòi hỏi “chất xám” cao.

Phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ đột phá của Bình Dương. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết muốn đạt được tất cả những vấn đề đặt ra trong chiến lược phát triển nguồn LĐ có tay nghề cao, hơn lúc nào hết, Bình Dương cần xây dựng một chiến lược phát triển theo hướng tăng cường quy mô lẫn chất lượng. Muốn vậy, giải pháp cần thiết là phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của nguồn nhân lực trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa song song với việc xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể về phát triển nguồn nhân lực cho mỗi ngành, mỗi lĩnh vực…

 

 TƯỜNG VY

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên